Bạo lực hỗn loạn ở Pháp: Vì đâu nên nỗi?

Phát súng tước đi sinh mạng của thiếu niên da màu 17 tuổi tạo ra làn sóng bạo lực phủ bóng nước Pháp với hàng nghìn người bạo loạn bị bắt. Tuy nhiên, căn nguyên không nằm ở phát súng vô cảm của cảnh sát.

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Nanterre, Pháp, ngày 29/6. Ảnh: AP

Cảnh sát đụng độ với người biểu tình ở Nanterre, Pháp, ngày 29/6. Ảnh: AP

Sáng ngày 27/6/2023, Nahel M. (17 tuổi) bị cảnh sát bắn chết ở thành phố Nanterre ngoại ô Thủ đô Paris. Nguyên nhân do Nahel không tuân thủ yêu cầu dừng xe. Theo video ghi lại vụ việc do người dân quay, 2 cảnh sát dí súng vào người điều khiển chiếc ô tô đang dừng và đe dọa sẽ bắn vào đầu người này. Tiếp đó, khi tài xế vừa nhấn ga, cảnh sát lập tức nổ súng, bắn vào ngực Nahel ở cự ly gần.

Dư luận Pháp lập tức bùng nổ tranh cãi về nghiệp vụ cảnh sát và chỉ trích cách hành xử của 2 cảnh sát này đối với người dân ở khu vực thu nhập thấp, nhất là cộng đồng thiểu số. Có ý kiến cho rằng, vì Nahel có động thái chống đối nên cảnh sát nổ súng, song, nhiều công tố viên và giới luật gia Pháp khẳng định, viên cảnh sát này nổ súng trái luật. Hai ngày sau vụ việc, viên cảnh sát nổ súng đã được đưa ra tòa án với cáo buộc giết người.

Lên tiếng về vụ việc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, hành động của viên cảnh sát là không thể giải thích, không thể bào chữa, không thể tha thứ. "Không có gì có thể biện minh cho cái chết của một người trẻ tuổi" - ông Macron nói với báo giới.

Dù chính quyền Pháp cho thấy lập trường và hành động xử lý quyết liệt, song, sự bất bình trong xã hội không vì thế mà nguôi ngoai, làn sóng biểu tình quanh Paris nhanh chóng lan rộng khắp đất nước với vô số vụ bạo loạn. Ước tính từ chính quyền Pháp, có 220 thành phố chịu thiệt hại do bạo loạn, bao gồm các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp. Tình trạng bạo lực hỗn loạn đã buộc Chính phủ Pháp phát động chiến dịch trấn áp quy mô lớn với hàng vạn nhân viên an ninh. Tính đến đầu tuần này, hơn 3.000 người bị bắt giữ, hơn 500 cảnh sát, hiến binh bị thương, cùng hàng nghìn phương tiện, tòa nhà bị phóng hỏa... Con số thống kê được chính quyền Pháp lưu ý là chưa chính xác, bởi thực tế có những thông tin chưa chính thức về người thiệt mạng trong làn sóng bạo loạn. Một số quan chức trong các cấp chính quyền Pháp cùng gia quyến cũng là mục tiêu tấn công của những đối tượng quá khích. Một tuần sau sự việc, làn sóng biểu tình đã tạm lắng.

Bình luận từ giới quan sát cho biết, những đêm bạo lực khó có thể hình dung trên đường phố ở Pháp phần nào gợi nhớ đến làn sóng bạo động ở Mỹ cuối tháng 5/2020 bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát, cũng khởi nguồn từ việc cảnh sát ghì chết một người đàn ông da đen trên đường. Cả hai sự việc này thực chất chỉ là một ngòi nổ làm tái bùng phát sự bất bình vốn âm ỉ sâu sắc trong xã hội phương Tây về thành kiến chủng tộc ăn sâu trong tiềm thức các thế hệ, đặc biệt là thái độ và hành động thiếu nhân văn của cảnh sát đối với người da màu.

Nhiều nhà hoạt động xã hội Pháp cho rằng, chủng tộc của thiếu niên 17 tuổi là yếu tố khiến cậu bị hạ sát. Xã hội Pháp xưa nay đề cao chủ nghĩa thế tục - nền tảng chính của văn hóa Pháp với tôn chỉ duy trì sự bình đẳng, xóa bỏ dấu hiệu khác biệt, bao gồm chủng tộc. Song, thực tế, người da màu ở Pháp tin rằng, họ thường trực mối lo trở thành nạn nhân của bạo lực từ cảnh sát hơn người da trắng. Thống kê từ một cơ quan giám sát nhân quyền độc lập ở Pháp vào năm 2017 công bố, nam thanh niên da đen hoặc người Arab có nguy cơ bị cảnh sát chặn lại trên đường cao hơn 20 lần so với người da trắng.

Giới chuyên gia chính trị nhìn nhận, ông Macron dường như đang bước vào giai đoạn gập ghềnh bậc nhất kể từ khi ông ngồi vào chiếc ghế tổng thống vào năm 2017. Nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của ông Macron bắt đầu từ tháng 5/2022 từng được coi là nhiệm kỳ của sự hàn gắn và đoàn kết nước Pháp. Tuy nhiên, sự chia rẽ rối bời trong xã hội Pháp những ngày qua đang cho thấy, hơn 1 năm sau khi nêu cao tối đa sự hàn gắn, diễn biến trái ngược thực tế dường như làm những mục tiêu vĩ đại trở nên xa vời.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-luc-hon-loan-o-phap-vi-dau-nen-noi-post463253.html