Bảo Lộc: Giải ngân hơn 4,2 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay phục hồi sản xuất

Chiều 30/12, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Bảo Lộc đã ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Thời trang Hoa Phát (phường Lộc Sơn) để giải ngân vốn cho vay trả lương ngưng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ- TTG ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Bảo Lộc ký hợp đồng giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Bảo Lộc ký hợp đồng giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Căn cứ các điều kiện theo quy định của Công ty Hoa Phát, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Bảo Lộc đã giải ngân 82 triệu đồng, với lãi suất 0% giúp Công ty trả lương cho người lao động để phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Từ khi triển khai đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Bảo Lộc đã ký hợp đồng giải ngân cho 4 doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 23/2021 ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng nguồn đã giải ngân cho 4 doanh nghiệp là 4,214 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH May mặc xuất nhập khẩu An Thái được giải ngân vay 1,328 tỷ đồng, Công ty TNHH Mekava Việt Nam vay 2,073 tỷ đồng, Công ty CP Du lịch Đam B’ri vay 811 triệu đồng và Công ty Hoa Phát vay 82 triệu đồng.

Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Bảo Lộc, việc giải ngân nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp (người sử dụng lao động) được đơn vị căn cứ các quy định tại Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 0%/tháng (thời hạn vay 11 tháng) và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Mức cho vay tối đa (trong cả 2 trường hợp trên) bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian thực tế tối đa 3 tháng.

Công tác cho vay được triển khai đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng theo quy định. Sau khi vay vốn, đơn vị tiến hành các giải pháp đảm bảo giám sát doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích và có trách nhiệm hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng thời hạn. Trường hợp doanh nghiệp đến kỳ hạn chưa thể hoàn trả vốn vay, Ngân hàng sẽ tính lãi suất nợ quá hạn theo quy định 12%/năm.

Để tiếp cận được nguồn vốn vay, người sử dụng lao động phải đáp ứng một số các điều kiện như: Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn; có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh…

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202112/bao-loc-giai-ngan-hon-42-ty-dong-ho-tro-doanh-nghiep-vay-phuc-hoi-san-xuat-3096672/