Bạo loạn Bangladesh là cơ hội vàng với nhóm ngành dệt may Việt Nam

Các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Việt Nam có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT ở mức cao (đây là lợi thế cạnh tranh của Bangladesh), từ đó có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này...

Tình hình bạo loạn tại Bangladesh ngày càng leo thang đang ảnh hưởng lớn đến ngành may mặc của nước này. Theo đưa tin từ The Daily Star, ít nhất 5 nhà máy may mặc, dệt may và nhựa đã bị đốt cháy ở khu vực Ashulia và Sreepur trong cuộc bạo loạn. Ngoài ra, một nhà máy kéo sợi khác ở Sreepur cũng đã bị cháy.

Các nhà xuất khẩu không thể vận chuyển hàng hóa từ các cảng và không thể tiếp tục sản xuất tại các nhà máy vì tình trạng bạo lực.

Vào ngày 4/8, Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) ra thông báo yêu cầu các nhà máy đóng cửa và hiện tại vẫn chưa rõ ngày cụ thể mở cửa trở lại.

CƠ HỘI VÀNG TỪ BẠO LOẠN BANGLADESH

Mới đây, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đã công bố báo cáo triển vọng về ngành dệt may. Theo nhóm phân tích, các cuộc biểu tình liên quan đến hạn ngạch việc làm gần đây ở Dhaka khiến làn sóng biểu tình lan ra cả nước Bangladesh cũng như bạo động lật đổ cựu Thủ tướng Hasina trong thời gian này, đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh của Bangladesh trong những ngày gần đây.

Tình hình này tác động trực tiếp đến ngành dệt may, ngành chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh vào năm 2023. Phía SSI Research lưu ý rằng các thương hiệu thời trang hàng đầu từ Châu Âu (H&M, Zara...) đều là những mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh.

Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, do đó, nhiều khách hàng đã cân nhắc chuyển các đơn đặt hàng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.

Là một quốc gia láng giềng cung cấp bông cho Bangladesh, đơn vị phân tích này cho rằng Ấn Độ là nước được hưởng lợi lớn nhất trong biến động ngắn hạn này.

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc trong nước có tỷ trọng đóng góp cao nhất từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT ở mức cao (đây là lợi thế cạnh tranh của Bangladesh) có thể được hưởng lợi từ sự thay đổi này.

Thị phần xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang Mỹ vẫn giữ ổn định ở mức 7,1% từ năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 và Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam (thị phần của Việt Nam tại Hoa Kỳ là 15%).

Do đó, SSI Research cho rằng Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do có tỷ trọng đóng góp cao từ thị trường châu Âu và tỷ lệ đơn đặt hàng CMT cao hơn so với các công ty cùng ngành như Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) và Công ty Cổ phần May Sông Hồng (mã chứng khoán: MSH).

Thông tin từ báo cáo thường niên 2023 của TNG cho biết Mỹ là thị trường chủ chốt chiếm 46% doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp năm 2023. Các thị trường EU như Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan chiếm tổng cộng hơn 31% nguồn thu xuất khẩu của TNG.

Liên quan tới thông tin dệt may Bangladesh gặp khó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhận định với tình hình trên thì trước mắt sẽ có một số lợi thế cho dệt may Việt Nam.

Các chuyên gia của VITAS cho rằng năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ tạm thời bị giảm sút, trong khi hiện nay là giai đoạn cao điểm, các nhà máy trên thế giới đang chạy đua để sản xuất hàng cho mùa đông. Điều này dẫn đến khách hàng sẽ phải chuyển dịch đơn hàng sang nước khác, để bù đắp số lượng bị thiếu hụt. Từ đó khiến niềm tin của khách hàng đối với ngành dệt may Bangladesh sẽ bị giảm sút.

Ngoài ra, Bangladesh cũng đang phải chịu sức ép tăng lương cho người lao động . Do đó, lợi thế về chi phí lao động của nước này sẽ bị giảm sút.

“TIẾNG THOI” ĐÃ TRỞ LẠI

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024 và 6 tháng đầu năm với nhiều tín hiệu khởi sắc.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG), doanh thu thuần trong quý 2 đạt gần 2.174 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá vốn chậm hơn doanh thu đã dẫn đến lãi gộp cao, đạt hơn 358 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm 18%, còn dưới 24 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng 72%, lên gần 124 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng cao, lần lượt hơn 32 tỷ đồng và gần 112 tỷ đồng, tương ứng tăng 34% và 14%.

Kết quả, TNG ghi nhận lãi ròng hơn 86 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TNG ghi nhận doanh thu đạt 3.527 tỷ đồng tăng 6% và lãi ròng đạt hơn 129 tỷ đồng tăng 38% so với cùng kỳ.

Năm 2024, công ty lên kế hoạch doanh thu đạt 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, tăng 11% và 41% so với thực hiện năm 2023. Hết quý 2, TNH đã thực hiện được lần lượt 45% và 42% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2024, Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã chứng khoán: HTG) ghi nhận doanh thu thuần 1.094 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm khiến lãi gộp thu về 151 tỷ đồng, tăng tới 69% và biên lãi gộp nới rộng từ mức 8,6% cùng kỳ lên 13,8%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính hơn 25 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tổng kết quý 2, HTG lãi ròng 70 tỷ đồng, mức cao nhất trong 7 quý và tăng 109% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, lãi ròng hơn 115 tỷ đồng, tăng 78% và thực hiện được 65% mục tiêu lợi nhuận năm.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) vừa công bố kết quả quý 2/2024, đạt gần 847 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 19% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng giá vốn chậm hơn doanh thu, dẫn tới biên lãi gộp cải thiện từ mức 13,3% cùng kỳ lên 18%. Lãi gộp tăng mạnh 60% lên gần 153 tỷ đồng.

Trong kỳ, hoạt động tài chính cũng khởi sắc, thu về gần 25 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ, phần lớn đến từ lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện. Song song đó, chi phí tài chính thấp hơn 75% so với cùng kỳ, bù đắp tăng trưởng chi phí bán hàng và quản lý, góp phần cải thiện đáng kể bức tranh lợi nhuận chung. Kết quả, công ty lãi ròng 71,4 tỷ đồng và cao nhất gần 2 năm.

Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của TCM gần 1.781 tỷ đồng và lãi ròng hơn 134 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 138% so với cùng kỳ; thực hiện được 48% chỉ tiêu doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.

Theo phân tích của Chứng khoán VPS, hiện ngành dệt may đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố trong nước cũng như quốc tế, kết hợp với những điều kiện thuận lợi hứa hẹn 2024 là một năm sáng giá của ngành dệt may nói chung.

Nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh, khu vực FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dệt may, đóng góp khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Một số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc... Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia số một trong đầu tư vào ngành dệt may ở Việt Nam.

Bên cạnh trợ lực từ doanh nghiệp FDI, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ sự khởi sắc của ngành dệt may. Chuyên gia của VPS cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn dần hồi phục, ECB có động thái hạ lãi suất, các Hiệp định thương mại như: EVFTA, CPTPP và RCEP tiếp tục tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU và Nhật Bản. Những hiệp định này giúp giảm thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành dệt may Việt Nam.

 Diễn biến nhóm cổ phiếu dệt may trong sáng ngày 8/8

Diễn biến nhóm cổ phiếu dệt may trong sáng ngày 8/8

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch sáng ngày 8/8/2024, cổ phiếu ngành dệt may ngập tràn sắc xanh trong bối cảnh bạo lực lan rộng tại Bangladesh, ngành công nghiệp may mặc - trụ cột kinh tế của quốc gia Nam Á này - đang chìm trong khủng hoảng. Các mã nổi bật đầu ngành như VGT, TCM, TNG, MSH đều bật cao. Riêng MSH, giá có lúc lên đến mức kịch trần vào giữa phiên.

Nguyễn Lan

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/bao-loan-bangladesh-la-co-hoi-vang-voi-nhom-nganh-det-may-viet-nam-post553929.html