'Bảo kê' cát lậu và tiếng thở dài từ vùng sạt lở
Chuyện các cựu quan chức An Giang nhận hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng từ trùm khai thác cát lậu khiến những người dân ở vùng sạt lở phải thở dài, ngao ngán.
Sạt lở - câu chuyện chưa bao giờ cũ ở miền Tây - một lần nữa được bàn tán khắp nơi khi thông tin cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang đính chính trước tòa chỉ nhận hối lộ 17 lần, chứ không phải 20 lần từ nhóm khai thác cát lậu… Thật không biết phải nói gì thêm.
Vụ án Công ty Trung Hậu 68 khai thác cát lậu, có tới 10/44 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ quản lý tại UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh An Giang như cựu chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cựu phó chủ tịch tỉnh Trần Anh Thư, cựu giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí... Các bị cáo bị cáo buộc với các tội danh nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tại tòa, đại diện VKS nhận định “các bị cáo là cán bộ lãnh đạo, quản lý tại UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh An Giang nhưng vì động cơ vụ lợi đã tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 của Lê Quang Bình khai thác cát và bán trái phép 3,7 triệu m3, gây thiệt hại cho Nhà nước 293 tỉ đồng”.
Chỉ nhìn số cát bị khai thác và bán trái phép thôi cũng đủ thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án. Nhưng hậu quả của câu chuyện này đâu chỉ là hành vi phạm tội cụ thể, đâu chỉ là số tiền thiệt hại hàng trăm tỉ đồng kia.
Năm 2024, qua đo đạc, quan trắc, Sở TN&MT tỉnh An Giang cảnh báo toàn tỉnh An Giang có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm.
Chỉ riêng 3-4 năm trở lại đây, địa bàn An Giang đã xảy ra trên 100 vụ sạt lở lớn nhỏ; thiệt hại tiền tỉ, đường sá, nhà cửa trôi sông; không ít gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất…
Và trong không ít các vụ sạt lở, người dân thẳng thừng chỉ ra một trong những thủ phạm chính là khai thác cát quá mức, không đúng quy định, kỹ thuật.
Nhìn nhận một cách khách quan thì nguyên nhân sạt lở gồm các yếu tố tự nhiên và cả hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng trong đó có tác nhân từ khai thác cát quá nhiều, quá độ sâu... khiến lượng cát không bù đắp kịp khiến con nước đói và hút đi những thứ khác trong cơn đói.
Với tư cách là những người đứng đầu tỉnh, đứng đầu ngành, ông Bình, ông Thư, ông Trí không thể nào không biết điều này.
Rõ ràng không ai nắm nhiều thông tin, số liệu cụ thể, hiểu rõ về mối quan hệ giữa sạt lở với chuyện khai thác cát (cả có phép lẫn khai thác cát lậu) như các cựu quan chức này. Bởi chính họ là những người được nghe rất nhiều tư vấn, đánh giá và tham mưu từ các chuyên gia về nguyên nhân, giải pháp phòng, chống sạt lở.
Chuyên môn bài bản như cựu phó chủ tịch Trần Anh Thư với bề dày trong ngành nông nghiệp và cựu giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí hay ông Bình, Trưởng Ban chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang thì có lẽ đây là chuyện thuộc làu làu.
Họ từng ký những chỉ thị, công văn khẩn để chỉ đạo khắc phục hậu quả sạt lở, ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên địa bàn, chỉ đạo xử lý nghiêm khai thác cát lậu…
Trong những cuộc họp, những buổi làm việc về thiên tai, về vấn nạn sạt lở (trong quá khứ) các vị thể hiện sự đau đáu, trăn trở vì tình hình của địa phương, khẩn thiết mong muốn xin chủ trương, xin kinh phí… để lo dân, an dân. Nhưng đáng buồn thay, ở “vai diễn khác”, cũng chính các cựu quan chức này là tác nhân gián tiếp để gây ra những hậu quả ấy.
Không biết khi nhận tiền trăm triệu, tiền tỉ, các cựu quan chức có nghĩ đến thân phận người dân chạy sạt lở phải ngủ gần chuồng heo, ngủ tạm hè nhà hàng xóm, sống vạ vật ở trường học, chùa chiền vì nhà đã trôi sông, tài sản mất sạch hay không.
Giờ đây, khi theo dõi vụ án, chắc hẳn nhiều người dân cũng phải xót xa khi nhớ về những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt, những lời sẻ chia ấm áp của ông Bình, ông Thư khi được thăm hỏi cảnh chạy sạt lở trước đây...
Ngày 2-4, 44 bị cáo gồm các cựu quan chức An Giang sẽ phải nhận bản án thích đáng vì đã có hành vi tiếp tay cho việc khai thác cát lậu.
Án phạt rồi cũng hết thời hạn chấp hành và các vị lại được về với gia đình, xã hội nhưng như cựu phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nói “còn tòa án lương tâm và nỗi nhục nhã của gia đình muôn đời không thể rửa được”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ke-cat-lau-va-tieng-tho-dai-tu-vung-sat-lo-post841658.html