Bạo lực vô nghĩa đến từ đâu?
Khoảng ba tuần lễ trước ngày 21 tháng 3 năm 2005, một nhóm học sinh cấp 3 tụ tập ở nhà nhau và rồi một cậu bé trong số chúng mang tới một chiếc đĩa phim kể về một vụ xả súng trong trường học. Cậu tua đến đúng cảnh hai học trò cầm súng giết bạn bè và các thầy giáo của mình không gớm tay.
Mọi người cùng bàn về bộ phim, không cảm thấy điều gì khác lạ, cho đến khi chính người bạn ấy dùng khẩu súng lục 22 ly giết ông nội mình ở nhà rồi đến trường trung học Red Lake, bang Minnesota, Mỹ và cướp đi tính mạng của năm học sinh, một thầy giáo và một người bảo vệ. Những nhân chứng nói cậu ta đã vừa bóp cò vừa mỉm cười.
Bộ phim mà cậu đã cho bạn bè xem trước đó chính là “Elephant” (Voi) của đạo diễn Gus Van Sant, một bộ phim từng đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Cannes năm 2003, lấy cảm hứng từ vụ xả súng trường Columbine, vụ xả súng kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử Mỹ. Nếu không đọc trước tóm tắt phim mà chỉ tình cờ mở cuốn phim lên xem, có lẽ ta sẽ sớm bỏ cuộc trong khoảng vài chục phút đầu vì gần như không có điều gì đặc biệt diễn ra cả, chỉ là một ngày như bao ngày của các học sinh và thầy cô giáo. Những mâu thuẫn vặt vãnh của những cô nàng xinh đẹp. Những trò bắt nạt học đường. Những đứa nổi bật và những đứa cô đơn. Những đôi bạn trẻ đang nếm trải mối tình đầu. Thầy giáo đang giảng về hành trạng của các hạt electron. Học trò đi muộn bị thầy hiệu trưởng quở trách. Có cả một thước phim dài liền tù tì 6 phút chỉ có một cậu học sinh đi quanh trường trong tiếng nhạc nền là bản Sonate Ánh trăng của Beethoven. Tất cả chỉ có thế cho tới khi hai kẻ sát nhân thiếu niên lừng lững bước vào trường nhắm bắn từng người mình thấy.
Cố nhà văn Joan Didion từng viết trong hồi ký nổi tiếng của bà, rằng “khi thảm họa xảy đến bất ngờ, con người ta thường không hiểu nổi tại sao những điều không tưởng lại có thể xảy ra trong tình huống bình thường đến vậy”. Bộ phim này chính là như thế, ngay cả những kẻ giết người dường như cũng có gương mặt rất bình thường, nếu không cầm súng có lẽ chúng cũng lẫn vào đám bạn học của mình. Và nếu vậy thì thứ bạo lực vô nghĩa ấy đến từ đâu, giữa tất cả những điều tưởng như rất bình thường, giữa một ngày đẹp trời bình thường tới vậy?
Gus Van Sant không cố gắng giải thích điều đó. Ông chỉ cài cắm một vài chi tiết lướt qua về cách mà hai kẻ sát nhân đã từng chơi những trò điện tử bạo lực, cách chúng xem những thước phim tài liệu cũ về Adolf Hitler, cách chúng khao khát tình dục ở tuổi mới lớn, cách chúng mua sắm vũ khí trên mạng đơn giản như ta mua một cái bát hay một bộ đồ. Có lẽ là chúng tâm thần, có lẽ thế.
Rất nhiều nhà làm phim đương đại lớn đã cố gắng đi tìm lời giải thích tại sao. Bởi ngay cả những nhân vật của Dostoevsky khi lên cơn điên cũng không điên một cách bài bản và tính toán kỹ càng như những kẻ xả súng giết người vô tội trong đời thật, và cũng không máu lạnh vô thần đến thế. Ngay cả khủng bố còn có thể vin vào những niềm tin tôn giáo cực đoan, nhưng những học sinh giết người này thì thế nào? Chúng tin vào điều gì? Chúng vin vào cớ nào? Tại sao những điều vô lý ấy lại diễn ra và có cách nào ngăn chặn được không?
Theo Lynn Ramsay, có lẽ chẳng có cách nào. Có những thứ biến thái đã nằm trong mã gene, đã do trời định. Trong bộ phim “We need to talk about Kevin” (Chúng ta cần nói về Kevin) của bà, một người mẹ hồi tưởng lại ký ức về đứa con sát nhân của mình từ khi nó được sinh ra cho đến khi nó dần lớn lên và giết chóc. Ngay từ khi còn nằm nôi, đứa bé dường như đã có một âm mưu của nó, nó căm ghét mẹ, âu yếm cha. Nó từ chối không gọi mẹ là mẹ, từ chối những hành động yêu thương của cô, lần duy nhất nó ôm cô là khi nó còn chưa biết đọc, cô đọc cho nó nghe câu chuyện về Robin Hood thi tài bắn cung của hoàng tử John. Nó ôm cô vì dường như nó đã lờ mờ nhận ra nó sẽ lấy mạng kẻ khác bằng cách nào. Sau này, trước khi bước sang tuổi 18, nó cầm theo cây cung mà bố mua tặng, giương cung bắn chết ông, bắn chết cả đứa em gái, những người luôn yêu thương dịu dàng với nó, rồi đến trường, lùa bạn học vào sân bóng rổ, bắn chết chúng như đang đi săn hươu nai vậy.
Và nếu sát nhân đã là điều nằm trong máu thì ta có thể làm gì? Chẳng làm gì cả. Người mẹ trong “We need to talk about Kevin” không vô can, có thể cô không đủ kiên nhẫn, không đủ thấu cảm, nhưng sau cùng, cô làm gì được. Khi gặp lại đứa con trai nay đã mãi mãi bị bắt giam, cô hỏi nó rốt cuộc là tại sao nó làm thế. Nó chỉ nói vỏn vẹn rằng: “Con đã từng nghĩ con biết tại sao, nhưng giờ con không chắc nữa”. Cái ác vô nghĩa và mãi mãi vô nghĩa, cứ coi nó căm ghét thế giới đi, nhưng hẳn cũng không có một sự căm ghét nào đủ tàn bạo để cầm cung giết người, nó phải đến từ một điều gì vô đáy hơn, mông lung hơn, hỗn độn hơn.
Với Denis Villeneuve, đạo diễn của “Polytechnique”, ông kể lại sự kiện thảm sát sinh viên nữ có thật ở một trường đại học bách khoa, và ngay từ khi vừa vào phim, ông đã khắc họa nhân vật chính là kẻ chống nữ quyền, ghê tởm phụ nữ đến cùng cực. Hắn độc thoại thế này: “Tại sao tôi phải sống tạm chỉ để làm hài lòng chính phủ? Trời sinh đã là một người bảo thủ, trừ trong khoa học, tôi đã luôn bị những kẻ theo chủ nghĩa nữ quyền chọc giận. Chúng luôn muốn mưu lợi cho phái nữ, đòi đóng bảo hiểm thấp, rồi nghỉ thai sản trước và sau sinh. Trong khi chúng luôn vồ lấy những lợi ích của đàn ông.” Vậy là hắn bước vào một lớp học, kêu tất cả nam giới đi ra rồi làm một tràng súng kết liễu những sinh viên nữ mà không để họ nói bất cứ điều gì thành câu hoàn chỉnh. Hắn giết phụ nữ không hẳn chỉ vì hắn căm ghét họ mà còn vì hắn sợ hãi họ, sợ rằng họ sẽ lấy lại thế giới nam trị của hắn. Nỗi sợ hãi, và hơn hết, nỗi sợ hãi ảo tưởng, theo Villeneuve, là nguyên nhân thẳm sâu sau bạo lực vô tri. Đây là một kiến giải vô cùng quan trọng.
Tính trung bình, không tuần lễ nào ở Mỹ là không có những vụ xả súng giết người hàng loạt. Có lẽ không một quốc gia phát triển nào mà đôi khi, chỉ bước ra đường đi siêu thị, đi học, đi lên giảng đường hay giúp đỡ một người cũng là mạo hiểm tính mạng bản thân. Chúng ta quá quen với những lý giải liên hệ tâm thức bạo lực ấy với phim ảnh đánh đấm, với nhạc metal, với việc sở hữu súng đạn quá dễ dàng, với Tu Chính Án thứ hai, với cả lịch sử gây chiến đẫm máu của nước Mỹ.
Những lý giải ấy tưởng chừng rất hiển nhiên và không thể khác được, nhưng Michael Moore nghi ngờ rằng chúng chỉ là những lời đổ tội thiếu căn cứ. Hành trình khám phá động cơ của hai kẻ sát nhân 18 tuổi trong vụ thảm sát Columbine và những vụ xả súng kinh hoàng khác được ông ghi lại trong “Bowling for Columbine”, một trong những bộ phim tài liệu hay nhất, khai sáng nhất mọi thời đại.
Là thứ âm nhạc hư vô như đến từ thần chết của Marilyn Manson đã khiến chúng muốn giết người ư? Ông đặt câu hỏi. Nhưng người Đức còn nghe Manson ác liệt hơn người Mỹ. Là do phim ảnh và game bạo lực ư? Nhưng có phải chỉ mình người Mỹ xem phim và chơi game? Nhật Bản còn có những bộ phim và video game bạo lực đến dị hợm hơn nhiều. Là lịch sử vốn nhuốm máu của nước Mỹ? Nhưng nước Đức cũng có Hitler đấy thôi, và Ý thì có Mussolini. Vì sở hữu súng đạn quá dễ dàng? Nhưng người dân Canada cũng sở hữu rất nhiều súng đạn, Michael Moore thậm chí còn mua được đạn trong một siêu thị Kmart bình thường trong một tỉnh của Canada ở lân cận biên giới Mỹ. Nhưng số người chết trong những vụ xả súng ở các quốc gia này chỉ bằng vài phần trăm, thậm chí không phẩy mấy phần trăm ở nước Mỹ. Nếu là vậy, hẳn có một nguyên do sâu xa hơn.
Ngày xảy ra vụ thảm sát Columbine cũng là ngày mà Tổng thống Clinton ra lệnh đánh bom Kosovo nhiều nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh Nam Tư. Nơi mà hai kẻ sát nhân sinh sống, thành phố Littleton ở bang Colorado cũng là nơi đặt một nhà máy lớn sản xuất vũ khí và tên lửa. Khi xuất xưởng, chúng cũng được đưa tới Kosovo. Đúng là người Đức cũng có lịch sử gây chiến, nhưng nếu như nỗi sợ hãi Do Thái của người Đức chỉ là nhất thời thì nỗi sợ của người Mỹ dường như là cố hữu. Họ sợ điều gì?
Michael Moore dành vài phút kể lại lịch sử hình thành nước Mỹ qua một đoạn phim hoạt hình ngắn, từ thời khai quốc, khi những người da trắng giong buồm qua Đại Tây Dương, đặt chân lên châu Mỹ và sợ hãi những người bản địa đến mức thảm sát họ, tới khi xây dựng đế chế họ lại ép người châu Phi trở thành nô lệ và luôn nơm nớp họ vùng dậy trả thù.
Những nỗi sợ hãi chồng chất lên nhau và người Mỹ luôn có đủ lý do để sợ, sợ những kẻ khủng bố, sợ những kẻ nhập cư. Những bản tin thời sự ở Mỹ tràn đầy những điều đáng sợ, cả ở bên ngoài biên giới, cả ở bên trong lãnh thổ, ngay cả quảng cáo ở Mỹ cũng đầy thông điệp gây sợ hãi, như một hãng thuốc đánh răng đe dọa “nếu bạn có hơi thở không thơm tho, người ta sẽ không nói chuyện với bạn”. Theo Moore, vì sợ hãi nên họ luôn muốn gây chiến trước, hoặc sẵn sàng bắn trước rồi hỏi sau, họ cần súng vì cần cảm giác được bảo vệ, điều khác biệt với những người hàng xóm ở Canada, những người sở hữu súng để đi săn chứ không hẳn để tự vệ, họ còn thường xuyên ra khỏi nhà mà không khóa cửa nữa kìa.
Khi mở rộng kết luận của Moore ra ngoài bối cảnh Mỹ thì điều ấy có vẻ như cũng đúng. Câu thành ngữ “tấn công là cách phòng thủ tốt nhất” luôn xuất hiện ở mọi nơi, trong thể thao, trong quân sự, trong cả những mâu thuẫn vặt vãnh tầm thường. Vì sợ hãi bị tấn công mà người ta chọn cách tấn công trước.
Nhưng Moore cũng để ngỏ một khả năng khác về nguồn gốc bạo lực vô nghĩa: bowling. Trước khi cầm súng thảm sát trường học Columbine, hai kẻ sát nhân đi chơi bowling, môn học mà bình thường chúng chẳng mấy khi hứng thú. Ai biết đuợc, có thể là tại Manson, có thể là tại Clinton, có thể là tại nỗi sợ, mà có khi, có thể là vì những trái bowling ấy.
Sau rốt, với những kẻ vô tri, sự sống cũng chỉ vô nghĩa như những con ki gỗ bị trái bowling xô đổ, để rồi tất cả cùng biến mất hút vào vùng đen vô tận - cả những con ki, cả trái bowling.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/bao-luc-vo-nghia-den-tu-dau--i657100/