Bạo lực gia đình qua ngôn ngữ

Nhiều cha mẹ không tiếc lời quát tháo, mắng nhiếc con cái, thậm chí còn bêu rếu, miệt thị… chỉ để xả cơn tức giận. Đây cũng là một dạng của bạo lực gia đình với trẻ em cần được ngăn chặn và đẩy lùi.

Cần xây dựng tình yêu thương cho trẻ. Ảnh: UNICEF Việt Nam.

Cần xây dựng tình yêu thương cho trẻ. Ảnh: UNICEF Việt Nam.

Khủng hoảng tinh thần vì bị… mắng

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. UNICEF Việt Nam thống kê, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam với 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1 - 14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi người chăm sóc trong gia đình. Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương khi các em có hiểu biết hạn chế về quyền của mình nên không lên tiếng và tìm sự giúp đỡ khi bạo hành xảy ra.

Cô giáo Lê Phương Thảo (Trường THCS Bạch Sam, Hưng Yên) cho biết, bạo lực gia đình đối với trẻ em không chỉ là những trận đòn roi. Nó bao gồm cả kỳ thị, miệt thị, mắng nhiếc, xúc phạm, đe dọa, hay tạo áp lực căng thẳng như học tập, chứng kiến bạo lực gia đình.

Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, đứa trẻ sẽ phải chịu hậu quả của bạo lực. Nhiều em đã rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc hay thậm chí dẫn đến tự tử. Sau này, do chứng kiến quá nhiều bạo lực, không được yêu thương, những đứa trẻ này sẽ hình thành lên thói xấu, và học theo rồi trút giận cho người khác.

Các dấu hiệu trẻ bị bạo hành về tinh thần là hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, có những rối loạn về tâm lý và cảm xúc. Vì vậy, trẻ có xu hướng hay thu mình, lâu dài trẻ bị thui chột khả năng sáng tạo của bản thân. Với những trường hợp bị bạo lực tinh thần nặng nề từ những người thân, các em sẽ mất niềm tin vào cuộc sống.

“Chúng ta đều yêu thương con trẻ, nhưng những căng thẳng, lo lắng về tiền bạc và tình trạng khác có thể làm người lớn dễ nổi giận. Nếu không biết cách kiềm chế cơn tức giận, người lớn không những bị ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn làm tổn thương đến các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp”, cô Thảo nói.

Nhiều trẻ em không thể quên được những la mắng, trận đòn roi hay đánh đập mà mình phải chịu đựng. Đặc biệt, những đau khổ đó lại do chính người thân của mình gây ra. Thậm chí, dù không cố tình nhưng nhiều bậc cha mẹ đánh con vì cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Họ thản nhiên làm cho những đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề.

Cũng theo cô Thảo, những câu mắng như “Mày chỉ là đồ bỏ đi” hay “Cùng là con cái vậy mà mày dốt quá không giống ai trong nhà…”. Họ không nhận thức thấy mối nguy hại tới những lời mắng chửi đó sẽ khiến các con lớn lên trong sự tự ti, nhút nhát. Thường những đứa trẻ đó sẽ tổn thương về tâm lý, chán ghét chính gia đình mình, thậm chí ghét cả anh em khi bị đem ra so sánh.

Bà Nguyễn Thị Duyên, chuyên gia từ Quỹ Bảo vệ trẻ em Nhi đồng Liên Hợp Quốc, chia sẻ cách duy trì sự kiểm soát cơn giận của mình để không làm tổn thương trẻ qua những lời mắng chửi. Theo bà Duyên, cần ngăn chặn ngay từ đầu.

“Chúng ta luôn luôn bị căng thẳng và dễ nổi giận với trẻ nhỏ vô cớ. Cần nghĩ xem điều gì làm bạn nổi giận? Khi nào nó xảy ra? Bạn thường phản ứng như thế nào? Nếu nó xảy ra khi bạn mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi hoặc đi ngủ. Nếu nó xảy ra khi bạn đói, hãy luôn chắc chắn mình ăn cái gì đó. Nếu cảm thấy cô đơn, hãy tìm sự giúp đỡ của ai đó. Bởi những dồn nén của cha mẹ rất dễ đổ lên đầu trẻ nhỏ. Lúc này, người lớn rất dễ xả hết mọi căng thẳng bực bội đó qua ngôn ngữ gây tổn thương, ám ảnh con cái sau này”.

Đừng coi mắng nhiếc là phương pháp giáo dục

Có những trẻ em bị chính cha mẹ của mình bạo lực tinh thần cả thời gian dài mà những người sống gần gũi cũng không biết. Nhiều gia đình vẫn coi việc mắng mỏ, chê bai, mạt sát con cái là một trong những biện pháp để giáo dục chúng.

Bà Duyên bày tỏ quan điểm: “Có nhiều người cho rằng không được khen con, phải luôn chê bai, phê bình, phê phán, đừng cho con nghĩ mình hơn mọi người, như vậy con mới tốt. Con có thể sau này thành công như bố mẹ muốn nhưng tận sâu trong lòng con, những tổn thương từ những lần bị cha mẹ đay nghiến, chê bai vẫn và sẽ còn mãi, và rõ mồn một. Bản thân người lớn hãy tự hỏi chính mình xem những cảm giác bị cha mẹ mắng nhiếc, cho roi vọt ấy đã mất đi hay vẫn còn rõ như mới ngày hôm qua.

Hiện nay, vẫn rất nhiều người tin vào sự nghiêm khắc, trừng phạt khi cần thiết của bố mẹ với con cái. Họ đều có chính kiến và lí do riêng dựa trên trải nghiệm tuổi thơ của họ, dựa vào tính cách mỗi người, hay dựa vào số đông người xung quanh đang sử dụng cách cho con roi vọt để con tiến bộ hơn”.

Một số cha mẹ muốn có con ăn nhanh, hết suất thường hù dọa để thúc ép trẻ. Nặng nề hơn, có những lỗi sai của trẻ rất nhỏ nhưng cha mẹ cứ thản nhiên dùng lời lẽ bêu xấu, tẩy chay trẻ… Vô hình trung những hành động, ngôn ngữ không chuẩn mực đó tạo ra áp lực tinh thần khiến trẻ rơi vào trạng thái buồn phiền lo sợ. Nhiều trẻ đêm về mơ ngủ vẫn tỏ ra sợ sệt vì những chuyện đã xảy ra.

Bà Duyên cho rằng, khoa học nghiên cứu về não bộ chỉ ra rằng nếu bạn kiểm soát được cơn giận hoặc làm một việc gì đó tích cực tức là đã góp phần tăng cường sự phát triển não bộ của trẻ. Vì vậy, khi cảm thấy tức giận, hãy tạm nghỉ bằng cách tự làm mình nguôi trong 20 giây. Thở ra hít vào chậm rãi 5 lần trước khi nói hoặc làm gì. Đồng thời, hãy đi ra chỗ khác trong vòng 10 phút để lấy lại sự kiểm soát cảm xúc của bản thân. Nếu có một không gian an toàn của riêng mình ở ngoài trời, hãy đi ra ngoài.

Bên cạnh đó, cần quản lý cảm xúc của bản thân tốt để tránh chính mình gây bạo lực tinh thần và thể chất đối với con. Cha mẹ cần giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, tránh trừng phạt, đánh đập, dùng lời lẽ xúc phạm con. Đồng thời kiên nhẫn, dành thời gian để nói chuyện với con để tìm hiểu lý do sai trái và giúp con điều chỉnh thay vì chửi mắng thậm tệ.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/bao-luc-gia-dinh-qua-ngon-ngu-4uQMDlX7R.html