Bạo loạn ở Pháp: Cuộc họp khủng hoảng thứ hai của Tổng thống Macron
Chính phủ Pháp vừa điều động 45.000 cảnh sát và nhiều xe bọc thép xuống đường phố vào thứ Bảy khi bạo loạn tiếp tục hoành hành nhiều thành phố.
Hàng loạt tòa nhà và phương tiện giao thông đã bị đốt cháy, nhiều cửa hàng bị cướp đoạt tài sản. Tình trạng bạo loạn đã buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ của ông kể từ cuộc biểu tình Áo Vàng vào năm 2018.
Tình trạng bất ổn nổ ra trên toàn quốc gia, ở các thành phố như Lyon, Marseille, Toulouse, Strasbourg và Lille cũng như thủ đô Paris, nơi anh Nahel M., một thanh niên 17 tuổi gốc Algeria và Morocco bị bắn chết hôm thứ Ba tại khu ngoại ô Nanterre.
Vụ việc Nahel M. bị bắn chết đã thổi bùng lại những bức xúc về bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc của các cộng đồng dân cư đa sắc tộc với khả năng tài chính thấp.
Trong thứ Sáu, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 80 người tại thành phố Marseille, ở phía Nam nước Pháp và là thành phố lớn thứ hai của Pháp. Đây là nơi tập trung nhiều người gốc Bắc Phi.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy, một vụ nổ đã làm rung chuyển khu cảng cũ của thành phố Marseille. Chính quyền thành phố này cho biết đang điều tra nguyên nhân và hiện tại chưa phát hiện thương vong liên quan.
Cảnh sát thành phố cũng cho biết, những người tham gia bạo loạn tại trung tâm thành phố Marseille đã vơ vét một cửa hàng súng đạn và chiếm đoạt một số súng săn nhưng lấy được đạn dược. Một người đã bị bắt khi đang mang theo một khẩu súng trường mà cảnh sát tin rằng người này đã chiếm đoạt từ cửa hàng trên. Cửa hàng này hiện đang được bảo vệ bởi lực lượng cảnh sát.
Kêu gọi cảnh sát xuống đường
Thị trưởng thành phố Marseille ông Benoit Payan đã kêu gọi chính phủ ngay lập tức điều động thêm cảnh sát. Trong một bài đăng trên Twitter vào thứ Sáu, ông đã viết: “Cảnh tượng cướp bóc và bạo lực này là không thể chấp nhận được”.
Ba cảnh sát đã bị thương nhẹ trong ngày thứ Bảy. Một trực thăng cảnh sát đã được điều động tuần tra.
Tại Lyon, thành phố lớn thứ ba của Pháp, lực lượng cảnh sát hiến binh đã điều động một số xe bọc thép và một trực thăng để dẹp bạo loạn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Darmanin đã yêu cầu chính quyền địa phương trên toàn nước Pháp ngừng hoạt động xe buýt và tàu điện từ 9h tối theo giờ địa phương (19:00 GMT) và cho biết 45.000 cảnh sát sẽ được điều động, nhiều hơn 5.000 so với con số điều động vào ngày thứ Năm.
Trong thư gửi lực lượng cứu hỏa và cảnh sát, ông đã viết: “Những giờ khắc tiếp theo sẽ mang ý nghĩa quyết định và tôi biết, tôi có thể tin tưởng vào những nỗ lực phi thường của các lực lượng”.
Khi được hỏi về khả năng chính phủ có thể sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên chương trình tin tức buổi tối của kênh truyền hình TF1, ông Darmanin cho biết: “Nói đơn giản thì chúng tôi không loại bỏ khả năng đó, và chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát tình hình sau khi Tổng thống đưa ra quyết định”.
Tại Paris, cảnh sát đã dẹp đoàn người biểu tình tự phát khỏi quảng trường Place de la Concorde trong tối thứ Sáu vừa rồi.
Ông Darmanin cho biết, hơn 200 cảnh sát đã bị thương kể từ khi bạo loạn bắt đầu và hàng trăm người bạo loạn đã bị bắt giữ, trong đó độ tuổi trung bình của những người bị bắt giữ là 17 tuổi.
Trước đó, ông Macron đã yêu cầu các phụ huynh giữ con mình tại nhà.
Các cầu thủ của đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi người dân bình tĩnh. Trong tuyên bố được đăng trên tài khoản Instagram của cầu thủ Kylian Mbappe, họ đã phát biểu: “Tình trạng bạo lực cần phải ngừng lại để nhường đường cho thương tiếc, đối thoại và tái xây dựng”.
Những người tham gia bạo loạn đã cướp bóc hàng loạt cửa hàng và đốt cháy hơn 2.000 phương tiện giao thông kể từ khi bạo loạn bắt đầu.
Nhiều sự kiện bao gồm hai buổi hòa nhạc tại sân vận động Stade de France ở ngoại ô thành phố Paris đã bị hủy bỏ. Ban tổ chức Tour de France cho biết đã sẵn sàng thích ứng với tình hình khi cuộc đua xe đạp này bước vào nước Pháp vào thứ Hai tới đây sau khi khởi hành tại thành phố Bilbao của Tây Ban Nha.
Cuộc họp khủng hoảng của ông Macron
Ông Macron đã phải rời khỏi cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh Châu Âu tại Brussels để tham dự cuộc họp về khủng hoảng thứ hai của nội các trong hai ngày qua.
Ông đưa ra yêu cầu, các trang mạng xã hội gỡ bỏ những đoạn video bạo loạn “nhạy cảm nhất” và cung cấp danh tính những người dùng đang kích động bạo lực.
Ông Darmanin đã gặp mặt các đại diện của Meta, Twitter, Snapchat và TikTok. Snapchat đã cho biết, công ty này áp dụng chính sách không khoan nhượng đối với nội dung cổ vũ bạo lực.
Một người bạn của gia đình nạn nhân, ông Mohamed Jakoubi, người đã chứng kiến Nahel lớn lên, cho biết cơn thịnh nộ lần này bắt nguồn từ các bức xúc về sự bất công trong nhiều vụ bạo lực cảnh sát với các cộng đồng sắc tộc thiểu số, trong đó nhiều người tới từ các quốc gia từng là thuộc địa Pháp.
Ông cho biết: “Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi, chúng tôi cũng là người Pháp. Chúng tôi đứng lên chống lại bạo lực, chúng tôi không phải cặn bã”.
Ông Macron bác bỏ các cáo buộc quan điểm phân biệt chủng tộc có hệ thống trong các cơ quan hành pháp.
Nhiều video trên mạng xã hội cho thấy cảnh các khu dân cư chìm trong lửa. Một tàu điện bị đốt cháy tại miền Đông thành phố Lyon và 12 xe buýt bị phá hoại tại một kho chứa ở Aubervilliers, miền Bắc Paris.
Một số khách du lịch cảm thấy lo lắng về tình hình, một số khác ủng hộ những người biểu tình.
Enzo Santo Domingo, một du khách người Mỹ tại Paris cho biết: “Phân biệt chủng tộc và những vấn đề giữa lực lượng cảnh sát và người thiểu số là một chủ đề quan trọng cần phải được giải quyết ngay lập tức”.
Một số chính phủ các nước phương Tây đã cảnh báo công dân tại Pháp cần phải cẩn thận.
Tại Geneva, văn phòng quyền con người của Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của biểu tình hòa bình và hối thúc chính quyền Pháp nhanh chóng đảm bảo cảnh sát Pháp không sử dụng vũ lực vì mục tiêu phân biệt chủng tộc.
Đại diện Ravina Shamdasani cho biết: “Đây là thời điểm nước Pháp cần phải nghiêm túc giải quyết những vấn đề phân biệt chủng tộc và sắc tộc hằn sâu trong lực lượng hành pháp”.
Người cảnh sát mà các công tố viên xác nhận đã nổ súng sát hại thanh niên hiện đang bị tạm giữ trong một cuộc điều tra chính thức về tội cố tình giết người, tương đương với việc bị buộc tội trong thẩm quyền các nước Anglo-Saxon như Mỹ, Anh…
Luật sư của cảnh sát này, ông Laurent-Franck Lienard, khẳng định thân chủ của mình đã nhắm bắn vào chân người lái xe nhưng đã bị trật đường đạn khi xe di chuyển, khiến anh bắn vào ngực người này. Trên kênh truyền hình BFM TV, luật sự này đã khẳng định “tất nhiên (là người cảnh sát) không muốn sát hại người lái xe đó”.
Cơn bạo loạn lần này gợi lại cuộc bạo loạn trên toàn quốc gia kéo dài ba tuần vào năm 2005 khiến Tổng thống Jacques Chirac phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi hai thanh niên bị giật điện tới tử vong lúc đang trốn khỏi cảnh sát truy đuổi tại một trạm biến áp.
Quang Minh (theo Reuters)