Bạo loạn tại Pháp gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành du lịch và bán lẻ
Bạo loạn tại Pháp đang gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và dịch vụ bán lẻ, trong bối cảnh nước Pháp đang bước vào cao điểm mùa du lịch Hè 2023.
Các cuộc biểu tình bạo loạn đã lan rộng khắp nước Pháp trong tuần qua, kể từ sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi ở ngoại ô Paris. Vụ việc này gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và dịch vụ bán lẻ, trong bối cảnh nước Pháp đang bước vào cao điểm mùa du lịch Hè 2023.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà tuyển dụng thuộc ngành công nghiệp Khách sạn và Ăn uống Pháp, Thierry Marx, cho biết nhiều khách sạn trong nước đã phải hứng chịu làn sóng hủy đặt phòng diễn ra hàng loạt trên khắp các thành phố và địa phương.
Ông nói liên tục hàng ngày đều có thông báo từ các thành viên của hiệp hội, bao gồm các khách sạn, nhà hàng và quán cà phê, cho biết đang đang trở thành nạn nhân của “các cuộc tấn công, cướp bóc và phá hủy hoạt động kinh doanh”. Ông Marx kêu gọi các nhà chức trách cần phản ứng mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo an toàn cho ngành khách sạn và dịch vụ ăn uống tại các điểm đến du lịch nổi tiếng nhất thế giới.
Tương tự, Giám đốc điều hành (CEO) của Liên đoàn Bán lẻ Pháp (FCD), Jacques Creyssel, đã lên tiếng kêu gọi lực lượng cảnh sát tăng cường an ninh quanh các cửa hàng kinh doanh bán lẻ. Ông cho biết các cuộc bạo động "đã làm nảy sinh những cảnh cướp bóc thực sự", với "hơn một trăm cửa hàng thực phẩm hoặc dịch vụ cỡ vừa và lớn bị phá hoại, cướp bóc hoặc thậm chí bị đốt cháy". Theo ông Creyssel, những sự cố này là "cực kỳ nghiêm trọng” và gây tổn thất vô cùng to lớn. FCD đã trực tiếp yêu cầu các Bộ trưởng Kinh tế, các quan chức Bộ Nội vụ và Thương mại cần nhanh chóng hành động.
Tình trạng bất ổn đã nổ ra ở Pháp vào ngày 27/6, bắt đầu tại các khu vực ngoại ô của thủ đô Paris và nhanh chóng lan rộng vào trung tâm thành phố, nơi có các điểm tham quan du lịch như Louvre và Tháp Eiffel. Tối 29/6, nhiều kẻ quá khích đã tràn xuống Rue de Rivoli, một trong những con phố mua sắm chính của thành phố, tấn công và cướp phá các cửa hàng cao cấp, như Louis Vuitton, Zara, Nike và Apple.
Nhiều người biểu tình đã đập vỡ cửa kính, cướp đi những món đồ trị giá hàng triệu USD từ các cửa hàng này. Qua các video được chia sẻ trên mạng xã hội, có thể thấy rằng đám đông quá khích nhắm mục tiêu vào những cửa hàng bán đồ xa xỉ. Ngoài ra, nhóm bạo loạn còn tấn công cả trung tâm mua sắm Forum des Halles và nhiều cửa hàng bách hóa. Thậm chí, những kẻ này còn sử dụng cả một chiếc xe tải để húc đổ cửa của một trung tâm mua sắm ở ngoại ô Drancy, Pháp và cướp đi nhiều mặt hàng có giá trị.
Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Bruno Le Maire cho biết tính đến nay có ít nhất 10 trung tâm mua sắm, 200 nhà bán lẻ lớn, 250 cửa hàng thuốc lá, 250 chi nhánh ngân hàng cùng nhiều cửa hàng thời trang, đồ thể thao, điện tử và thức ăn nhanh bị tấn công, bị cướp hoặc đốt phá.
Giám đốc điều hành tổ chức GHR, Franck Trouet, nói bạo lực và bạo loạn sẽ tạo ra rủi ro lâu dài đối với ngành du lịch quốc tế, đặc biệt là du khách châu Á - những người mua hàng tiềm năng lớn nhất của Pháp, sẽ hoãn hoặc hủy kế hoạch đến Pháp vì lo ngại an ninh.
Phòng Thương mại Paris Ile-de-France thông báo đang đảm bảo để các nhóm chuyên gia được huy động kịp thời, nhằm "cung cấp sự hỗ trợ và can thiệp kỹ thuật cần thiết, đặc biệt là về việc đảm bảo hoạt động, bồi thường bảo hiểm…” cho các thương nhân và nhà quản lý của các công ty bị ảnh hưởng.
Trong những ngày gần đây, các nhà chức trách đã phải giảm tải các dịch vụ công cộng tại Paris để hạn chế khả năng di chuyển của người biểu tình vào ban đêm và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố sẽ đóng cửa sớm hơn một giờ vào cuối tuần.
Theo một số nguồn tin, trong 5 ngày đêm bạo loạn, thiệt hại về mức độ nghiêm trọng đã vượt quá mức của cuộc bạo loạn vào mùa Thu năm 2005 kéo dài 3 tuần./.