Bạo lực hủy hoại tương lai của phụ nữ và trẻ em Haiti

Phụ nữ và trẻ em gái Haiti đang phải chịu đựng những làn sóng bạo lực tàn bạo, bao gồm cả cưỡng hiếp và hiếp dâm tập thể, khi các băng nhóm tranh giành quyền kiểm soát Thủ đô Port-au-Prince.

 Một người mẹ cùng các con ở Léogâne, ngoại ô Thủ đô Port-au-Prince, Haiti

Một người mẹ cùng các con ở Léogâne, ngoại ô Thủ đô Port-au-Prince, Haiti

Trẻ em bị buộc phải tham gia các nhóm vũ trang

Ước tính, khoảng 185.000 người đã phải di dời khỏi khu vực đô thị Port-au-Prince. Hai phần ba trong số họ phải sống ở những địa điểm tự phát và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản rất hạn chế. Khoảng 5 triệu người dân Haiti đang phải đối mặt với nạn đói trầm trọng, trong đó gần 1,6 triệu người có nguy cơ chết đói.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, bạo lực và bất ổn tiếp diễn ở Haiti đã khiến hơn 300.000 trẻ em phải di dời, ước tính cứ mỗi phút lại có 1 trẻ phải chạy nạn. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh: "Trẻ em không nên phải trả giá bằng mạng sống và tương lai của mình cho cuộc khủng hoảng do người lớn tạo ra".

Liên hợp quốc đã xác minh hơn 400 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với trẻ em. Tính từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, ít nhất 82 trẻ đã bị thiệt mạng hoặc bị thương do bạo lực băng đảng, tăng 55% so với quý cuối năm 2023.

Trên khắp đất nước này, ước tính, có khoảng 3 triệu trẻ em đang cần hỗ trợ nhân đạo trong bối cảnh Haiti nhiều năm rơi vào bất ổn chính trị, nghèo đói lan rộng. Trẻ em di cư do xung đột phải đối mặt với nguy cơ bạo lực cao hơn, bao gồm bị tấn công tình dục, bị bóc lột và chia cắt với gia đình.

Khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như không gian an toàn, chăm sóc sức khỏe, nước sạch và vệ sinh bị gián đoạn.

Điều kiện vệ sinh kém trong các trại và khu tạm cư làm tăng khả năng mắc các bệnh như dịch tả, trong khi việc đóng cửa trường học và hạn chế kinh tế do bạo lực đã buộc nhiều trẻ em phải bỏ học.

Hơn nữa, với rất ít phương tiện sinh tồn hoặc bảo vệ an toàn, trẻ em ngày càng bị buộc phải tham gia các nhóm vũ trang - một sự vi phạm quyền trẻ em và vi phạm luật pháp quốc tế. Các ước tính mới nhất cho thấy, hơn nửa triệu trẻ em ở Haiti đang sống trong các khu do các nhóm vũ trang kiểm soát, khiến các em có nguy cơ cao hơn về bạo lực và bị tuyển mộ làm binh lính.

Trẻ em Haiti đối mặt với nạn đói

Trẻ em Haiti đối mặt với nạn đói

Theo Liên hợp quốc, khoảng 30% - 50% các nhóm vũ trang ở Haiti hiện có trẻ em trong hàng ngũ của họ. Nhiều đứa trẻ trong số này đã bị buộc phải tham gia các nhóm vũ trang, trong khi những đứa trẻ khác tự nguyện tham gia như một cách để sinh tồn.

Hệ thống giáo dục và y tế của Haiti cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ có 2 trong số 5 bệnh viện còn hoạt động, khoảng 40% nhân viên y tế đã phải rời khỏi đất nước do bất an cực độ. Hơn 900 trường học đã phải đóng cửa, khiến khoảng 200.000 trẻ em không được học hành.

Bạo lực tình dục được sử dụng như một vũ khí

Ước tính, có khoảng 578.000 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và có nguy cơ bị hãm hiếp, bị bắt cóc, phải sống trong điều kiện quá đông đúc, không an toàn. Xu hướng tự tử cũng gia tăng đáng báo động.

Phụ nữ và trẻ em gái càng dễ bị tổn thương hơn khi bạo lực tình dục được các băng nhóm sử dụng như một chiến thuật nhằm gieo rắc nỗi sợ hãi và giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực lân cận. Số vụ bạo lực tình dục đã tăng 400 lần so với năm ngoái, khi có khoảng 100.000 trường hợp được báo cáo.

Fabienne (tên nhân vật đã được thay đổi) là một nạn nhân của bạo lực tình dục. Sau khi trốn khỏi nhà ở Port-au-Prince, cô đến ở với người chú của mình trong một khu phố tương đối yên tĩnh.

Cô Fabienne kể: "Một người hàng xóm có một cái chậu ở sân để chúng tôi có thể lấy nước. Một ngày nọ, tôi bước vào sân và thấy một nhóm người đang ngồi ở đó. Họ nói với tôi rằng, người hàng xóm đã nói tôi sẽ đưa chìa khóa nhà cho họ. Tôi nói tôi không có chìa khóa, tôi chỉ vào để lấy nước trong sân thôi".

Những người đàn ông đó thực chất là thành viên băng đảng, họ đã giam giữ cô và trói cô bằng dây xích. Sau đó, họ đánh đập và cưỡng hiếp cô. Mặc dù những kẻ tấn công cuối cùng đã thả cô ra nhưng cô vẫn bị giám sát.

"Họ theo dõi ngôi nhà nhưng một đêm nọ, tôi đã trốn thoát và đến bệnh viện. Ở đây, tôi được chăm sóc rất chu đáo. Đó là lựa chọn tốt nhất mà tôi có thể thực hiện", cô nói.

Vụ việc đã khiến Fabienne bị tổn thương sâu sắc. "Trước đây, tôi là người vui vẻ và hướng ngoại. Sau đó, tôi sống khép kín, cảnh giác với mọi người. Tôi dễ khóc hơn vì thật không dễ dàng để tôi vượt qua thử thách này. Lời khuyên mà tôi dành cho tất cả những cô gái trẻ từng bị xâm hại tình dục là hãy tìm đến gặp bác sĩ tâm lý, đừng cố gắng tự sát để giải thoát bản thân", cô Fabienne chia sẻ.

Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội và hỗ trợ tâm lý như Fabienne ngày càng khan hiếm. Chỉ khoảng 3% tổng số nạn nhân có thể được điều trị trong vòng 72 giờ sau khi bị tấn công tình dục. Họ nhận được sự chăm sóc toàn diện, bao gồm hỗ trợ tâm lý, tránh thai khẩn cấp, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các cơ sở y tế còn mở cửa gần như không thể do tình trạng hỗn loạn, khiến khoảng 3.000 phụ nữ mang thai gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ.

Các phòng khám di động đã được Liên hợp quốc triển khai tại các địa điểm di dời để cung cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và hỗ trợ ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực. Đồng thời, đường dây nóng và không gian an toàn đang cung cấp hỗ trợ y tế và tâm lý xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Fabienne cho biết, cô mong muốn được làm tình nguyện viên Liên hợp quốc. "Tôi hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi đối với đất nước. Ước mơ của tôi là trở thành bác sĩ để có thể phục vụ người dân Haiti", cô tâm sự.

Nguồn: UN, UNICEF

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bao-luc-huy-hoai-tuong-lai-cua-phu-nu-va-tre-em-haiti-20240729161159521.htm