Bạo loạn nghiêm trọng, Bangladesh ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn
Tình hình bạo loạn ở Bangladesh diễn tiến nghiêm trọng, chính phủ phải ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc, trong khi truyền thông đưa tin gần trăm người chết chỉ trong ngày 4-8.
Ngày 4-8, tờ nhật báo hàng đầu Bangladesh Prothom Alo cho biết ít nhất 95 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát trên khắp Bangladesh.
Cũng theo tờ Prothom Alo, trong số 95 người chết có ít nhất 14 cảnh sát. Đây cũng là số người thiệt mạng cao nhất trong một ngày so với bất kỳ cuộc biểu tình nào diễn ra gần đây ở Bangladesh.
Trong khi đó, Kênh 24 (Bangladesh) đưa tin ít nhất 85 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình.
Chính phủ Bangladesh chưa đưa ra báo cáo về con số thương vong trong cuộc biểu tình.
Làn sóng bạo loạn ở Bangladesh xảy ra trong bối cảnh hàng chục nghìn người biểu tình tiếp tục xuống đường kêu gọi Thủ tướng Bangladesh - bà Sheikh Hasina từ chức do sử dụng vũ lực quá mức đối với người biểu tình, buộc các lực lượng cảnh sát đã phải bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán.
Tại khu phố Uttara của thủ đô Dhaka, người biểu tình đã tấn công các ngôi nhà và phá hoại một văn phòng phúc lợi cộng đồng trong khu vực của đảng cầm quyền, theo tờ The Guardian. Các nhân chứng cho biết người biểu tình còn cho kích nổ bom tự chế và tiếng súng nổ ra. Ít nhất 20 người trong khu vực bị trúng đạn.
Cảnh sát cũng cho biết ít nhất 4 nhà máy may mặc đã bị phóng hỏa ở Ashulia, ngoại ô thủ đô Dhaka.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Bangladesh lần đầu tiên phải ban bố lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc bắt đầu từ 6 giờ chiều 4-8. Dịch vụ internet tốc độ cao cũng bị ngắt và các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và WhatsApp hiện không hoạt động ở Bangladesh.
“Những kẻ thực hiện bạo lực không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố nhằm gây bất ổn cho đất nước [...] Tôi kêu gọi đồng bào của chúng ta hãy trấn áp những kẻ khủng bố này bằng bàn tay mạnh mẽ" - bà Hasina tuyên bố về tình hình bạo loạn ở Bangladesh.
Theo The Guardian, đảng Liên đoàn Awami cầm quyền cho rằng việc người biểu tình yêu cầu Thủ tướng Hasina từ chức cho thấy lực lượng đối lập gồm chính đảng Quốc gia Bangladesh và đảng Jamaat-e-Islami bị cấm đứng đằng sau các cuộc bạo loạn này.
Đợt bạo loạn ở Bangladesh hôm 4-8 tiếp tục khiến cho tình trạng bất ổn ở nước này thêm nghiêm trọng sau khi chính phủ đưa ra hệ thống hạn ngạch việc làm mới, dành 30% số lượng công việc trong chính phủ cho các cựu chiến binh và người thân của họ.