Bạo lực học đường: Bao giờ chấm dứt?
Cần lắm sự nghiêm minh của pháp luật và việc sửa đổi tăng nặng hình thức kỷ luật để bạo lực học đường không còn xảy ra
Ngày 12-9, mạng xã hội xuất hiện clip 2 nữ sinh THCS bị một nhóm nữ sinh đánh bằng mũ bảo hiểm, lột đồ trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng không ai can ngăn. Ngày 13-9, lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho hay đã yêu cầu công an xã mời phụ huynh và học sinh liên quan đến để làm rõ.
Đánh nhau liên tiếp
Trước đó, ngày 28-6, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh 2 thiếu nữ xông vào đánh một nữ sinh trong nhà vệ sinh. Mặc dù liên tục khóc lóc, van xin nhưng nạn nhân vẫn bị đánh liên tiếp. Sự việc này xảy ra tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; nữ sinh bị đánh đang học tại một trường THCS trên địa bàn huyện.
Tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước vào tháng 5-2022, một nữ sinh cấp 2 bị bạn cùng trường đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận. Nạn nhân bị nhiều nữ sinh túm tóc quật ngã, đấm đá liên tục vào người trong khi xung quanh có cả chục học sinh nam lẫn nữ nhưng không ai can ngăn; có người còn cười cợt, cổ vũ. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc là do có mâu thuẫn cá nhân từ trước vì "nhìn đểu" và chửi nhau.
Tháng 4-2022, tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, một nữ sinh lớp 7 bị 2 nữ sinh lớp 7 và lớp 8 đánh, dùng điện thoại quay lại. Một số học sinh đứng bên ngoài cũng hò reo, cổ vũ.
Trước đó, vào tháng 3-2022, trên mạng xã hội lan truyền video ghi lại cảnh nhóm 3-4 thiếu nữ mặc áo đồng phục học sinh ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng chặn đường chửi bới, dùng mũ bảo hiểm tấn công một nữ sinh...
Đáng lưu ý là vừa qua, Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can đối với nữ sinh Chu Thị Thu H. (SN 2006) về tội "Làm nhục người khác". Trước đó, đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh lột hết quần áo của nữ sinh khác giữa đường, đồng thời túm tóc, làm nạn nhân ngã ra rồi dùng tay tát tới tấp vào mặt. Vụ việc xảy ra ngày 8-8.
Cần biện pháp nghiêm khắc, đủ mạnh
Thông tin nữ sinh ở Hà Tĩnh bị khởi tố nêu trên khiến nhiều người giảm bớt bức xúc.
Dù đã có nội quy học đường, có những quy tắc ứng xử, có những biện pháp kỷ luật tích cực nhưng bạo lực học đường không hề thuyên giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Trong nhiều vụ việc, mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng, người đánh bạn dã man lại là nữ sinh. Số lượng học sinh vô cảm, chứng kiến tận mắt sự hành hung nhưng không can thiệp, ngăn cản cũng ngày càng nhiều. Thậm chí, có em còn dùng điện thoại ghi hình, quay phim tung lên mạng.
Nhiều câu hỏi đặt ra: Phải chăng hình thức kỷ luật cao nhất hiện nay chưa đủ sức răn đe? Phải chăng đây là hậu quả tất yếu của việc giáo dục đạo đức ở học đường bị xem nhẹ? Phải chăng giáo viên chủ nhiệm, giám thị, giáo viên tư vấn tâm lý, ban giám hiệu không còn được học sinh tin tưởng?...
Dư luận mong mỏi cơ quan chức năng có biện pháp nghiêm khắc, đủ mạnh để chấm dứt bạo lực học đường. Vì thế, quyết định khởi tố bị can của Công an huyện Hương Sơn đối với nữ sinh Chu Thị Thu H. đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân. Chưa thấy ý kiến nào cho rằng nữ sinh này còn nhỏ tuổi, nông cạn trong suy nghĩ và hành động nên cần được tha thứ… Hầu hết các ý kiến đều đồng ý với việc khởi tố vì hành vi bạo lực không dừng ở mức độ hành hung mà còn làm nhục người khác (lột hết quần áo, đánh đập nạn nhân khi không còn mảnh vải che thân...).
Không biết còn bao nhiêu vụ bạo lực học đường sẽ xảy ra khi mà việc xử lý bằng những hình thức kỷ luật như viết kiểm điểm, tường trình, cho nghỉ học có thời hạn, hạ điểm hạnh kiểm... không đủ sức răn đe; còn việc xử lý hình sự với mức án nghiêm khắc vẫn còn quá hiếm hoi? Cần lắm sự nghiêm minh của pháp luật cũng như việc sửa đổi tăng nặng hình thức kỷ luật học đường để bạo lực không còn xảy ra và trở thành nỗi lo lắng của gia đình, nỗi xót xa của xã hội.
"Cứ khởi tố, tạm giam đi!"
Thông tin Công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khởi tố bị can đối với nữ sinh đánh bạn đã nhận được nhiều sự phản hồi từ bạn đọc.
"Cần sửa luật, hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống hoặc có hình thức giáo dục khác, như cách ly khỏi xã hội, đưa vào trung tâm giáo dục đặc biệt. Nếu không làm nghiêm và dứt khoát thì sẽ có thêm nhiều "chị đại", "đầu gấu", gây ra nhiều hệ lụy. Mong có những án điểm đủ sức răn đe" - bạn đọc nguyencamtu đề xuất.
Đồng quan điểm, bạn đọc mai hong viết: "Phải khởi tố vụ án, xử án điểm thì một số bạn trẻ mới bớt manh động. Những tổn thương do bị đánh, bị làm nhục không gì bù đắp được, lời xin lỗi không thể xóa được tổn thương tinh thần lẫn tổn thương thể xác". Bạn đọc Đức nhìn nhận: "Những cách xử lý lâu nay như phạt hành chính, viết kiểm điểm... không ăn thua. Cứ khởi tố, tạm giam đi!".
Không giấu được nỗi lo trước nạn bạo lực học đường ngày càng tăng, bạn đọc HuePhan băn khoăn: "Tuổi đời còn nhỏ mà đã hành động vô lương tâm và tàn bạo như thế thì lớn lên rất dễ tham gia các băng nhóm giang hồ. Phải bắt buộc những bạn trẻ này học bài học cay đắng trong nhà tù. Ngoài ra, trong clip, rất nhiều học sinh đứng nhìn nữ sinh bị đánh nhưng không ai ngăn cản, cho thấy dấu hiệu băng hoại đạo đức, không ai dám bênh vực kẻ yếu, sống chết mặc bây, vô cảm. Lớn lên, các bạn này sẽ ra sao?".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/bao-luc-hoc-duong-bao-gio-cham-dut-20220913214936004.htm