Bạo lực đường phố gia tăng - làm sao ngăn chặn?

Thời gian qua xảy ra không ít vụ hành hung dã man người khác trên đường phố chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Một số người lý giải: Do nạn nhân quá lành, không dám chống trả nên bị hành hung. Có người lại cho rằng: Do xã hội quá thờ ơ, vô cảm với hành vi côn đồ nên kẻ xấu không biết sợ. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp chấm dứt nạn bạo lực đường phố đang có xu hướng gia tăng?

Thực trạng đáng buồn

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 người có hành vi cố ý gây thương tích đối với một thiếu nữ 17 tuổi (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội). Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, do có mâu thuẫn liên quan đến tình ái, hai thiếu nữ rủ thêm nhiều người rồi hẹn nhau ra quán nước “nói chuyện”. chưa được mấy câu, hai bên xảy ra cãi vã, xô xát nên bị chủ quán đuổi ra ngoài. Mọi việc như vậy tưởng là xong, ai ngờ họ tiếp tục kéo nhau đến nơi khác để “giải quyết”. Chỉ đến khi thiếu nữ tên A.T bị đánh hội đồng đến bầm giập, phải nhập viện cấp cứu, mọi việc mới dừng lại.

Nếu như hai thiếu nữ trên do ghen tuông mà “gọi hội” để giải quyết mâu thuẫn với nhau, thì vụ việc xảy ra ở phố Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại hoàn toàn khác. Một phụ nữ trên đường đi đón con thì gặp cô gái dắt theo con chó to (khoảng 25-30kg) không rọ mõm, còn để chó vệ sinh bậy ra đường nên đã lên tiếng nhắc nhở. Thay vì tiếp thu rút kinh nghiệm, cô gái nọ đã có lời qua tiếng lại, cãi vã với người phụ nữ. Chưa dừng lại ở đó, sau đó gia đình của cô gái còn đến chờ ở cổng nhà người phụ nữ để “nói chuyện”. Thấy xe của người phụ nữ về đến nơi, cả hai mẹ con cô gái chạy ra chặn đầu, nhổ nước bọt vào mặt và liên tục dùng cùi chỏ đánh vào mặt và mũi người phụ nữ. Tệ hơn nữa, dù đánh nạn nhân đến mức gãy mũi, nhưng người mẹ của cô gái này không hề cảm thấy hối hận về hành vi bạo lực của mình, mà còn đăng lên mạng xã hội khoe “chiến tích”.

Bạo lực đường phố không chỉ dừng lại ở sự ghen tuông, chua ngoa, đanh đá không ai nhường ai của phái nữ như hai trường hợp kể trên. Sự ngạo ngược, thích bạo lực còn diễn ra thường xuyên hơn với “phái mạnh” muốn thể hiện “máu yêng hùng”. Mới đây, chỉ vì một thanh niên đỗ xe ô tô trước cửa rạp đám cưới chậm rời xe đi đã bị ông chủ ra tay “dạy dỗ” bằng hàng loạt nắm đấm vào mặt anh này. Cũng may, mọi người tới can ngăn nên thanh niên lái xe bỏ đi, chưa xảy ra sự cố gì đáng tiếc. Hay như trước đó một thanh niên ở tỉnh Tuyên Quang và một thanh niên khác ở tỉnh Quảng Bình cũng đã bị cơ quan công an của hai tỉnh này khởi tố, bắt giam về hành vi giết người. Nguyên nhân của những vụ việc đau lòng này chỉ xuất phát từ những vụ va chạm giao thông nhỏ nhặt trên đường.

Vì sao bạo lực “lên ngôi”?

Người xưa từng nói: Dĩ hòa vi quý. Điều đó có nghĩa mọi sự đều có thể giải quyết một cách ôn hòa, không nhất thiết phải dùng đến bạo lực. Khi xảy chuyện, nếu mọi người có thể bình tĩnh nói chuyện tử tế với nhau, chắc chắn sẽ đưa ra được giải pháp ổn thỏa, không dẫn đến xung đột để rồi một bên thì nhập viện, còn bên kia phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Song, đâu phải ai cũng có thể dùng “cái đầu lạnh” để suy nghĩ khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Trong cuộc sống cũng như khi lưu thông trên đường, mỗi khi xảy ra va chạm hay xung đột về lợi ích, thường người ta sẽ dễ nổi nóng, “máu dồn lên mặt” và thích dùng nắm đấm để giải quyết. Tuy nhiên, họ không hiểu một chân lý hết sức đơn giản, đó là khi xảy ra tranh chấp bằng vũ lực, không có bên nào thắng cả, dù ít hay nhiều thì cả hai bên đều sẽ bị tổn thương về thể xác, tinh thần và có thể phải bị xử lý bằng pháp luật.

Vậy thì một câu hỏi được đặt ra: Đã ẩu đả, thì có thể gây ra thương tích, chưa kể có thể bị xử lý hình sự tại sao một số người lại “tự nguyện” “nhảy vào hố lửa” đến vậy? Để phần nào đưa ra đáp án, chúng ta hãy cùng phân tích vấn đề. Như đã nói ở trên, mỗi khi xảy ra mâu thuẫn, một số người có cảm giác “bốc hỏa”, chỉ muốn “dạy dỗ” đối phương cho thỏa cơn giận. Do đó, khi xảy chuyện thay vì bình tĩnh đàm phán để giải quyết vấn đề, một số người thích sử dụng tay chân để “nói chuyện” mà không hề cân nhắc đến hậu quả. Chẳng thế người xưa mới có câu: Nóng giận mất khôn. Chỉ đến khi cơn nóng giận đã qua đi họ mới cảm thấy ân hận vì hành vi mình đã làm.

Giải thích cho những “cơn nóng giận” bột phát của một số ít người khi xảy ra mâu thuẫn, các chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân xuất phát chính là từ tâm lý hiếu thắng của mỗi cá nhân trước người khác.

Trong cuộc sống cũng như khi lưu thông trên đường, mỗi khi xảy ra va chạm hay xung đột về lợi ích, thường người ta sẽ dễ nổi nóng, “máu dồn lên mặt” và thích dùng nắm đấm để giải quyết. Tuy nhiên, họ không hiểu một chân lý hết sức đơn giản, đó là khi xảy ra tranh chấp bằng vũ lực, không có bên nào thắng cả, dù ít hay nhiều thì cả hai bên đều sẽ bị tổn thương về thể xác, tinh thần và có thể phải bị xử lý bằng pháp luật.

Đâu là giải pháp?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 22, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người nào vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình... mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên thì không phạm tội. Nhưng tại Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Hình sự lại quy định: Hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi ẩu đả thì việc giữ được mức độ “tự vệ cần thiết” là rất khó bởi máu nóng đã bốc lên đầu làm sao có thể kiểm soát? Ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ rất mong manh.

Vậy nên, để giảm thiểu dần tiệm cận tới chấm dứt bạo lực xã hội vẫn xảy ra công khai ngoài đường phố, giải pháp cần được đặc biệt quan tâm vẫn là tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức công dân, để mỗi người hàng ngày có cách ứng xử văn minh, lịch sự. Muốn vậy, không chỉ cần sự quản lý chặt chẽ của gia đình, sự nêu gương của ông bà, cha mẹ cho con cái, mà còn cần có sự phối hợp giám sát của nhà trường và toàn xã hội đối với trẻ vị thành niên.

Việc giáo dục ý thức cộng đồng, ý thức công dân phải được thực hiện thường xuyên cho học sinh, sinh viên các cấp từ tiểu học, THCS cho đến THPT và đại học. Bên cạnh đó, hành vi côn đồ, hành hung người khác cần được xử phạt nghiêm minh, đúng luật để có sức răn đe.

Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo - Trưởng Bộ môn Tội phạm học và Khoa học điều tra tội phạm thuộc Khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội):

Nâng cao ý thức của mỗi người là giải pháp căn cơ để ngăn chặn

Những vụ bạo lực sau va chạm giao thông liên tục xảy ra gần đây rất đáng báo động. Bạo lực đường phố không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người bị hại mà còn gây mất an ninh trật tự, người dân bất an. Thực tế đã có những vụ va chạm nhỏ nhưng sau đó dẫn tới ẩu đả gây thương tích thậm chí dẫn đến án mạng. Càng lên án hơn một số kẻ mất nhân tính sẵn sàng hành hung cả những người yếu thế, người tàn tật, các em học sinh... phải nhập viện cấp cứu xuất phải từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trên đường phố hoặc lỗi chính những kẻ hành hung gây ra lỗi.

Một thực trạng đáng lo ngại hiện nay, xã hội hiện đại với mặt trái của sự phát triển là nhiều mối quan hệ phức tạp, nhiều áp lực trong cuộc sống khiến con người dễ bị nóng giận, không kiểm soát được cảm xúc và giao thông lại chính là môi trường dễ phát sinh, bùng phát các mâu thuẫn. Chúng ta không thể kiểm soát mọi tình huống xảy ra, nhưng có thể kiểm soát cách phản ứng của chính mình trước các tình huống của cuộc sống. “Một điều nhịn, chín điều lành” khi xảy ra mâu thuẫn mọi người nên bình tĩnh, nói với nhau một lời xin lỗi chân thành, hay đơn giản chỉ là sự nhường nhịn cũng có thể ngăn chặn những điều đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, hậu quả nguy hiểm có thể dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra, khởi tố, bắt các đối tượng có hành vi dùng bạo lực trên đường phố thời gian vừa qua là rất cần thiết và sắp tới cũng cần mạnh tay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm của ngành chức năng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân và xã hội.

Pháp luật hiện nay đã có đầy đủ các chế tài để xử lý nghiêm những hành vi này, nhưng quan trọng hơn, việc nâng cao ý thức của người dân mới là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng bạo lực trên đường phố cũng như ngăn chặn cái ác trong xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Viện Nghiên cứu Thanh niên:

Trang bị cho mình văn hóa ứng xử, giao tiếp

Nguyên nhân của tình trạng bạo lực, côn đồ nơi công cộng về cơ bản xuất phát từ những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình hai bên tiếp xúc, giao tiếp, ứng xử với nhau nhưng cũng có nhiều trường hợp, chỉ đơn giản do một bên thấy bên kia “ngứa mắt” hoặc muốn thể hiện “dũng khí” của mình. Một mặt khác, nhiều vụ xô xát xảy ra do hai bên không tìm được tiếng nói chung, không kiểm soát được cảm xúc của mình, từ đó dẫn đến các hành vi thiếu kiểm soát. Điều này cũng thể hiện sự báo động trong văn hóa ứng xử của một bộ phận dân chúng. Ngoài ra, do trên mạng xã hội hàng ngày đăng tải nhiều thông tin tiêu cực, các vụ xô xát được đăng tải nhận nhiều sự cổ súy của một bộ phận người dùng khiến cho nhiều người, nhất là các bạn trẻ nghĩ ràng việc giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng bạo lực là chuyện đương nhiên.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực đường phố thì mỗi người dân khi ra đường cần trang bị cho mình văn hóa ứng xử, giao tiếp với người khác, luôn bình tĩnh suy xét mọi việc để giải quyết trước khi có những hành vi nóng vội, thiếu suy nghĩ. Mỗi người cần rèn luyện khả năng kiểm soát cảm xúc nhất là những cảm xúc nóng vội, mất bình tĩnh.

Nếu bản thân là nạn nhân của tình trạng bạo lực đường phố thì cần sớm tìm trợ giúp từ phía người đi đường, các cơ quan chức năng, cơ quan công an nơi gần nhất. Nếu bản thân là người chứng kiến các hiện tượng bạo lực thì cũng cần tìm cách can ngăn hoặc ngay lập tức tìm kiếm sự trợ giúp. Đặc biệt, tránh cổ vũ, động viên các cuộc ẩu đả hay quay phim chụp ảnh các vụ việc và đăng tải lên mạng xã hội. Việc này sẽ thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội. Điều này có thể gây hoang mang dư luận và bất ổn xã hội.

Các cơ quan chức năng cần nghiêm khắc xử lý các hành vi bạo lực đường phố. Theo tôi, tất cả các trường hợp bạo lực đường phố đều phải bị xử lý và chỉ nên coi hậu quả để lại (như tỉ lệ thương tích hay thiệt hại tài sản) là căn cứ và cơ sở của đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi và mức độ xử lý. Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội hạn chế đăng tải các hình ảnh, clip bạo lực lên mạng mà thay vào đó là những hình ảnh gương người tốt, việc tốt để lan tỏa các hành vi tích cực trong xã hội.

Theo cá nhân tôi, các hành vi bạo lực đường phố phải được xử lý một cách nghiêm khắc để kịp thời ngăn chặn hậu quả cũng như để làm gương cho mọi người. Bên cạnh đó, những cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh, clip bạo lực lên mạng với mục đích câu like, câu view hay để tăng tương tác, kích động bạo lực cũng cần bị xử lý, nhất là với những người nổi tiếng, người có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Bên cạnh biện pháp xử lý thì cũng cần có các chương trình, lớp tập huấn, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi của các đối tượng đã thực hiện hành vi bạo lực để những người này tự nhận thức, tự thay đổi và hoàn thiện bản thân mình hơn.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe

Theo quy định của pháp luật hiện hành, những hành vi bạo lực, hành hung người khác... sau va chạm giao thông có thể bị phạt hành chính, bị xử lý hình sự về một trong các tội như: Cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác… thậm chí cả tội giết người.

Cụ thể, Trường hợp gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với chế tài là bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội trong các trường hợp có tổ chức, dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách, gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng, xúi giục người khác gây rối, hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng, tái phạm nguy hiểm... thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm tù.

Trường hợp hành vi cố ý gây thương tích của người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy theo vụ việc, mức độ nghiêm trọng thực tế, người phạm tội có thể bị truy cứu về một hoặc toàn bộ các tội danh như “tội đe dọa giết người”, “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác” và “tội gây rối trật tự công cộng”. Theo đó, với tội đe dọa giết người: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 7 năm. Với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 20 năm hoặc tù Chung thân.

Về các giải pháp hạn chế những sự việc tương tự xảy ra, ngoài việc người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm các quy định khi tham gia giao thông thì các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi hành hung người khác khi va chạm giao thông, nhất là cán bộ, công chức để cảnh tỉnh, răn đe chung cho toàn xã hội. Nếu không “mạnh tay” xử lý thì sẽ có thể vẫn có nhiều trường hợp “nhờn luật”, sẵn sàng dùng “nắm đấm” để giải quyết mâu thuẫn trên đường phố, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội.

Đức Sơn (ghi)

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-luc-duong-pho-gia-tang-lam-sao-ngan-chan-10300387.html