Bạo loạn ở Mỹ phơi bày lỗ hổng an ninh, hồi chuông cảnh báo cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden

Bạo loạn tại Điện Capitol Mỹ đã phơi bày lỗ hổng an ninh nghiêm trọng, là bài học đắt giá cho sự chuẩn bị lễ nhậm chức sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. (Nguồn: EPA)

Người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. (Nguồn: EPA)

Ngày 6/1, những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bao vây Đồi Capitol, đột nhập vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và đối đầu bạo lực với lực lượng an ninh Mỹ khiến 4 người thiệt mạng.

Hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump đã tụ tập ở Washington D.C. trong cuộc biểu tình nhằm phản đối kết quả của cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc biểu tình diễn ra vào thời điểm Quốc hội Mỹ chuẩn bị công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn, đỉnh điểm là những người biểu tình vượt qua hàng rào cảnh sát và tiến vào Điện Capitol, buộc Quốc hội phải đình chỉ tạm thời và sơ tán các nhà lập pháp. Qua những hình ảnh trên các phương tiện truyền thông, những người biểu tình đã có lúc áp đảo lực lượng cảnh sát Quốc hội Mỹ, gây ra cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có.

Lỗ hổng an ninh lớn nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại

Cuộc bạo loạn ở Điện Capitol đã phơi bày những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng và đang phải chịu chỉ trích rộng rãi. Các quan chức thực thi pháp luật Mỹ gọi cuộc bao vây bạo lực là một trong những lỗ hổng an ninh lớn nhất trong lịch sử Mỹ gần đây. Đồng thời, nó chứng minh rằng, lực lượng cảnh sát Quốc hội Mỹ đã không chuẩn bị sẵn sàng, nghiêm túc bất chấp những cảnh báo trước đó về bạo lực tiềm ẩn kể từ khi kết quả bầu cử Mỹ được công bố.

Trái ngược với các sự kiện như lễ nhậm chức tổng thống, khi lực lượng an ninh thiết lập nhiều vành đai (một vành đai lớn bên ngoài với nhiều vành đai nhỏ bên trong) để bảo vệ an toàn tối đa, khu vực Đồi Capitol ngày 6/1 không có vành đai an ninh bao quanh. Thay vào đó, các sĩ quan cảnh sát chỉ thiết lập một rào chắn xung quanh chính tòa nhà, do đó tạo cơ hội cho những người biểu tình tiến gần đến khu vực trung tâm Quốc hội.

Theo cựu Cảnh sát trưởng Capitol Terrance Gainer, lực lượng cảnh sát Capitol được đào tạo để ngăn những người biểu tình cách xa các bậc thềm ngoài trời bằng đá cẩm thạch ở phía Tây Điện Capitol, nhằm bảo vệ khu phức hợp như một tòa thành. Tuy nhiên, những người biểu tình đông hơn nhiều so với các nhân viên cảnh sát được triển khai nên họ đã nhanh chóng vượt qua các chướng ngại vật mặc dù bị xịt hơi cay.

Một khi những người biểu tình đã vượt qua các bậc thềm phía Tây, họ có thể dễ dàng tiếp cận đến loạt cửa sổ và cửa ra vào của tòa nhà, những cửa sổ này rất khó được bảo vệ an toàn.

Khi vào bên trong Điện Capitol, những người bạo loạn đã nhanh chóng phá vỡ hàng rào được dựng lỏng lẻo - đặt ra câu hỏi về việc thiếu các biện pháp bảo vệ thứ cấp bên trong tòa nhà.

Người biểu tình chiếm văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. (Nguồn: AFP)

Người biểu tình chiếm văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. (Nguồn: AFP)

Như những đoạn video được đăng tải rộng rãi, cho thấy những kẻ bạo loạn hầu như không bị cản trở và có thể tự do đi lại trong Điện Capitol hàng giờ đồng hồ, thậm chí họ còn có thể vào văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tọa Thượng viện. Các hình ảnh cho thấy rõ sự lỏng lẻo trong khâu bảo vệ cho những căn phòng mang tính biểu tượng cao này.

Các lực lượng thực thi pháp luật khác của chính phủ liên bang và các đơn vị Vệ binh Quốc gia Mỹ đã không kịp triển khai trong vòng hơn một giờ đồng hồ kể từ khi những người biểu tình vượt rào chắn ở hai phía Điện Capitol. Sau đó, họ cũng mất nhiều thời gian để đến nơi và bắt đầu đẩy lùi người biểu tình ra khỏi tòa nhà.

Chi tiết này làm nổ ra các cuộc tranh luận về việc ai có thể yêu cầu và phê duyệt sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ? Các hạn chế pháp lý đối với các đơn vị quân đội dường như là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong vụ việc này.

Sự kiện ngày 6/ 1 cho thấy hoạt động lỏng lẻo của lực lượng cảnh sát Capitol có thể dễ dàng dẫn đến bạo loạn như thế nào. (Nguồn: AP)

Sự kiện ngày 6/ 1 cho thấy hoạt động lỏng lẻo của lực lượng cảnh sát Capitol có thể dễ dàng dẫn đến bạo loạn như thế nào. (Nguồn: AP)

Cơ chế dự báo phòng ngừa chưa hiệu quả

Sự kiện ngày 6/ 1 cũng cho thấy, cơ chế dự báo phòng ngừa sự cố của lực lượng tình báo Mỹ chưa hiệu quả.

Theo Reuters, một cựu quan chức tình báo chuyên theo dõi hoạt động cực đoan trực tuyến cho biết, kể từ ngày 1/1, đã có 1.480 bài đăng từ các tài khoản đề cập đến bạo lực trong cuộc biểu tình vào ngày 6 /1. Tương tự, một nhóm nghiên cứu cũng thống kê được, 50% các bài đăng hàng đầu trong khoảng thời gian từ ngày 4/1 đến ngày 6/1 trên diễn đàn cánh hữu nổi tiếng TheDonald đã đề cập lời kêu gọi bạo lực.

Ngoài việc kích động bạo lực, những người biểu tình còn sử dụng các nền tảng trực tuyến để lên kế hoạch hành động cụ thể. Trên Facebook, một nhóm có tên Red-State Secession đã tập hợp gần 8.000 thành viên và liên kết với một trang web yêu cầu những người theo dõi gửi địa chỉ và tuyến đường di chuyển của những "kẻ thù" (lực lượng an ninh). Vào ngày 6/1, những người biểu tình đã trao đổi trên các trang web như Gab và Parler việc nên đi đường nào để tránh cảnh sát và những công cụ nào nên mang theo để đột nhập vào các văn phòng của Điện Capitol.

Khi vào bên trong Điện Capitol, những kẻ bạo loạn đã giao tiếp với nhau, ghi lại các quá trình bạo loạn trên nhiều nền tảng trực tuyến và điều chỉnh chiến thuật liên tục.

Ngay sau khi Tổng thống Trump tweet rằng Phó Tổng thống Mike Pence "không có đủ can đảm để làm những gì đáng lẽ phải làm", ám chỉ đến việc ông Pence từ chối bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống, trên trang web Gab đã kêu gọi những người bên trong tòa nhà truy lùng Phó Tổng thống Pence. Trong video, những người biểu bị kích động đã hô vang: "Ông Pence đang ở đâu?".

Những bức hình và video nhanh chóng được đăng tải hoặc phát trực tuyến đã cho thấy sự dễ dàng dùng các nền tảng trực tuyến trở thành công cụ kích động, lan truyền bạo lực. Thêm vào đó, việc các phương tiện truyền thông đăng lại nhiều bức ảnh và video này, khuếch đại thông điệp của những người biểu tình có thể khiến nhiều người biểu tình nghĩ rằng họ đã thành công trong việc thể hiện quyền lực của mình ngay cả khi họ không thành công trong việc ngăn chặn sự công nhận chiến thắng của ông Biden.

Trước, trong và sau cuộc bạo loạn, những người biểu tình đã thực hiện nhiều mánh khóe để bảo đảm tài khoản trực tuyến của họ vẫn hoạt động, ngay cả khi các trang web truyền thông chính thống cố gắng xóa các nội dung bạo lực vi phạm. Thực tế này cũng chứng tỏ những thách thức trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan trực tuyến đang ngày càng phát triển hiện nay.

Sự kiện đáng báo động vừa qua sẽ ảnh hưởng tức thì đến công tác chuẩn bị an ninh cho lễ nhậm chức vào ngày 20/1 tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, nhưng nó sẽ là bài học về an ninh cho nước Mỹ đến rất lâu sau này.

Thời gian từ giờ cho đến lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden không còn nhiều, các quan chức an ninh Mỹ chắc chắn đang tìm cách khắc phục các lỗi an ninh tại Điện Capitol để chuẩn bị tốt hơn cho sự kiện lớn này. Mặc dù ông Biden đã tuyên bố sẽ tổ chức lễ nhậm chức đơn giản, gọn nhẹ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng chắc chắn rằng sự kiện 6/1 sẽ khiến các quan chức an ninh phải thận trọng hơn.

(theo Stratfor Worldview)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-loan-o-my-phoi-bay-lo-hong-an-ninh-hoi-chuong-canh-bao-cho-le-nham-chuc-cua-ong-joe-biden-133592.html