Báo lãi trăm tỷ nhưng Xây dựng Hòa Bình và HAGL đều bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Nửa đầu năm 2024, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) và CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) lần lượt báo lãi 500 tỷ và 896,98 tỷ đồng. Tuy nhiên, kiểm toán đều nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của 2 doanh nghiệp này.

Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam đã thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2024 của Xây dựng Hòa Bình.

Đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tại thời điểm 30/6/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ lũy kế 1.504,5 tỷ đồng (đầu kỳ lỗ lũy kế 2.401,4 tỷ đồng) và một số khoản nợ quá hạn thanh toán.

“Những dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình”, Công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam nhấn mạnh.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình và HAGL.

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình và HAGL.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong nửa đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình tạo ra được 60,39 tỷ đồng lợi nhuận gộp, mức lợi nhuận gộp thấp hơn chi phí tài chính 180,78 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình có lãi đột biến chủ yếu do doanh thu tài chính tăng mạnh, chi phí quản lý doanh nghiệp bất ngờ ghi nhận âm và đặc biệt lợi nhuận khác tăng đột biến

Được biết, trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 433 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.110,7 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi 896,98 tỷ đồng, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành tới 207,2% so với kế hoạch năm.

Ngoài ra, mặc dù lãi thêm 896,98 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024 nhưng tại thời điểm 30/6/2024, Xây dựng Hòa Bình vẫn còn lỗ lũy kế 1.504,5 tỷ đồng và bằng 43,3% vốn điều lệ (vốn điều lệ 3.472,1 tỷ đồng).

Về phần bảng cân đối kế toán, tại thời điểm cuối quý II/2024, Xây dựng Hòa Bình chỉ còn 258,9 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 1,7% tổng tài sản nhưng tổng nợ vay lên tới 4.349,8 tỷ đồng, bằng 168,6% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu là 2.520,8 tỷ đồng).

Đáng chú ý, trước đó, HoSE đã quyết định hủy niêm yết bắt buộc hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC, cổ phiếu HBC sẽ giao dịch phiên cuối cùng ngày 5/9 và chính thức không còn giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 6/9.

Lý do được đưa ra là do Xây dựng Hòa Bình có tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp căn cứ BCTC kiểm toán năm 2023, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

Về phía HAGL, Công ty Ernst & Young Việt Nam đã thực hiện kiểm toán BCTC bán niên 2024 của doanh nghiệp. Trong đó, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh việc HAGL có khoản lỗ lũy kế 957 tỷ đồng tại cuối quý II/2024. Đồng thời, nợ ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn 350,4 tỷ đồng.

Với những thông tin ghi nhận, kiểm toán đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.

Bên cạnh đó, trên thuyết minh BCTC kiểm toán bán niên 2024, HAGL cũng chưa thanh toán gốc và lãi vay đến hạn với số tiền lần lượt 789,7 tỷ và 7,7 tỷ đồng. Công ty cũng chưa thanh toán lãi trái phiếu đến hạn 3.277,8 tỷ đồng.

Thực tế, HAGL vừa báo lãi thêm 500,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản của doanh nghiệp vẫn đang bị đặt nhiều câu hỏi.

Tại cuối quý II/2024, tổng tài sản công ty đạt 21.559,7 tỷ đồng, cao hơn 650 tỷ so với đầu năm. Lượng tiền mặt trong cơ cấu tài sản chỉ còn 136 triệu đồng, quá "mỏng" so với quy mô tài sản hàng chục nghìn tỷ. Ngoài ra, HAGL cũng không ghi nhận có thêm khoản tiền gửi đáng kể nào khác trên BCTC.

Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn, là những tài sản mới đang ghi nhận "trên giấy" chiếm tới 7.382,8 tỷ đồng. Hàng tồn kho chỉ chiếm 773 tỷ đồng trên cơ cấu tài sản, giảm hơn 16,8% so với cùng kỳ.

Một phần lớn tài sản của HAGL nằm dưới dạng tài sản dài hạn bao gồm các tài sản cố định và chi phí xây dựng dở dang dài hạn, chiếm 13.232,6 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, HAGL cũng đang cho thấy lượng lớn là nợ phải trả, chiếm 13.126,8 tỷ đồng, tương đương 60% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 3.950 tỷ đồng, nợ vay dài hạn chiếm 3.091,5 tỷ đồng.

Phần vốn góp của chủ sở hữu ghi nhận trên BCTC là 10.574,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lỗ lũy kế ghi nhận 903,8 tỷ đã khiến vốn chủ bị bào mòn chỉ còn 8.432,9 tỷ đồng.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/bao-lai-tram-ty-nhung-xay-dung-hoa-binh-va-hagl-deu-bi-kiem-toan-nghi-ngo-kha-nang-hoat-dong-lien-tuc-1102044.html