Bạo loạn ở Kenya và gánh nặng nợ nần của các quốc gia châu Phi

Các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn của người dân Kenya nhằm phản đối dự luật tăng thuế đang cho thấy một vấn đề sâu xa hơn: Đó là gánh nặng nợ nần của quốc gia Đông Phi này, cũng như ở châu Phi nói chung.

Dự luật thuế phải tạm gác lại

Tổng thống Kenya William Ruto hôm thứ Tư cho biết ông sẽ rút lại dự luật tăng thuế quy mô lớn, một ngày sau khi các cuộc biểu tình trên toàn quốc phản đối các biện pháp này trở nên đẫm máu. Động thái này cho thấy gánh nặng trả nợ gần mức cao kỷ lục đang ngày càng nghiêm trọng ở các nước châu Phi.

 Tổng thống Kenya William Ruto tuyên bố rút lại dự luật tăng thuế - Ảnh: AFP

Tổng thống Kenya William Ruto tuyên bố rút lại dự luật tăng thuế - Ảnh: AFP

Đứng trước một loạt nhà lập pháp, Tổng thống Ruto cho biết ông sẽ tìm kiếm các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới, kể cả tại văn phòng của chính mình, để bù đắp cho sự phản đối của công chúng đối với cái gọi là dự luật tài chính, nhằm huy động thêm 200 tỷ shilling Kenya ( 1,55 tỷ USD) tiền thuế.

Các quỹ này - bao gồm các khoản thuế mới đánh vào các mặt hàng hàng ngày như tã lót và giấy vệ sinh nhập khẩu - nhằm giúp nền kinh tế phát triển nhất Đông Phi trả hết các khoản vay và trái phiếu.

Thông báo bất ngờ được đưa ra một ngày sau khi đám đông người biểu tình, chủ yếu là thanh niên Kenya, xông vào Quốc hội nước này vài phút sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu thông qua dự luật.

Cảnh sát đã nổ súng vào người biểu tình, một động thái mà Tổng thống Ruto và các thành viên khác của chính phủ bảo vệ là cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng công cộng, nhưng bị nhiều chính phủ phương Tây và các nhóm nhân quyền chỉ trích rộng rãi.

Ông Ruto cho biết 6 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ và hơn 200 người bị thương. Trước đó cùng ngày, một nhóm các nhóm nhân quyền ở Kenya cho biết họ đã thống kê được ít nhất 23 người chết.

Trong khi đó, cơ quan cảnh sát Kenya cho biết, cũng có 58 cảnh sát bị thương và nhiều phương tiện của lực lượng này bị hư hại do người biểu tình đập phá hoặc đột cháy. Tổng thống Ruto nói: “Rõ ràng là công chúng vẫn khăng khăng yêu cầu chúng tôi phải nhượng bộ nhiều hơn”.

 Những gì còn lại của một chiếc xe bị thiêu rụi trong cuộc biểu tình ở Nairobi phản đối dự luật tăng thuế. Ảnh: AFP

Những gì còn lại của một chiếc xe bị thiêu rụi trong cuộc biểu tình ở Nairobi phản đối dự luật tăng thuế. Ảnh: AFP

Giống như nhiều quốc gia châu Phi khác, Kenya đã chứng kiến nợ công tăng mạnh trong thập kỷ qua, khi các quốc gia liên tiếp bán trái phiếu trị giá hàng tỷ USD và vay các khoản vay cơ sở hạ tầng từ nhiều chủ nợ, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo Tổng thống Ruto, chính quyền của ông hiện chi 61 shilling trong số 100 shilling mà họ thu được vào thuế để trả nợ. Trên khắp châu Phi cận Sahara, trung bình, trả nợ đã ngốn mất 47,5% nguồn thu của các nước vào năm ngoái, gấp đôi mức của một thập kỷ trước.

Mắc kẹt trong nợ nần

Kể từ khi đắc cử tổng thống vào năm ngoái, ông Ruto đã giành được sự hoan nghênh từ các nhà đầu tư quốc tế vì đã ngăn chặn được tình trạng vỡ nợ, bao gồm cả việc ký thỏa thuận cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cam kết tăng doanh thu của chính phủ. Vào tháng 2, Kenya đã khai thác thành công thị trường nợ quốc tế, mặc dù với lãi suất cao hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng ngày càng có nhiều người trong số 54 triệu công dân Kenya - hơn một phần ba trong số họ vẫn sống trong cảnh nghèo đói, theo Ngân hàng Thế giới - phản đối các kế hoạch tài chính của chính phủ nước này.

Trong tuần qua, hàng nghìn người đã tuần hành qua các đường phố Nairobi và các thành phố khác của Kenya và kêu gọi đình công trên toàn quốc, yêu cầu Tổng thống Ruto và Quốc hội hủy bỏ các biện pháp thuế đã lên kế hoạch.

 Những người biểu tình tụ tập để phản đối việc tăng thuế ở Kenya - Ảnh: AFP

Những người biểu tình tụ tập để phản đối việc tăng thuế ở Kenya - Ảnh: AFP

Tổng thống Ruto đã gọi những vụ xâm nhập Quốc hội là hành động “phản quốc” và cam kết sẽ hành động mạnh mẽ để trấn áp tình trạng bất ổn tiếp theo. Nhưng ông cũng buộc phải xuống thang khi rút lại dự luật tăng thuế.

Tiến sĩ Shani Smit-Lengton, nhà phân tích kinh tế của Oxford Economics Africa, cho biết việc rút dự luật tài chính sẽ khiến chính phủ của ông Ruto khó cắt giảm thâm hụt xuống mục tiêu 3,3% GDP trong năm tài chính hiện tại, từ mức 5,7% năm tài chính hiện tại.

Bà Smit-Lengton nói: “Việc rút dự luật tài chính là kịch bản ít xảy ra hơn của chúng tôi, vì vậy chúng tôi sẽ cần đánh giá lại tầm quan trọng của quyết định này đối với nền kinh tế. Chính phủ Kenya cũng sẽ cần phải tham khảo ý kiến của IMF vì việc đánh giá cấp độ nhân viên của tổ chức này đã được hoàn thành vào đầu tháng 7”.

Razia Khan, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Phi tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết thị trường tài chính có thể hoan nghênh việc Tổng thống Ruto đảo ngược dự luật, sau khi thị trường chứng khoán Nairobi và trái phiếu bằng đồng USD của Kenya bị bán tháo vì ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình.

Bà Khan nói: “Để nhượng bộ trước yêu cầu của người biểu tình, chi tiêu sẽ được giải quyết bằng một thỏa hiệp chính trị có thể đáp ứng cả nhu cầu củng cố tài chính cũng như ý kiến phổ biến”.

Trong khi đó, Tổng thống Ruto cho biết chính phủ của ông sẽ buộc phải hoãn kế hoạch tuyển thêm giáo viên và hỗ trợ nông dân trồng cà phê và mía, và ông sẽ tìm cách đối thoại với các đảng đối lập và xã hội dân sự về cách quản lý chi tiêu trong tương lai.

“Đó là bởi vì người dân Kenya đã lớn tiếng nói rằng họ muốn có một ngân sách gọn nhẹ hơn”, ông Ruto nói.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-loan-o-kenya-va-ganh-nang-no-nan-cua-cac-quoc-gia-chau-phi-post302116.html