Bạo lực súng đạn tại Mỹ khiến nhiều người chết hơn bao giờ hết
Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên JAMA Network Open ngày 29/11, từ năm 1990 cho đến nay, đã có ít nhất 1 triệu người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn tại Mỹ.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ tử vong do súng đã tăng đối với hầu hết các nhóm nhân khẩu học trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Tiến sĩ Eric Fleegler, bác sĩ cấp cứu nhi khoa của Bệnh viện Nhi đồng Boston, cho biết: “Nước Mỹ đang ở một thời điểm mới trong lịch sử tử vong do súng đạn. Tại thời điểm này, chúng tôi đã chứng kiến xu hướng gia tăng mạnh mẽ chưa từng có. Trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 từ năm 2019 đến năm 2021, chúng tôi đã chứng kiến số ca tử vong tăng hơn 25%. Điều đó chưa bao giờ xảy ra”.
Nhìn chung, nam giới có nguy cơ cao hơn đáng kể. Theo nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần 86% tổng số ca tử vong do súng kể từ năm 1990 là nam giới. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ dùng súng giết người cao nhất trong nhóm nam giới da màu và tỷ lệ tự sát bằng súng cao nhất thuộc về nhóm nam giới da trắng.
Tỷ lệ dùng súng giết người ở cả nam và nữ tăng gần gấp đôi từ năm 2014 đến năm 2021, nhưng nam giới vẫn có nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần so với nữ giới. Tỷ lệ tự sát bằng súng ở nam giới cũng cao gấp 7 lần so với nữ giới trong năm 2021. Tỷ lệ tự tử bằng súng ở phụ nữ cũng ngày càng tăng theo thời gian.
Sự chênh lệch giữa tỷ lệ tử vong do súng đạn khi xét về các nhóm chủng tộc thậm chí còn rõ ràng hơn. Trong nhóm nam thanh niên da màu, cứ 100.000 nam giới từ 20 đến 24 tuổi thì có 142 vụ tử vong, cao hơn gần 10 lần so với tỷ lệ tử vong do súng nói chung ở Mỹ vào năm 2021. Khu vực thành thị cũng có tỷ lệ tử vong do súng cao hơn khu vực nông thôn.
Jonathan Jay, Phó Giáo sư tại Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston, cho biết có hai yếu tố chính thúc đẩy bạo lực súng đạn trong cộng đồng: những bất lợi trong môi trường sống và mức độ tiếp xúc với bạo lực súng đạn ở cấp cá nhân.
Theo ông Jay, đại dịch khiến cho con người tiếp xúc với nhiều thứ mang đến cảm giác bất an và điều đó có thể thúc đẩy mỗi cá nhân mong muốn sở hữu vũ khí để bảo vệ bản thân.
Những thách thức về sức khỏe tâm thần gia tăng trong suốt thời kỳ đại dịch và bạo lực gia tăng. Tuy nhiên, theo một phân tích riêng biệt từ các nhà nghiên cứu Đại học Johns Hopkins, súng khiến những thứ đó trở nên nguy hiểm hơn đáng kể.
Tỷ lệ tự sát bằng súng tăng 10%, còn tỷ lệ tự sát không dùng súng giảm 8%. Tỷ lệ giết người bằng súng tăng 45%, còn tỷ lệ giết người không dùng súng chỉ tăng 6%.
Ari Davis, Cố vấn chính sách tại Trung tâm Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg về Giải pháp Bạo lực Súng, cho biết: “Những gì chúng ta chứng kiến là các yếu tố gây căng thẳng về kinh tế và xã hội trong thời kỳ đại dịch đã làm trầm trọng thêm vấn nạn này. Những yếu tố gây căng thẳng giống nhau – cách ly xã hội, cắt giảm các dịch vụ xã hội và hỗ trợ – là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo lực”.