Bạo lực học đường, cần ngăn chặn từ gốc. Bài 1: Khi học sinh dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn

Dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là cách chọn lựa của một số học sinh, dẫn đến liên tục trong thời gian gần đây, bạo lực học đường gia tăng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vẫn biết đây là câu chuyện không mới (bởi lâu nay, tình trạng này liên tục diễn ra ở các mức độ khác nhau) nhưng chưa bao giờ vấn đề bạo lực học đường lại được bàn tán nhiều như bây giờ, nhất là vào thời điểm các trường học đều đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.

Thích... là đánh bạn

Một vụ việc xảy ra tại Trường THCS thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh vào 24/4 vừa qua. Những tiếng gào thét, chửi bới tục tĩu; tiếng bốp, chát do những “tác động vật lý” gây ra; hình ảnh và âm thanh trong đoạn clip dài hơn 6 phút ghi lại cảnh em H.T.N, nữ sinh lớp 8 của trường bị bạn bắt quỳ trong nhà vệ sinh đến bây giờ vẫn khiến nhiều người không khỏi ám ảnh. Không chỉ dùng tay, chân, một trong số các nữ sinh có mặt trong clip đã dùng mũ bảo hiểm đánh, đá vào mặt, người của em. Mỗi hành động đều rất “dứt khoát”, không hề có sự kiêng dè.

Sau những cú đánh liên tiếp vào người, N. không còn sức để phản kháng, chỉ có thể nằm co quắp dưới sàn nhà vệ sinh lạnh lẽo. Phải đến khi N. gào thét vì bị các bạn lao vào xé áo, hành hạ, mọi việc mới dừng lại.

Xem hết clip, bất cứ ai cũng cảm thấy gai người trước những hành động vô nhân tính cùng lời nói thóa mạ được thốt ra từ miệng của những nữ sinh đang khoác trên người bộ đồng phục của nhà trường.

Qua xác minh, được biết nguyên nhân của vụ việc được cho là do trước đó, N. và các đối tượng còn lại đã xảy ra xích mích trên mạng xã hội. Thế đấy, chỉ vì mâu thuẫn trong thế giới ảo, mà các em đã gây ra những nỗi đau rất thật! Nhưng đáng tiếc thay, đây không phải là vụ bạo lực học đường đầu tiên được ghi nhận trên địa bàn tỉnh.

Hình ảnh N. và mẹ trong bệnh viện khiến nhiều người không khỏi xót xa - Ảnh: T.P

Hình ảnh N. và mẹ trong bệnh viện khiến nhiều người không khỏi xót xa - Ảnh: T.P

Trước đó vào ngày 11/4, trên mạng xã hội xuất hiện 2 clip dài 28 giây và 42 giây ghi lại cảnh các nữ sinh ở huyện Vĩnh Linh đánh nhau, thậm chí còn cầm dao, gây bức xúc lớn trong dư luận. Nội dung của 2 đoạn clip là hình ảnh các nữ sinh lời qua tiếng lại, cầm mũ bảo hiểm và sử dụng dao tấn công lẫn nhau.

Sau đó, nữ sinh cầm dao bị một nhóm 4 - 5 nữ sinh khác dùng tay, chân đấm, đạp mạnh vào người. Nhưng điều khiến nhiều người phẫn nộ hơn cả chính là sự vô cảm của những nam, nữ sinh khác bên ngoài khi không những không can ngăn mà còn hô hào nhóm nữ sinh trên lột áo nữ sinh đang bị đánh hội đồng.

Ở cấp độ nặng hơn, án mạng đã xảy ra. Đó là vụ việc diễn ra tại Trường TH&THCS Ba Lòng, huyện Đakrông vào ngày 7/4 vừa qua. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, em V.Q, lớp 9 Trường TH&THCS thị trấn Krông Klang, đã rủ thêm 3 học sinh lớp 11 khác trên địa bàn huyện tìm nam sinh H.Q, lớp 9, Trường TH&THCS Ba Lòng để giải quyết. Trong lúc xâu ẩu H.Q. đã dùng dao đâm vào ngực trái của nam sinh V.Q khiến nạn nhân tử vong.

Em không muốn đi học nữa”

Câu nói của N. khiến chúng tôi nhói lòng. Mẹ N. cũng khóc sau khi nghe điều này. Đối diện với chúng tôi, ánh mắt của N. lộ rõ nỗi hoang mang, sợ hãi. Nhìn cô con gái nhỏ nằm co ro trên giường bệnh, mẹ em không khỏi xót xa: “Thấy con bị đánh đập dã man như thế, người làm cha, làm mẹ sao chịu nổi? Cả người cháu giờ đầy rẫy những vết bầm tím. Cháu không ăn uống được gì, ai động tới cũng đều giật mình”.

“Không muốn đi học” - có lẽ không phải là ý định của riêng gì N. mà còn là của hầu hết những học sinh từng trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Đó là cơn sang chấn tâm lý dữ dội mà các em phải trải qua. Không chỉ gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể xác và tinh thần cho các nạn nhân mà bạo lực học đường còn khiến những đối tượng bạo hành có nguy cơ phát triển sai lệch về nhân cách, tự phá hủy tương lai của chính mình và tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục. Thời gian rồi sẽ chữa lành mọi vết thương trên cơ thể, nhưng nỗi đau về tinh thần thì không biết bao giờ mới được chữa lành?

Những em học sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường đa phần đều sợ đi học, ngại tiếp xúc với mọi người - Ảnh: T.P

Những em học sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường đa phần đều sợ đi học, ngại tiếp xúc với mọi người - Ảnh: T.P

Chia sẻ với chúng tôi, Hạ (đã đổi tên nhân vật), một nạn nhân của bạo lực học đường, hiện đang học trên địa bàn huyện Gio Linh bộc bạch: “Em vốn nhút nhát, ít tiếp xúc với bạn bè. Không ngờ điều này lại khiến một số bạn trong lớp ghét. Còn nhớ hôm đó vào cuối buổi học, các bạn hẹn em ra cổng sau “nói chuyện”. Chị biết không, lúc đó em không hề lo lắng, ngược lại còn cảm thấy vui vì các bạn chủ động bắt chuyện với mình. Thế mà các bạn lại ra tay với em rất tàn nhẫn. Màn “nói chuyện” ấy hóa ra chính là những cú tát, cú đá thẳng vào người khiến máu mũi, máu miệng của em trào ra không ngừng... Bây giờ em vẫn đi học, nhưng em sợ lắm. Mỗi ngày đều mong thời gian trên lớp trôi qua mau để về nhà”.

1001 lý do của bạo lực học đường

Với từ khóa “bạo lực học đường”, chỉ trong 0,39 giây tìm kiếm, đã có gần 17,4 triệu kết quả về những vụ việc liên quan đến vấn đề này xuất hiện. Từ đầu năm 2023 đến nay, dư luận cả nước liên tục “dậy sóng” khi chưa hết bàng hoàng trước thông tin nữ sinh N.T.Y.N lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường thì đã phải chứng kiến thêm nhiều clip ghi lại cảnh các em học sinh Quảng Trị “đụng tay, đụng chân” với nhau. Chưa bao giờ, người ta lại bàn bạc, thảo luận nhiều về bạo lực học đường như thế.

Tìm hiểu từ ngay trong chính học sinh, chúng tôi được biết, nguyên nhân của những vụ ẩu đả thường bắt đầu từ những lý do rất đơn giản. Đó có thể là vì một ánh nhìn không vừa mắt, một cuộc tranh cãi qua lại, đăng đàn nói xấu nhau trên mạng xã hội, bị từ chối cho copy bài hoặc là vì “con đó/ thằng đó nhìn thấy ghét!”.

Ngoài ra, chủ đề tình yêu cũng khiến nhiều học sinh xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Em H.S, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (huyện Cam Lộ) cho hay: “Theo em thấy, các bạn vì muốn thể hiện cái tôi của mình, thể hiện tính sở hữu trong tình yêu mà sẵn sàng hành hung, đánh nhau. Mỗi khi trực tiếp chứng kiến các vụ ẩu đả hay xem bạo lực học đường trên mạng, em cảm thấy rất lo lắng và bức xúc. Không biết đến bao giờ, bạo lực học đường mới thôi diễn ra”.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị cho hay, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ bạo lực học đường. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường với tính chất nguy hiểm, phức tạp. Điều đáng nói là tỉ lệ nữ sinh tham gia đánh nhau đang có chiều hướng gia tăng. Các em không chỉ dừng lại ở những hành vi đơn lẻ mà hành động có tổ chức, ban đầu là kỳ thị, tẩy chay, cô lập nạn nhân; sau đó là uy hiếp, đánh đập.

Không chỉ học sinh, nhiều giáo viên cũng thừa nhận rằng, bạo lực học đường đang là một vấn nạn chưa có lời giải của ngành giáo dục. Đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS thị trấn Gio Linh cho biết, không ai nghĩ chỉ vì những mâu thuẫn qua lại trên mạng xã hội mà các em học sinh nữ lại ra tay thô bạo với bạn của mình, để rồi xảy ra cơ sự như hôm nay.

Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng Nguyễn Hữu Thịnh lại phân tích, ngoài sự thay đổi trong tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì, thì sự phát triển của facebook, tiktok cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh có xu hướng bạo lực hơn.

Đặc biệt, việc bắt nạt trên mạng đang khiến cho bạo lực học đường ngày càng khó ngăn chặn, với nhiều hình thức khác nhau như chê bai, dọa nạt, sỉ nhục, nói xấu… Đáng sợ nhất là khi hành vi bắt nạt được ghi lại và tung lên không gian mạng, các em học sinh bạo hành bạn lại lấy đó làm hãnh diện, tự hào.

Theo công bố gần đây nhất của Bộ GD&ĐT, trung bình cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một học sinh bị buộc thôi học vì đánh nhau. Cứ khoảng 9 trường thì có 1 trường xảy ra bạo lực học đường. Trung bình một năm, có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong, ngoài trường học.

Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu vẫn do sợi dây kết nối giữa nhà trường và gia đình có lúc bị đứt gãy. Nhiều bậc phụ huynh cứ phó mặc chuyện giáo dục cho thầy, cô giáo, không theo sát diễn biến tư tưởng, hành động của con.

Khi xảy ra các vụ việc thì trách cứ, đổ lỗi. Với xã hội, trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xuyên biên giới, thông tin tốt, xấu xuất hiện tràn lan, không kiểm soát. Nhiều em do không được phân tích, bảo ban đến nơi, đến chốn; chưa phân biệt được tốt xấu nên đã bị tiêm nhiễm thói côn đồ, hành động bất chấp lẽ phải cả ở trường học, trong gia đình đến ngoài xã hội.

Về phía nhà trường, nhiều nơi vẫn chú trọng vào điểm số, thành tích mà lơ là chuyện rèn luyện, giáo dục đạo đức cho các em. Văn hóa học đường ở một số nơi chỉ là khẩu hiệu, không thực chất.

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho hay: Nhiều năm qua, bạo lực học đường luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, vì những nguyên nhân, hạn chế như: một số cơ sở giáo dục chưa có sự nhìn nhận đúng đắn về việc nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hạn chế trong quản lý các nền tảng xã hội; chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể hay hoạt động tâm lý học sinh tại các cơ sở giáo dục chưa được chú trọng... mà đến nay, bạo lực học đường chưa thực sự được đẩy lùi.

Bên cạnh đó, việc khen thưởng, xử lý vi phạm của học sinh trong các nhà trường vẫn còn bất cập, không thống nhất gây ra khó khăn, lúng túng cho các trường khi áp dụng hình thức kỷ luật cho học sinh. “Để môi trường học đường không còn nhuốm màu bạo lực thì đòi hỏi cả nhà trường, gia đình và xã hội đều phải chung tay”, bà Hương nhấn mạnh.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giao-duc/bao-luc-hoc-duong-can-ngan-chan-tu-goc-bai-1-khi-hoc-sinh-dung-bao-luc-de-giai-quyet-mau-thuan/176760.htm