Bạo lực học đường: Chuông gióng vẫn chưa hiệu quả
Năm học mới 2023 - 2024 chưa qua tháng đầu tiên, nhưng những vụ bạo lực học đường đã liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương.
Đơn cử mới đây đã xảy ra vụ việc các nữ sinh cấp 2 đánh nhau giữa đường do bị "tiết lộ chuyện yêu đương". Bước đầu xác định có 4 nữ sinh thuộc 2 trường THCS trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) tham gia đánh nhau. Sự việc được một học sinh cùng trường dùng điện thoại ghi lại và tung lên mạng xã hội.
Hay tại Quảng Bình, đoạn clip tung lên mạng xã hội cho thấy sự việc xảy ra tại cổng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong đoạn clip, một nữ sinh L bị 2 bạn nữ khác đánh hội đồng, đấm, đá liên tục vào đầu và người. Lý do sau đó được xác minh là thấy 2 người lạ vào lớp học, em L. là lớp trưởng đã báo cáo sự việc lên cô giáo chủ nhiệm và mời 2 người kia ra ngoài. Lúc sau, khi ra cổng trường mua nước, em L. đã bị đánh hội đồng.
Còn tại Đắk Lắk, ngay trong ngày thứ 2 đầu tuần vừa qua, một nam sinh đã bị nhóm bạn đánh, đấm liên tục vào vùng đầu, nhưng chỉ biết ôm mặt chịu trận. Sự việc diễn ra ngay trong trường học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác, nhưng không ai dám can ngăn.
Trên thực tế, dù đã được cảnh báo nhưng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng. Băn khoăn lớn nhất từ phía các bậc làm cha làm mẹ là tại sao ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến nữ sinh? Tại sao các bạn trẻ ngày có xu hướng tung những video clip có nội dung bạo lực lên mạng xã hội?
Theo lý giải của các chuyên gia, ngoài các nguyên nhân: Nhà trường và gia đình quá chú trọng, nặng dạy kiến thức nên đôi khi lơ là, chưa thật sự quan tâm đến việc giáo dục văn hóa ứng xử, đạo đức lối sống cho học sinh. Thực trạng bạo lực học đường liên quan đến nữ sinh còn bởi do nhận thức nông nổi, cách hiểu sai về giới tính và bình đẳng giới ở một bộ phận nhỏ nữ sinh THCS. Các nhà tâm lý và các nhà quản lý giáo dục phân tích, xét về góc độ tâm lý, nữ giới thường dậy thì sớm hơn nam giới nên tâm sinh lý của các em nữ sinh ở độ tuổi THCS rất phức tạp.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, học sinh đánh nhau, quay lại rồi tung lên mạng xã hội thể hiện lỗ hổng về kỹ năng sống. Trước hết, các em thiếu kỹ năng ứng phó, giải quyết các tình huống. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giáo dục ý thức cho học sinh. Trong đó nhấn mạnh kiến thức và những quy định của luật pháp liên quan đến hành vi xâm phạm thân thể, làm nhục người khác.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội), bạo lực học đường là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất của học sinh. Trong quá trình học ở trường, lớp nếu có những mâu thuẫn, xích mích nhỏ nếu được phát hiện, hòa giải sẽ không dẫn đến những việc lớn. Trong chuyện học sinh đánh nhau, có vai trò của nhà trường nhưng cũng cần có sự chung tay của gia đình mới kiểm soát được hết. Trong đó, đối với nhà trường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phòng tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng.
Nhưng có một thực tế cũng rất đáng báo động là ở nhiều trường học hiện nay, phòng tham vấn tâm lý học đường chỉ lập ra cho có. PGS.TS Trần Thành Nam đánh giá: Ở nhiều trường học, phòng tư vấn được thành lập nhưng với không gian không đảm bảo, “quá mở”, không đủ tính bảo mật để học sinh có thể chia sẻ cảm xúc, khúc mắc. Hơn nữa, nhiều cha mẹ học sinh, hay chính học sinh còn “kỳ thị”, cho rằng, ai phải lên phòng đó có nghĩa là bị kỷ luật hoặc là đầu óc có vấn đề… Điều này cho thấy, công tác truyền thông về phòng tư vấn vẫn rất hạn chế ở các trường hiện nay.