Bạo loạn Điện Capitol và ba câu hỏi lớn của nước Mỹ

Máu đã đổ, khói đã tan trên Điện Capitol, Quốc hội Mỹ xác nhận ông Joe Biden sẽ làm Tổng thống, nhưng rối ren ở Washington sẽ khó mà chấm dứt. Bình luận của TG&VN.

Ngày 6/1 chắc chắn là ngày đáng quên với nước Mỹ khi lần đầu tiên trong lịch sử, Điện Capitol bị tấn công. Đáng ngại hơn, nguyên nhân cho hành động chưa từng có tiền lệ này đến từ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, người vẫn khẳng định cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 đã bị “đánh cắp”.

Đứng vững sau khói lửa

Đoàn biểu tình đã tràn vào Điện Capitol, thậm chí có người tới được căn phòng diễn ra cuộc họp lưỡng viện xác nhận kết quả bầu cử Tổng thống. Pháo sáng, tiếng súng, hơi cay trước một địa điểm tượng trưng cho nền dân chủ Mỹ ngày 6/1 sẽ là ký ức khó phai với người dân xứ cờ hoa.

Người biểu tình cầm cờ ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại Điện Capitol ngày 6/1. (Nguồn: Getty Images)

Người biểu tình cầm cờ ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại Điện Capitol ngày 6/1. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, nỗ lực của đoàn người biểu tình đã nhanh chóng bị dập tắt. Lưỡng viện Mỹ chính thức công nhận chiến thắng của liên minh Joe Biden-Kamala Harris trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020. Hai nhân vật này sẽ nhậm chức Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ ngày 20/1 tới.

Ngay sau khi bạo loạn diễn ra, hàng loạt quan chức nội các Mỹ đã đệ đơn từ chức, trong đó có Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao và Bộ trưởng Giáo dục Betsy Devos vì cho rằng ông Trump đã kích động những người ủng hộ gây ra cuộc biểu tình.

Trước áp lực ngày càng tăng, Tổng thống Donald Trump đã phải hạ mình. Ngày 7/1, hơn 2 tháng sau ngày bầu cử, ông lần đầu lên tiếng chấp nhận kết quả: “Bây giờ Quốc hội đã chứng nhận kết quả, chính quyền mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Trọng tâm bây giờ của tôi là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực có trật tự và suôn sẻ”.

Khẳng định mình “tức giận về sự bạo lực và vô pháp”, song ông cũng tuyên bố “hành trình tuyệt vời của chúng ta chỉ mới bắt đầu”.

Ba câu hỏi lớn

Điện Capitol và nền dân chủ Mỹ đã đứng vững, song còn đó nhiều câu hỏi mà Washington cần sớm giải đáp.

Thứ nhất, tương lai của đảng Cộng hòa sẽ ra sao? Với chiến thắng tại bang Georgia, đảng Dân chủ giờ đây sẽ nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, cùng Tổng thống đắc cử Joe Biden tái lập lại ưu thế tuyệt đối trước đảng Cộng hòa 10 năm về trước.

Thất bại này sẽ buộc phe Cộng hòa phải có điều chỉnh, song thay đổi ra sao là điều mà chính đảng này chưa thể tìm ra câu trả lời. Nhiều nhân vật chủ chốt như Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy hay Thượng nghị sỹ Lindsey Graham vẫn duy trì sự ủng hộ đối với ông Trump, dù chính ông Graham đã bảo vệ kết quả bầu cử trước nỗ lực thách thức của nhóm 11 Thượng nghị sỹ Cộng hòa khác.

Dù phủ nhận nỗ lực thách thức ông Joe Biden, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham vẫn ủng hộ với ông Donald Trump. (Nguồn: AP)

Dù phủ nhận nỗ lực thách thức ông Joe Biden, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham vẫn ủng hộ với ông Donald Trump. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ trong đảng Cộng hòa đã thể hiện sự bất mãn ngày một lớn với ông Trump, đặc biệt là sau bạo loạn tại Điện Capitol. Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, chính trị gia đầu tiên ủng hộ ông Trump, cho rằng “hành động của ông ấy trong 8 tuần qua đã gây tổn thất nghiêm trọng tới đất nước và đảng”.

Thượng nghị sỹ bang South Dakota John Thune kêu gọi loại ông Trump trong bỏ phiếu nội bộ năm tới, nhận định rằng đã đến lúc xây dựng lại bản sắc của đảng Cộng hòa dựa trên hệ nguyên tắc, ý tưởng và chính sách, thay vì xoay quanh một cá nhân.

Một hướng đi hợp lý, khôi phục đoàn kết nội bộ, ngăn chặn bước tiến của đảng Dân chủ trong bầu cử Thượng viện và Hạ viện 2022 là điều giới lãnh đạo đảng Cộng hòa cần sớm tìm kiếm. Đây không đơn giản là vấn đề sinh tồn của một đảng, mà còn của hệ thống chính trị lưỡng đảng Mỹ.

Thứ hai, trong khi đảng Cộng hòa ngẫm đối sách hàn gắn nội bộ đảng thì chính quyền tiếp theo của ông Joe Biden sẽ phải đau đầu trước bài toán nhằm chữa lành những vết thương trong lòng nước Mỹ. Cuộc bạo loạn vừa qua tại Điện Capitol một lần nữa thể hiện sự chia rẽ, rạn nứt cao chưa từng có trong nội bộ xứ cờ hoa.

Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng trong nhiệm kỳ đầu, chính quyền của ông Joe Biden sẽ tập trung giải quyết các vấn đề đối nội như triệt để kiểm soát đại dịch Covid-19, hồi phục tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và xoa dịu các vấn đề xã hội như bạo lực gia tăng, bất bình đẳng giới và bình đẳng thu nhập ngày một lớn. Song cuộc bạo loạn vừa qua tại Điện Capitol cho thấy nước Mỹ có lẽ sẽ cần nhiều hơn một nhiệm kỳ Tổng thống để bình phục.

Một hướng đi hợp lý, khôi phục đoàn kết nội bộ, ngăn chặn bước tiến của đảng Dân chủ trong bầu cử Thượng viện và Hạ viện 2022 là điều giới lãnh đạo đảng Cộng hòa cần sớm tìm kiếm. Đây không đơn giản là vấn đề sinh tồn của một đảng, mà còn của hệ thống chính trị lưỡng đảng Mỹ.

Tuy nhiên, nhìn vào cuộc bầu cử vừa qua, ông Donald Trump và đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ không từ bỏ một cách dễ dàng 4 năm tới. Trong phát biểu ngày 7/1, ông Donald Trump đã nói về “hành trình tuyệt vời chỉ mới bắt đầu”, tỏ ý chấp nhận kết quả bầu cử, song ngầm khẳng định sẽ tham gia tranh cử năm 2024.

Với tình hình hiện nay, ông Trump, với sự ủng hộ của một bộ phận người dân và đảng Cộng hòa, vẫn là nhân tố lớn trong chính trị Mỹ trong ít nhất 4 năm tới. Đây có thể là rào cản lớn tới nhiệm vụ hàn gắn nước Mỹ của chính quyền Tổng thống kế nhiệm Joe Biden.

Thứ ba, đó là câu hỏi về vị thế của nền dân chủ Mỹ trên trường quốc tế. Từ lâu, Washington đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ khi nói đến nền dân chủ và sự thay đổi quyền lực có trật tự.

Các đồng minh phương Tây có thể nghi ngờ về chính sách đối ngoại của ông Trump, song rõ ràng không lường trước cuộc bạo loạn ngay tại Điện Capitol để ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực.

Điều này lý giải tại sao lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Chủ tịch Liên minh châu Âu đều nhận định rằng sự kiện xảy ra ở “trung tâm”, “ngôi đền” của nền dân chủ lại sốc đến như vậy.

Bởi lẽ, vị thế nền dân chủ hàng đầu của Mỹ đang đứng trước thách thức nghiêm trọng. Đáng ngại hơn, cuộc bạo loạn này có thể cổ vũ phong trào cực đoan, tạo tiền lệ xấu cho các cuộc bầu cử sắp tới, đặc biệt là Đức, nơi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đang lớn mạnh.

Do đó, chính quyền kế nhiệm cần khôi phục vị thế của nền dân chủ Mỹ, bởi đây không đơn giản là chuyện của xứ cờ hoa, mà còn liên quan tới hệ giá trị dân chủ phương Tây hằng theo đuổi.

Đây sẽ là ba câu hỏi không hề đơn giản đang chờ ông Joe Biden và nước Mỹ sau ngày 20/1 tới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-loan-dien-capitol-va-ba-cau-hoi-lon-cua-nuoc-my-133500.html