Bao lần tài xế Việt đình công, phản đối ứng dụng gọi xe Grab?

Không đồng tình với việc Grab tăng mức khấu trừ, thu hộ thuế hay chiết khấu tăng cao,… nên nhiều lần các tài xế GrabBike đã kéo nhau đến trụ sở công ty này biểu tình phản đối.

Ngày 7/12/2020, hàng trăm tài xế xe ôm công nghệ kéo nhau đến vây kín trước trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhằm phản đối việc doanh nghiệp này tăng giá cước, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe từ ngày 5/12.

Thậm chí, có những tài xế GrabBike còn chạy xe máy dàn hàng, bấm còi inh ỏi gây náo loạn các tuyến đường của Hà Nội khi họ cùng nhau “diễu hành” về khu vực trung tâm của thành phố. Cánh tài xế còn tập trung nhau đông kín trước cổng Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam.

 Các tài xế GrabBike vây kín trước cửa trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân ngày 7/12/2020.

Các tài xế GrabBike vây kín trước cửa trụ sở Grab ở ngõ 78 phố Duy Tân ngày 7/12/2020.

Tài xế GrabBike biểu tình phản đối ứng dụng thu hộ thuế

Trên đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng tài xế đồng loạt đình công, phản đối ứng dụng gọi xe Grab. Trước đó, trong các ngày 26 - 27/8/2019, nhiều tài xế GrabBike từng kéo đến trụ sở Công ty tại TP.HCM để phản ánh và yêu cầu giải thích việc thu hộ 60.000 đồng/ngày tiền thuế.

Báo Giao thông dẫn lời anh N.T cho biết, đã chạy GrabBike suốt 5 năm và vô cùng bất ngờ khi sáng 26/8/2019 thấy trong ví tài khoản bị trừ 60.000 đồng tiền thuế. Grab là đơn vị đóng hộ tiền thuế giúp tài xế, nhưng quy định nào cho phép Grab thu thuế “trả góp” trước như vậy? Grab cho rằng chỉ những ai có doanh thu trên 100 triệu mới phát sinh nghĩa vụ đóng khoản thuế 4,5%, nhưng ở đây nhiều tài xế chạy chưa đủ 100 triệu tại sao Grab vẫn thu?

ột số tài xế khoe ảnh tắt ứng dụng theo tập thể.

ột số tài xế khoe ảnh tắt ứng dụng theo tập thể.

Sau sự việc xảy ra, đại diện Grab trả lời rằng: Các đối tác tài xế GrabBike có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng từ cước phí vận tải được chia sẻ là 3%; thuế thu nhập cá nhân 1,5%, đối với các khoản tiền thưởng theo doanh thu cá nhân nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 1%. Đây là quy định của nhà nước. Nếu chờ để thu một “cục” thì sẽ gây áp lực lên cho tài xế nên Grab đã chọn cách chia đều ra để thu.

Mặc dù vậy, nhiều tài xế đã ra bằng chứng có những tài xế chưa có doanh đến 100 triệu vẫn bị Grab thu như vậy rất vô lý.

Trước phản ứng của tài xế, chiều 27/8/2019 Grab đã ngưng việc thu 60.000 đồng tiền thuế/ngày đối với Grabbike. Nhiều tài xế đã được hoàn tiền 120.000 đồng tiền thuế của 2 ngày thu trước đó.

"Tuy nhiên ngưng thu 60.000 đồng/ngày tiền thuế không có nghĩa tài xế sẽ không phải đóng thuế" đại diện Grab khẳng định “những tài xế nào có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ chịu thuế 4,5% theo đúng quy định”.

Tuy nhiên, nhiều tài xế cho rằng, Grab đang thu chiết khấu 20% trên mỗi cuốc xe và trong đó đã có 4,5% tiền thuế. Tại sao từ 26/8/2019 lại thu 60.000 đồng tiền thuế? Về thông tin này, phía Grab sau đó cũng đưa ra lời giải thích cho cánh tài xế.

Tài xế GrabBike đình công, tắt ứng dụng phản đối việc chiết khấu tăng cao

Hồi đầu tháng 1/2018, nhiều tài xế GrabBike tại Hà Nội và TP.HCM đồng loạt kêu gọi tắt ứng dụng, đình công để phản đối mức chiết khấu mới Grab áp dụng từ ngày 1/1/2018, lên đến 23,6%.

Thời điểm đó, Grab tiến hành kê khai, thu hộ thuế và việc thu thuế, phí được trừ trực tiếp từ ví tài khoản của tài xế GrabBike, với giá trị cuốc xe ở mức 23,6%. Mức này bao gồm 20% là phí sử dụng ứng dụng và 4,5% mức thu hộ trên 80% doanh thu đối tác nhận được (tương đương 3,6%).

Lý do được Grab đưa ra khi thay đổi chính sách là do trong năm 2016, 2017, hãng này đã dùng ngân sách để nộp hộ đối tác (tài xế). Tài xế đã đình công sau 10 ngày chịu mức chiết khấu mới.

Tài xế tắt ứng dụng, book cuốc ảo

Thời điểm giữa tháng 8/2017, khi Grab nâng mức chiết khấu GrabBike từ 15% lên 20% cũng bị hàng loạt tài xế tại Hà Nội và TP.HCM phản đối.

Cách thức mà tài xế cùng nhau đưa ra là tắt ứng dụng, book cuốc ảo. Đáng nói, nếu những tài xế nào không tham gia đình công sẽ bị “anh em GrabBike tẩy chay”.

Grab khi đó không thay đổi chính sách chiết khấu và cương quyết xử lý một số tài xế book cuốc ảo bằng hình thức khóa tài khoản vĩnh viễn. Sự việc chìm lắng, đa phần tài xế vẫn tiếp tục công việc.

Khánh Hoài

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/bao-lan-tai-xe-viet-dinh-cong-phan-doi-ung-dung-goi-xe-grab-1471287.html