Bạo lực thách thức tinh thần khoan dung Ấn Độ
Làn sóng bạo lực bùng phát ở một số khu vực phía Đông Bắc thủ đô New Delhi của Ấn Độ từ đầu tuần tới nay sau các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ và phản đối Luật quốc tịch sửa đổi (CAA) mà quốc gia đông dân thứ hai thế giới mới ban hành hồi tháng 12/2019, đã gây tình trạng bất ổn nghiêm trọng tại nước này.
Những người biểu tình từ cả hai phía ném đá vào nhau và xung đột bằng gậy gộc, thậm chí là súng và kiếm. Lực lượng an ninh đã cố gắng giải tán đám đông, song bị áp đảo về số lượng. Tính đến ngày 28/2, ít nhất 39 người đã thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, nhiều nhà cửa, hàng quán và phương tiện bị đốt phá.
Đây là tình trạng bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập niên tại quốc gia Nam Á, nơi thấm đẫm tinh thần khoan dung và bất bạo động kể từ sau các vụ tấn công chống người Sikh hồi giữa thập niên 80 của thế kỷ trước. Đến nay, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai hàng loạt biện pháp để kiểm soát tình hình, ngăn chặn bạo lực và đảm bảo khôi phục lòng tin. Tuy nhiên, tranh cãi chưa có hồi kết liên quan tới CAA đang thách thức tinh thần khoan dung Ấn Độ.
Tháng 12/2019, Hạ viện và Thượng viện Ấn Độ đã thông qua Luật Công dân sửa đổi năm 2019 (CAA 2019). Đây là đạo luật thay thế cho Luật Công dân năm 1955. Dự luật này đã được đệ trình lên Quốc hội Ấn Độ lần đầu tiên hồi tháng 7/2016 nhưng bị thượng viện bác bỏ do vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập dù đã được hạ viện thông qua. Tại thời điểm đó, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) và liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) của Thủ tướng Narendra Modi chưa giành quyền kiểm soát tại thượng viện.
Sau khi dự luật được thông qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố việc ban hành CAA là bước ngoặt đối với Ấn Độ cũng như tinh thần nhân ái và tình anh em của đất nước. Ông Modi cho rằng CAA sẽ làm giảm bớt sự đau khổ của nhiều người khi phải đối mặt với nạn khủng bố trong nhiều năm qua. Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết sau khi CAA 2019 có hiệu lực, số lượng người nhập cư sẽ trở thành công dân Ấn Độ tăng lên khoảng trên 31.000 người. Tuy nhiên, con số này thực tế có thể sẽ lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người.
Theo Luật Công dân 1955, một người nước ngoài được xem xét cấp quốc tịch Ấn Độ khi họ sinh ra tại Ấn Độ hoặc sinh sống liên tục hoặc làm việc cho Chính phủ Ấn Độ liên tục ít nhất 11 năm. Các Đạo luật người nước ngoài (1946) Đạo luật hộ chiếu (Nhập cảnh vào Ấn Độ) năm 1920 quy định người nhập cư bất hợp pháp là người nhập cảnh vào Ấn Độ mà không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, hoặc không có giấy tờ nhập cảnh hợp pháp, hoặc nhập cảnh với giấy tờ hợp lệ nhưng lưu trú vượt quá thời gian quy định. Những người nhập cư bất hợp pháp không được phép trở thành công dân Ấn Độ và sẽ bị trục xuất hoặc bắt giam.
Theo CAA 2019, Ấn Độ sẽ cấp quyền công dân (quốc tịch Ấn Độ) cho những người tị nạn, nhập cư là người Hindu, Sikh, Phật giáo, Jain, Parsi và Thiên Chúa giáo đến từ ba nước Afghanistan, Bangladesh và Pakistan nếu họ nhập cảnh vào Ấn Độ trước ngày 1/1/2015 và chứng minh được mình là nạn nhân của các cuộc đàn áp tôn giáo tại quê nhà. CAA 2019 miễn trừ áp dụng đối với các khu vực bộ lạc theo một số quy định tại Phụ lục 6 Hiến pháp và tại “Đường ranh giới nội địa” thuộc “Quy định về đường biên giới phía Đông của bang Tây Bengal năm 1873.
Như vậy, điểm nổi bật của CAA 2019 là đã loại trừ người Hồi giáo và những người đến từ các nước khác ngoài ba quốc gia láng giềng kể trên ra khỏi diện các đối tượng có thể được xem xét cho nhập quốc tịch Ấn Độ. Điều này gây tranh cãi về việc tại sao người Hồi giáo bị loại trừ và tại sao chỉ có người tị nạn đến từ ba nước là Bangladesh, Afghanistan, Pakistan mà không có các nước khác như Sri Lanka và Myanmar.
Trong nội bộ Ấn Độ, ngay từ khi được đề xuất, CAA 2019 vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các bang khu vực Đông Bắc. Người dân Đông Bắc cho rằng, dự luật này chủ yếu mang lại lợi ích cho những người Hindu di cư bất hợp pháp đến từ Bangladesh, những người đã định cư với số lượng lớn tại đây.
Người dân tại khu vực này lo sợ về nguy cơ số người nhập cư được hợp pháp hóa sẽ đông hơn cả người bản địa, nhất là người nhập cư nói tiếng Bengali từ Bangladesh vào bang Assam sau khi quốc gia láng giềng giành độc lập năm 1973, cũng như nguy cơ từ "sự xâm lăng", lấn át, thậm chí thống trị của văn hóa Hindu do những người di cư mang đến đối với nền văn hóa bản địa. Trong khi cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ với gần 200 triệu tín đồ, lớn thứ hai ở nước xét về tôn giáo (chiếm 14% tổng dân số 1,3 tỷ người tại Ấn Độ), cho rằng họ bị phân biệt đối xử, nhiều cộng đồng Hindu cũng phản đối CAA bởi lo ngại bị những người nhập cư lấn át nếu họ được cấp quyền công dân. Nhiều cuộc biểu tình lớn và đụng độ đã nổ ra dẫn tới một số thương vong.
Các đảng đối lập ở Ấn Độ phản đối CAA, cho rằng việc thông qua đạo luật này là hành động vi hiến bởi nó mang động cơ chính trị và phân biệt tôn giáo, đi ngược lại các giá trị nền tảng của Ấn Độ, làm tổn thương tinh thần chung của người Ấn Độ. Những ý kiến phản đối cho rằng Chính phủ của Thủ tướng Modi đã lạm dụng quyền lực để thúc đẩy và khuếch trương “chủ nghĩa dân tộc đại Hindu”, gây ra bất bình đẳng và khoét sâu vào mâu thuẫn tôn giáo, chia rẽ nội bộ Ấn Độ. Thậm chí một đảng chính trị đã đệ đơn kiến nghị Tòa án Tối cao tuyên bố dự luật này là vi hiến. Các chính trị gia và giới nổi tiếng chỉ trích CAA làm tổn thương tinh thần chung của người Ấn Độ.
Hơn 700 nhà khoa học và học giả nổi tiếng của Ấn Độ cũng lên tiếng bày tỏ phản đối CAA. Nhà khoa học chính trị Pratap Bhanu Mehta đánh giá CAA vi phạm hiến pháp Ấn Độ, nơi đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật cho tất cả mọi người trong nước. Luật sư Gautam Bhatia từ Delhi cho rằng với việc chia người nhập cư thành những người Hồi giáo và không phải Hồi giáo, Chính phủ của Thủ tướng Modi đã công khai thể hiện sự phân biệt đối xử tôn giáo và tìm cách luật hóa điều đó. Theo chuyên gia luật trên, điều này là vi phạm hiến pháp.
Trên trường quốc tế, ngay từ những ngày đầu, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh đã hủy các chuyến thăm tới Ấn Độ. Theo giới phân tích, đây là động thái của Bangladesh nhằm phản đối CAA 2019 và các phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah liên quan tới chủ đề "đàn áp tôn giáo" tại Bangladesh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng hủy hội nghị thượng đỉnh thường niên với người đồng cấp Ấn Độ Modi do lo ngại bạo lực liên quan tới CAA. Tại Mỹ, nhiều tiếng nói kêu gọi Tổng thống Donald Trump xem xét áp dụng các biện pháp cấm vận đối với ông Shah, cho rằng CAA là “bước ngoặt nguy hiểm”, đi ngược lại lịch sử đa dạng tôn giáo lâu đời của Ấn Độ.
Các cuộc biểu tình và xung đột liên quan tới CAA diễn ra tại nhiều địa phương và kéo dài ngay từ khi dự luật được Quốc hội Ấn Độ xem xét, dù động cơ và lập trường phản đối khác nhau. Chính quyền trung ương đã có nhiều động thái trấn an dân chúng và phòng chống biểu tình như tạm đình chỉ thi hành CAA, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức biểu tình ủng hộ CAA với quy mô lớn, triển khai tăng cường các lực lượng thực thi pháp luật... nhưng diễn biến trong tuần này tại Đông Bắc New Delhi cho thấy các giải pháp được áp dụng là chưa đủ hiệu quả.
Trước tình hình bạo lực gia tăng, đêm 27/2, Bộ Nội vụ Ấn Độ (MHA) tuyên bố triển khai 70 đại đội bán quân sự gồm 7 nghìn binh sĩ tới khu vực. Hơn 510 nghi can đã bị bắt giữ để thẩm vấn và con số này sẽ còn tăng khi cuộc điều tra được tiến hành. Chính phủ Ấn Độ đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA) Ajit Doval trực tiếp thị sát và chỉ đạo quá trình khôi phục trật tự. Trước đó một ngày, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal đã kêu gọi Chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội tại các khu vực trong địa phận thủ đô.
Bên cạnh sức ép do làn sóng bạo lực trong nước, New Delhi cũng đang phải đối mặt với những ý kiến chỉ trích từ bên ngoài, nhất là của các nước và các tổ chức Hồi giáo. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar, những tuyên bố của quốc tế liên quan tới vấn đề này dường như nhằm chính trị hóa vấn đề.
Trên thực tế, các cuộc biểu tình bạo lực phản đối CAA được xem là thách thức lớn nhất hiện nay đối với Thủ tướng Narendra Modi. Đây cũng là "phép thử" đối với nhà lãnh đạo theo đường lối chủ nghĩa dân tộc Hindu này, trong bối cảnh đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền của ông Modi đã liên tiếp chịu thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương kể từ tháng 12 năm ngoái. Thất bại mới nhất là trong cuộc bầu cử ở vùng lãnh thổ thủ đô Delhi ngày 8/2 vừa qua. Đây là thất bại thứ sáu của BJP trong các cuộc bầu cử địa phương trong 13 tháng qua, bất chấp việc đảng này giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử hạ viện hồi tháng 5/2019.
Tới nay, Chính phủ Ấn Độ luôn khẳng định CAA là không thể đảo ngược và kiên quyết bảo lưu. Do đó, giải pháp trước mắt sẽ hướng tới việc kiểm soát tình hình và thực thi pháp luật trong khi chờ đợi một giải pháp lâu dài, được sự chấp nhận và ủng hộ của đông đảo nhân dân và các lực lượng chính trị.