Bạo lực học đường diễn biến phức tạp
ThS. Nguyễn Minh Hải, Trưởng phòng Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chia sẻ bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp với những mức độ ngày càng trầm trọng.
Sáng 7-11, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Đảng ủy Đại học Quốc gia, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng, Đảng ủy Sở GD&ĐT, Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH tổ chức tọa đàm tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hải cho biết, đạo đức của học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp với những mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, tinh thần “tôn sư trọng đạo” không được thể hiện rõ nét nhiều khi trò còn đánh thầy.
Bên cạnh đó, tình trạng mua điểm, đổi tình lấy điểm, gian lận trong thi cử... đó đây xuất hiện. Lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội mà còn mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi... Công luận, xã hội lên án nhưng biện pháp ngăn chặn thực sự hữu hiệu vẫn còn thiếu.
Cũng theo ông Hải, một số kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
"Tôi làm công tác hướng nghiệp cho học sinh cấp 3, nhiều em không xác định được mình học gì, thích gì, có khả năng về lĩnh vực nào. Các em khá mơ hồ. Tham gia dạy tại một số trường đại học, sinh viên không quan tâm việc học, đến lớp chẳng qua yêu cầu của ba mẹ, không quan tâm bạn bè thậm chí ngủ trong lớp. Nhiều em chỉ biết tập trung vào học các kiến thức chuyên môn, chưa coi trọng các kỹ năng mềm" - ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải chia sẻ thêm, việc lạm dụng mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt trong một số bộ phận học sinh, sinh viên cũng rất đáng báo động...
Không chỉ vậy, với mặt trái của cơ chế thị trường, sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, nhận thức về chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống… của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên bị tác động tiêu cực bởi những gì họ tiếp nhận được mà thiếu một “bộ lọc” cần thiết.
Do đó, nếu không có sự định hướng tích cực, kịp thời, đúng mực, thì những biểu hiện đó sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức, lý tưởng, tình cảm của sinh viên, học sinh đối với đất nước, cộng đồng, xã hội, gia đình.
Trước thực tế trên, theo ông Hải cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội, đặc biệt thanh thiếu niên. Đưa đạo đức Hồ Chí Minh vào thành một môn học, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua các buổi ngoại khóa. Xây dựng các diễn đàn trao đổi về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cần kết hợp giáo dục lý luận chính trị với giáo dục lý tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh việc nêu gương.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Duy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối, Đại diện Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM cho biết cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong sinh viên, đảng viên, giảng viên các trường Đại học. Cụ thể, các đơn vị này cần tăng cường học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh như xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường. Ngoài ra, thực hiện chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe tinh thần cho giáo viên và học sinh các trường THPT trên địa bàn. Các đơn vị cũng cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, các cuộc thi trắc nghiệm, thi tự luận liên quan đến giáo dục lý luận chính trị được đẩy mạnh...
Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-luc-hoc-duong-dien-bien-phuc-tap-post760294.html