Báo Hoàn Cầu: Châu Âu cần tự tin cạnh tranh thay vì cản trở xe điện Trung Quốc
Truyền thông Trung Quốc cho rằng Châu Âu cần tự tin và bình tĩnh cạnh tranh công bằng trên thị trường thay vì tìm cách cản trở sự phát triển của xe điện Trung Quốc.
“Cản trở sự cạnh tranh của Trung Quốc không phải là một giải pháp kinh tế trưởng thành”, “Làm như vậy là phản tác dụng”, “Thuế quan trừng phạt và các rào cản thương mại sẽ chỉ khiến hai bên cùng thiệt”… đây là một trong số những ý kiến tranh luận nội bộ châu Âu về thông báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen rằng sẽ mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, hai nền kinh tế lớn của Liên minh châu Âu (EU) là Đức và Pháp có thái độ hoàn toàn khác nhau trước quyết định do các nhà lãnh đạo liên minh công bố. Chính phủ Pháp và ngành công nghiệp ô tô lục địa già ủng hộ việc EU đưa ra các chính sách liên quan, trong khi ngành ô tô Đức tỏ rõ sự phản đối.
Lý do là bởi ngành công nghiệp ô tô Đức có lợi ích ở thị trường Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Pháp, và càng lo lắng rằng các chính sách liên quan của EU sẽ gây ra tổn hại lớn cho chính họ.
Cụ thể, Đức lo ngại động thái này sẽ gây ra cuộc chiến thuế quan và gây tổn hại đến lợi ích lâu dài của ngành ô tô nước này. Một số tiếng nói đồng quan điểm trong dư luận phương Tây cũng tin rằng quyết định của EU chỉ phản ánh nỗi sợ về sự cạnh tranh công bằng và dường như không cân nhắc lợi ích chung của các nước thành viên một cách hợp lý.
Tờ WirtschaftsWoche của Đức cho rằng quyết định mở cuộc điều tra về xe điện của Trung Quốc là do "các yếu tố chính trị" thúc đẩy.
Đối với ngành xe điện, châu Âu là thị trường có tính cạnh tranh cao. Hiện tại, xe điện của Trung Quốc chiếm khoảng 8% thị trường châu Âu, tỷ lệ này không cao và vẫn đang trong giai đoạn nỗ lực mở cửa tình thế.
Xét về mặt giá cả, giá bán của các thương hiệu xe điện phổ thông của Trung Quốc tại thị trường châu Âu cao hơn giá bán tại thị trường nội địa Trung Quốc nhưng vẫn có một số lợi thế về giá so với các thương hiệu địa phương ở châu Âu.
"Vì vậy, lý do EU tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc là không có căn cứ", Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.
Tờ báo Trung Quốc chỉ ra rằng trong những năm gần đây, ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc cho thấy khả năng cạnh tranh thị trường mạnh mẽ, nguyên nhân chính là do các công ty ô tô nước này đã xác định được “đường đua” sớm hơn và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển đổi mới. Chuỗi cung ứng và công nghiệp liên quan của Trung Quốc cũng sớm hoàn thiện hơn các nước khác.
Ngược lại, với tư cách là một trung tâm sản xuất phương tiện sử dụng nhiên liệu truyền thống, quá trình chuyển đổi sang sản xuất và nghiên cứu và phát triển phương tiện sử dụng năng lượng mới của Châu Âu tụt hậu so với các nước như Trung Quốc và Mỹ. Một số nước châu Âu và các hãng ô tô lớn lo ngại thị trường châu Âu sẽ bị chiếm lĩnh bởi các phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc.
Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc từ lâu đã là thị trường quan trọng của các hãng xe châu Âu và chính phủ nước này chưa bao giờ đặt ra bất kỳ trở ngại nào để họ thâm nhập thị trường nội địa, điều này đảm bảo rằng châu Âu có thể tiếp tục thu được lợi nhuận khổng lồ một cách ổn định.
"Vậy, khi các phương tiện sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc phát triển, tại sao châu Âu không thể đáp ứng với tâm lý tương tự?", tờ báo Trung Quốc đặt câu hỏi, đồng thời cáo buộc động thái của EU là "vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh công bằng và cởi mở trong nền kinh tế thị trường, đi ngược lại đề xuất thương mại tự do mà EU luôn tuân thủ".
Trên thực tế, châu Âu là khu vực sản xuất ô tô quan trọng trên thế giới, là nơi hội tụ sâu sắc về thương hiệu, nhân tài, công nghệ, có nhiều điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp xe điện ngày càng phát triển lớn mạnh.
"Châu Âu cần có sự tự tin và tư duy cởi mở để đối mặt với sự cạnh tranh bên ngoài một cách bình tĩnh, từng bước cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp của mình một cách công bằng", Thời báo Hoàn Cầu viết.
Từ góc độ ngành công nghiệp ô tô Trung - Âu, hai bên có không gian hợp tác rộng rãi và lợi ích chung, đồng thời đã hình thành mô hình “đôi bên cũng có lợi”.
Trong những năm gần đây, các công ty ô tô châu Âu như BMW và Volkswagen đã mở rộng hoạt động kinh doanh phương tiện sử dụng năng lượng mới tại Trung Quốc, thiết lập quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc, thu được công nghệ pin và củng cố thị trường.
Theo dữ liệu từ Tập đoàn tư vấn Rhodium có trụ sở tại Mỹ, đầu tư của châu Âu vào ngành ô tô Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 6,2 tỷ euro vào năm ngoái. Các công ty Trung Quốc do CATL (nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới của Trung Quốc) đại diện cũng đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng nhà máy ở các nước châu Âu như Đức và Hungary.
Nếu kiểu cạnh tranh và hợp tác lành mạnh này trong ngành có thể tiếp tục phát triển sâu rộng, nó sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp xe năng lượng mới của châu Âu và giúp EU đạt được các mục tiêu phát triển giảm thiểu carbon.
Cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với Trung Quốc có thể kéo dài vài tháng, liệu kết quả điều tra có dẫn đến việc áp thuế trừng phạt đối với xe điện của Trung Quốc hay không sẽ được quyết định thông qua quá trình bỏ phiếu.
"Thời gian vẫn còn và Trung - Âu cần giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, cùng nhau phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Đây là cách tiếp cận phù hợp với xu hướng lịch sử và quy luật thị trường", Thời báo Hoàn Cầu bày tỏ quan điểm.