'Bạo lực mạng' - vấn đề quan tâm
'Không gian mạng không còn là nơi an toàn, khi nó trở thành nơi để nhiều người, nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phỉ báng, kích động bạo lực. Từ những cuộc khẩu chiến, khích bác trên không gian mạng đã trở thành những cuộc ẩu đả, đánh nhau ngoài đời thực' - Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) chia sẻ.
Your browser does not support the audio element.
Học sinh trường TH&THCS Pù Bin, xã Thành Sơn (Mai Châu) tham gia hội thi truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống bạo lực trên môi trường internet.
"Chửi” nhau trên mạng, đánh nhau ngoài đời
Sau khi có lời qua, tiếng lại, dè bỉu, nói xấu nhau trên mạng xã hội, ngày 22/5/2021, tại địa bàn thuộc tổ 1, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình), nữ sinh Ng.A.D (SN 2008) bị Tr.P.U (SN 2008) ở phường Thống Nhất (TP Hòa Bình), hiện là học sinh lớp 7, trường TH&THCS Thống Nhất và M.P.T (SN 2009) ở phường Trung Minh (TP Hòa Bình), hiện là học sinh lớp 6, trường TH&THCS Trung Minh đánh gây thương tích. Tiếp đó, hồi 11h15’ ngày 26/5/2021, tại đường Đà Giang, khu vực tổ 15, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình), Đ.Đ.H (SN 2005), học sinh lớp 10, trường PTDTNT THPT tỉnh bị một nhóm 9 thanh niên ở Hà Nội đánh trọng thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc do trước đó, vào tối 25/5/2021, Lê Gia Huy, trú tại đường Kim Mã, phường Kim Mã, Ba Đình (Hà Nội) có mâu thuẫn với Đ.Đ.H trên mạng xã hội. Cả 2 hẹn gặp nhau tại đường Đà Giang, thuộc khu vực phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình). Tại đây, cả 2 xảy ra xô xát, đánh nhau. Sau đó, Lê Gia Huy gọi cho nhóm bạn từ Hà Nội lên để giải quyết mâu thuẫn với Đ.Đ.H bằng tay, chân và nắm đấm... Gần đây, hồi 11h20’ ngày 30/11/2021, tại khu 1, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy), do có những lời lẽ xúc phạm nhau trên mạng xã hội dẫn đến mâu thuẫn cá nhân, Bùi Văn K. (SN 1984), trú tại xã Lạc Lương (Yên Thủy) bị một nhóm thanh niên (chưa xác định được nhân thân) dùng dao, kiếm tự chế và gậy đánh. Hậu quả làm Bùi Văn K. bị thương, cấp cứu tại bệnh viện huyện.
Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, bạo lực mạng hiện là vấn đề rất đáng quan tâm. Trên thực tế, nhiều trường hợp có mâu thuẫn, chửi bới, nói xấu nhau trên mạng xã hội, sau đó là những "cuộc chiến" trực tiếp, nhẹ thì bằng tay chân, nặng thì bằng các loại hung khí có sức sát thương cao như dao, kiếm, gậy gộc...
Ứng xử văn minh trên không gian mạng, giảm hành vi bạo lực
"Môi trường không gian mạng cũng giống như thực tế cuộc sống, là nơi để mọi người học hỏi, giao lưu, kết bạn. Tuy nhiên, thế giới ảo cũng có những mặt trái. Đáng buồn là nhiều người, nhất là các bạn trẻ, lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên tiếp cận thế giới ảo dưới góc độ những hành vi bạo lực, bị nghiêm cấm. Đáng nói, việc tiếp cận thông tin xấu, độc, hành vi bạo lực diễn ra nhanh chóng, dễ dàng, có xu hướng gia tăng. Điều này làm cho mạng xã hội dần trở thành nơi của bạo lực và rủi ro” - Trung tá Bùi Thị Thanh Hà, Đội phó Đội nghiệp vụ cơ bản, Phòng Cảnh sát hình sự chia sẻ.
Theo thầy giáo Phạm Đức Minh, Phó Hiệu trưởng trường THPT Mường Khến (Tân Lạc), văn minh trên mạng là lĩnh vực khó kiểm soát bằng luật pháp. Bởi vậy, để ngăn chặn bạo lực trên môi trường internet thì giải pháp chính là giáo dục. Hiện nay, việc sử dụng ineternet đối với học sinh nói riêng và xã hội nói chung rất phổ biến. Do vậy, vấn đề giáo dục về internet rất quan trọng. Việc giáo dục sẽ giúp người sử dụng internet, nhất là con em trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh có hiểu biết khi sử dụng internet. Nhiều người dùng internet lành mạnh thì các nội dung lành mạnh sẽ lấn át nội dung xấu. Hơn nữa, việc giáo dục góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dùng có ý thức, tự biết ngăn chặn, triệt tiêu các hành vi bạo lực và nguy cơ dẫn đến bạo lực như đe dọa, thách thức, xúc phạm nhau trên mạng; không quay, chụp, phát tán, bình phẩm các hình ảnh bạo lực; không lợi dụng mạng xã hội để tham gia, kích động, kêu gọi, lôi kéo, chia sẻ nội dung liên quan đến bạo lực, nhất là bạo lực học đường...
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/161468/bao-luc-mang-van-de-quan-tam.htm