Báo Lao động Thủ đô: Nét riêng mang tên trực tuyến

Trong kỷ nguyên số và công nghệ thông tin, ngoài thực hiện đúng chức năng, tôn chỉ mục đích, để công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả cao nhất, báo Lao động Thủ đô đã không ngừng nỗ lực, vươn lên tìm những hướng đi riêng, cách làm mới, trong đó tổ chức các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến trên hệ thống báo điện tử đã phát huy hiệu quả thiết thực.

Mang kiến thức đến “tận chân công trình”

Có mặt tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương nằm tại Cụm Công nghiệp Di Trạch, xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) vào một ngày cuối tháng 5 năm 2019, chúng tôi thấy được không khí sôi động, hào hứng khi chứng kiến từng tốp công nhân lao động, đoàn viên công đoàn tới hội trường để tham gia buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến có chủ đề: “Những điều cần biết về an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức và Công đoàn công ty tổ chức.

Các chuyên gia trả lời những câu hỏi vướng mắc của công nhân viên chức lao động liên quan đến chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Các chuyên gia trả lời những câu hỏi vướng mắc của công nhân viên chức lao động liên quan đến chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Kết thúc buổi giao lưu, chị Nguyễn Thị Bích (công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Minh Dương) hồ hởi nói, lúc đầu khi được công ty bố trí đi để tham gia, thú thực tôi cũng không hào hứng lắm. Bởi với chúng tôi, điều mong muốn nhất là có công việc và thu nhập ổn định.

Nhưng “không ngờ” khi tham gia buổi đối thoại, giao lưu xong không chỉ cá nhân tôi và đông đảo người lao động mới “vỡ” ra nhiều thứ. Điều trân quý và bổ ích nhất là chúng tôi trực tiếp được các chuyên gia không chỉ khái quát cụ thể những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội mà còn được giải đáp những vấn đề mà mình quan tâm.

Nói về hiệu quả tổ chức đối thoại, giao lưu trực tuyến của Báo, ông Nguyễn Tất Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Đan Phượng cho rằng: “Việc Liên đoàn Lao động huyện thường xuyên phối hợp với báo Lao động Thủ đô tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến rất ý nghĩa để cán bộ công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện hiểu thêm, hiểu rõ, hiểu sâu sắc hơn về chính sách pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Đó là những chính sách mà chúng ta đang trăn trở thực hiện tốt nhất thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người lao động, cũng là động lực để họ hăng hái thi đua lao động sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Qua buổi giao lưu công nhân viên chức lao động được giải đáp những thắc mắc qua đó giúp họ thấy rõ sự quan tâm của tổ chức công đoàn, của Báo Lao động Thủ đô luôn quan tâm, theo dõi động viên người lao động thực hiện tốt các chính sách đó để họ yên tâm thực hiện tốt công việc”.

“Hàng ngày làm việc tại xưởng sản xuất, gặp vướng mắc liên quan tới các chính sách, pháp luật, đến quyền lợi của bản thân, chúng tôi chẳng thể tìm gặp các chuyên gia để nhờ họ giải đáp. Qua buổi đối thoại, giao lưu, chúng tôi được hỏi và vui lắm khi được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ, thỏa đáng, dễ hiểu.

Tôi thấy, hoạt động này hết sức thiết thực, ý nghĩa, giúp chúng tôi không ngừng được nâng cao kiến thức pháp luật, hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của bản thân để từ đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và sẽ hiểu đúng để mạnh dạn đấu tranh nếu quyền lợi chính đáng, hợp pháp bị vi phạm”, chị Bích hào hứng chia sẻ.

Còn anh Nguyễn Văn Thành (công nhân Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương) thì tâm sự: Tôi cứ nghĩ thời buổi khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay, hết giờ làm về nhà khi rảnh rỗi chúng tôi chỉ cần lên mạng gõ trên google là sẽ ra ngay những điều mình cần tìm hiểu, nhưng không phải, khi tham gia các buổi đối thoại về chính sách liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm. nghĩa vụ của người lao động, chủ sử dụng lao động, tôi mới hiểu có “google” trời cũng không bằng.

Đơn cử, tại đây chúng tôi được trực tiếp đặt câu hỏi và nghe các chuyên gia giải đáp ngay lập tức. Đây chính là những bộ cẩm nang sống về các kiến thức liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động… giúp chúng tôi yên tâm lao động, sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất cho công ty”.

Những ý kiến, đánh giá của chị Bích, anh Thành cũng chỉ là những ví dụ điển hình mà không thể kể hết ra trong bài báo này, song đây cũng chính là đánh giá chung của nhiều công nhân lao động, đoàn viên công đoàn trên khắp địa bàn Thủ đô nơi mà những năm qua Lao động Thủ đô đã mang các kiến thức về chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội dung về lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ đối với người lao động, giới chủ đến tận công đoàn cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp… Theo đánh giá của các chuyên gia, cán bộ công đoàn đây là một trong những phương thức tuyên truyền hiệu quả nhất trong kỷ nguyên công nghệ số và cách mạng công nghiệp 4.0.

… Chất xúc tác từ các chuyên gia và “ngôi nhà Lao động Thủ đô”

Nhắc đến đặc trưng riêng có của báo, bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết, thời gian qua công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động luôn được các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn chú trọng triển khai thực hiện. Là một cơ quan ngôn luận, cầu nối hữu hiệu giữa người lao động và người sử dụng lao động, báo luôn xác định rõ, ý thức được nhiệm vụ là làm sao truyền tải phong phú, tốt và hiệu quả nhất những kiến thức pháp luật liên quan đến người lao động. Hoạt động đối thoại, giao lưu trực tuyến ra đời là thế.

“Chúng tôi luôn xác định phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các hoạt động giao lưu trực tuyến để cùng với tổ chức Công đoàn và các cấp ngành tiếp tục tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động, giúp người lao động có thể tự bảo vệ chính mình khi cần thiết”, Tổng biên tập Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Với mục đích thiết thực vì quyền lợi của người lao động, để các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất, giúp công nhân viên chức lao động nâng cao được nhận thức, kiến thức pháp luật, trước mỗi buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, Ban biên tập báo Lao động Thủ đô luôn xây dựng và chỉ đạo thực hiện những kế hoạch chu đáo, chặt chẽ.

Bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, tìm địa điểm, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, đội ngũ kỹ thuật viên, phóng viên, Ban Biên tập báo đặc biệt coi trọng việc mời tới buổi đối thoại, giao lưu các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên ngành… như tiến sĩ Nguyễn Xuân Thu - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật - Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội…

Tại các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, chuyên gia, khách mời đều trả lời những câu hỏi của người lao động bằng sự tận tâm, nhiệt tình, thấu tháo. Mỗi khi người lao động đưa ra những câu hỏi chưa đầy đủ ý, thiếu sự rõ ràng, chuyên gia lại gợi ý, hỏi sâu vào từng chi tiết để người lao động có thể diễn đạt đúng, đủ thắc mắc của mình một cách rõ ràng nhất. Đối với những câu hỏi có hàm ý rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, sau khi được một chuyên gia trả lời, các chuyên gia khác có mặt trong buổi giao lưu vẫn tiếp tục bổ sung cho câu trả lời thêm đủ ý, trọn vẹn.

Đánh giá về hiệu quả từ các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến các chuyên gia đã từng tham gia cùng Lao động Thủ đô suốt những năm qua đều có chung nhận định, Lao động Thủ đô đã biết kết hợp yếu tố truyền thống trong thời đại công nghệ thông tin để tuyên truyền.

Nói một cách ngắn gọn phương pháp đó là lấy cơ sở, người lao động làm trọng tâm để bám sát cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền; lấy yếu tố công nghệ làm công cụ để quảng bá những việc đang diễn ra một cách nhanh nhất, rộng nhất. Đơn giản, đối thoại, giao lưu trực tuyến ngoài mang kiến thức trực tiếp đến cho người lao động, còn dễ dàng “phủ sóng” trên không gian rộng.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bao-lao-dong-thu-do-net-rieng-mang-ten-truc-tuyen-94123.html