Bạo lực mạng 'leo thang' - Bài 2: Nhiêu khê tìm công lý

Bạo lực mạng chính là vấn nạn không hồi kết và để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Mặc dù đã có những luật định riêng về an ninh mạng nhưng việc đi tìm công lý cho bản thân khi trở thành nạn nhân của vấn nạn này không hề dễ dàng.

Bạo lực mạng "leo thang"
Bạo lực mạng "leo thang" - Bài 2: Nhiêu khê tìm công lý

Gian nan phân định rạch ròi

Chị N.T.B.N, 27 tuổi, ngụ Phường 9, TP Cà Mau, cho biết, mẹ chị từng là nạn nhân của bạo lực mạng xã hội. Câu chuyện bắt đầu từ khi mẹ chị và gia đình hàng xóm bên cạnh có những tranh cãi trong cuộc sống. Ðáng buồn thay, người hàng xóm này nhân lúc mẹ chị mua vật liệu xây dựng từ người quen thì quay clip và tung lên mạng xã hội, với chú thích khẳng định mẹ chị N.T.B.N ăn cắp.

Quá uất ức và bị mang tiếng với mọi người, mẹ chị N đổ bệnh. Gia đình chị đã tiến hành các thủ tục cần thiết theo hướng dẫn của luật sư để tìm lại công bằng cho người thân của mình. Chị N.T.B.N kể: “Tôi mất ròng rã 3 tháng thưa kiện. Tôi phải làm đơn gửi Sở Thông tin và Truyền thông để xin xác minh tài khoản mạng đang dùng có đúng của người đó hay không, nội dung clip bôi nhọ được đăng tải ở thời điểm nào... Ngoài ra, tôi cũng có dùng điện thoại quay clip rõ ràng, cụ thể ở trang cá nhân của đối phương để đề phòng những trường hợp xấu xảy ra. Gia đình tôi thắng kiện, được xin lỗi công khai và được bồi thường 33 triệu đồng. Tiền bạc không quan trọng, điều tôi mừng nhất là có được lời xin lỗi cho mẹ mình”.

Tương tự, trường hợp chị P.T.P.T, 25 tuổi, ngụ tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cũng tự đi tìm công lý cho mình. Câu chuyện của chị là từ vấn đề xích mích với đồng nghiệp. Thay vì chỉ dừng lại ở việc tranh cãi, người này đã đăng những dòng trạng thái xúc phạm, bôi nhọ danh dự của chị và người thân lên mạng xã hội. Ðược sự tư vấn từ luật sư, chị P.T.P.T đã lập vi bằng sẵn sàng cho việc kiện tụng. Tuy nhiên, đối phương sau thời gian đôi co và kỳ kèo cũng đã nhận ra sai lầm của bản thân nên hướng giải quyết cũng ôn hòa hơn.

Chị P.T.P.T là một trong số ít người dám nhờ đến pháp luật can thiệp khi bị tấn công, bôi nhọ trên mạng xã hội.

Chị P.T.P.T là một trong số ít người dám nhờ đến pháp luật can thiệp khi bị tấn công, bôi nhọ trên mạng xã hội.

Chị P.T.P.T cho biết: “Ban đầu, bạn đó cứng lắm, thách thức là ra tòa thì đi hầu. Tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng, đụng tới danh dự của tôi và gia đình tôi là không chấp nhận được. Sau buổi gặp giữa tôi cùng luật sư và đối phương thì họ nhận ra lỗi của mình. Chúng tôi cũng thỏa thuận là bạn gỡ bài đăng và viết một bài khác đính chính, xin lỗi thì tôi sẽ bỏ qua. Câu chuyện được giải quyết khá nhẹ nhàng sau đó. Ðây cũng là bài học cho nhiều người làm gương để không dùng mạng xã hội chà đạp danh dự người khác”.

Không may mắn như chị P.T.P.T và chị N.T.B.N, chị N.H.T, 34 tuổi, ngụ tại Phường 5, TP Cà Mau lại mất số tiền nhờ luật sư can thiệp và tốn thời gian hơn 1 năm theo đuổi kiện tụng vẫn chưa có kết quả. Câu chuyện của chị N.H.T cũng từ việc tranh chấp trong công việc. Tuy nhiên, đối phương lại lôi kéo tất cả người thân đăng những bài viết bôi nhọ danh dự, xúc phạm nhân phẩm chị và gia đình chị khá nặng nề.

Chị N.H.T cho biết: “Tôi lập vi bằng chỉ sau khi người đó và người thân của chị ta đăng bài một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, chị đó xóa Facebook, chỉ còn chồng chị ta là xác thực được địa chỉ IP nên nếu kiện tụng chỉ kiện được mỗi anh chồng của chị ta. Vụ việc của tôi là án dân sự, không phải án hình sự nên việc cưỡng chế rất khó. Tòa đã nhiều lần mời lên làm việc nhưng đối phương không hợp tác. Ðến giờ đã hơn một năm, tôi tốn 50 triệu đồng tiền phí luật sư, chưa kể chi phí lập vi bằng nhưng vẫn chưa nhận được lời xin lỗi mà mình xứng đáng được nhận".

Quy định pháp luật là nền tảng

Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau, việc làm rõ và xác minh đến xử phạt các trường hợp xúc phạm, tấn công, bôi nhọ danh dự qua mạng xã hội được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ, quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị phản ánh.

Có rất nhiều trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên môi trường mạng nhưng khi tiến hành xác minh chủ thể thì không thể xác minh được, từ đó dẫn đến không thể tiến hành xử lý đối với các chủ thể đó (đặc biệt là mạng xã hội Facebook, TikTok).

Còn khi có đủ yếu tố căn cứ xác minh, việc xử phạt được quy định cụ thể từng hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định số 15/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022).

Ðối với việc tự bảo vệ mình trên không gian mạng, các quy định của pháp luật mang ý nghĩa nền tảng quan trọng, đảm bảo những hành vi vi phạm đều bị xử lý một cách nghiêm minh, công bằng; đồng thời, cũng là tiền đề góp phần xây dựng văn hóa số, hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Dù pháp luật quy định và có những chế tài đủ sức răn đe, đúng người đúng việc, nhưng việc đi tìm công lý cho bản thân khi trở thành nạn nhân của vấn nạn này lại không hề dễ dàng./.

Lam Khánh

Bài cuối: Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-luc-mang-leo-thang-bai-2-nhieu-khe-tim-cong-ly-a31016.html