Bão mạnh như bão Yagi ở Biển Đông là một ngoại lệ hay sẽ ngày càng nhiều hơn?

Cơn bão Yagi (bão số 3) đã gây thiệt hại rất lớn cả về người và của ở nước ta, và trước đó là ở Philippines và Trung Quốc. Một cơn bão mạnh như thế ở Biển Đông là hiện tượng hiếm, hay thực ra có khả năng xuất hiện ngày càng nhiều?

Bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề ở những nước mà nó đi qua, bao gồm Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Tại nước ta, công tác chuẩn bị và ứng phó với bão của các cơ quan chức năng đều rất tích cực, nhưng vẫn không tránh khỏi những tổn hại do thiên tai.

Vậy một cơn bão mạnh như Yagi ở Biển Đông có phải là trường hợp hiếm không?

Thực tế, một siêu bão dữ dội như Yagi không phải là hiếm như nhiều người nghĩ, vì phía Tây Thái Bình Dương từ lâu vốn được biết là có khả năng “nuôi dưỡng” những cơn bão mạnh nhất Trái Đất. Thậm chí, ở khu vực này có tỷ lệ siêu bão cao ở mức đáng sợ.

Người dân Bãi Cháy (Quảng Ninh) dọn dẹp sau khi bão đi qua. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/ TPO.

Người dân Bãi Cháy (Quảng Ninh) dọn dẹp sau khi bão đi qua. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng/ TPO.

Theo trang Wired, các nhà khí tượng đã ghi nhận hàng trăm siêu bão ở Tây Thái Bình Dương từ năm 1945 đến 2022. Hơn 200 trong số đó trở thành bão Cấp 5 (sức gió duy trì mạnh nhất từ 252 km/h trở lên), là cấp cao nhất trên thang đo Saffir-Simpson (vẫn được dùng ở Mỹ). Con số này ở Đại Tây Dương thấp hơn nhiều, và bão lớn ở Đại Tây Dương thường duy trì sức mạnh trong khoảng thời gian ngắn hơn bão ở Tây Thái Bình Dương.

Bản đồ 202 siêu bão mạnh ngang bão Cấp 5 ở khu vực Tây Thái Bình Dương từ năm 1945 đến 2022. Ảnh: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Bản đồ 202 siêu bão mạnh ngang bão Cấp 5 ở khu vực Tây Thái Bình Dương từ năm 1945 đến 2022. Ảnh: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Vậy tại sao ở Tây Thái Bình Dương lại có nhiều bão dữ như vậy? Đó là do những cơn bão có tiềm năng trở nên rất mạnh thực ra lại đòi hỏi một số điều kiện quan trọng để phát triển.

Nước ấm là điều kiện rất cần thiết, và đây chính là điều đáng quan tâm vì ở Đông Nam Á, giống như ở nhiều nơi khác trên thế giới, đã có nhiệt độ bề mặt nước biển tăng trong cả năm qua. Nhiệt độ nước biển từ 29oC trở lên có thể cho các cơn bão năng lượng mà chúng cần, mà hiện tại, nước biển quanh Philippines có nhiệt độ trung bình là 31oC.

Một người dân ở tỉnh Rizal (Philippines) bám vào cái nồi khi lội trên đường phố ngập lụt vì mưa do bão Yagi (ở Philippines gọi là bão Enteng). Ảnh: Aaron Favila/ AP.

Một người dân ở tỉnh Rizal (Philippines) bám vào cái nồi khi lội trên đường phố ngập lụt vì mưa do bão Yagi (ở Philippines gọi là bão Enteng). Ảnh: Aaron Favila/ AP.

Ngoài ra, bão còn cần nhiều hơi ẩm. Ở Đại Tây Dương, bão gặp nhiều khó khăn hơn do có những luồng không khí khô từ sa mạc Sahara ở châu Phi và không khí lạnh quét qua nước Mỹ.

Nhưng ở Tây Thái Bình Dương thì khác. Nhiều nơi tại Đông Nam Á có không khí ẩm quanh năm, nên một số siêu bão tàn khốc nhất xảy ra ngay cả trong những tháng ít nóng, như siêu bão Rai (tháng 12/2021) và Haiyan (11/2013), khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Điều kiện ở Tây Thái Bình Dương thuận lợi cho bão như vậy nên ở đây có thể hình thành hàng chục cơn bão mỗi mùa. Số lượng bão nhiều thì rõ ràng cũng làm tăng tỷ lệ bão mạnh, tàn phá kinh hoàng nếu đổ bộ.

Cây cối bị bật gốc trên phố khi bão Yagi gây gió mạnh ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: Meng Zhongde/ VCG/ AP.

Cây cối bị bật gốc trên phố khi bão Yagi gây gió mạnh ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Ảnh: Meng Zhongde/ VCG/ AP.

Tuy nhiên, một cơn bão như bão Yagi vẫn được coi là một ngoại lệ.

Theo kênh NHK, ông Tsuboki Kazuhisa, giảng viên ở ĐH Quốc gia Yokohama (Nhật Bản), đã phân tích đường đi của các siêu bão từ năm 1980 đến 2023 và thấy chúng thường đi trên vùng biển giữa phía Đông Philippines và phía Nam của quần đảo Nansei (Nhật Bản), mỗi năm 1 - 2 lần; còn một cơn bão mạnh như Yagi đi trên Biển Đông thì có thể nói là cực kỳ hiếm. Ông Kazuhisa cho rằng, chính nhiệt độ bề mặt nước biển cao hơn bình thường - hiện tại là khoảng 30oC - là một trong những điều kiện chính khiến bão Yagi tăng cường độ rồi giữ sức mạnh lâu như vậy.

Một chiếc ô tô bị cây đổ đè trúng sau khi bão Yagi vào Hà Nội (Việt Nam). Ảnh: Tran Quoc Viet/ VNA via AP.

Một chiếc ô tô bị cây đổ đè trúng sau khi bão Yagi vào Hà Nội (Việt Nam). Ảnh: Tran Quoc Viet/ VNA via AP.

Dù sao, các chuyên gia khí tượng đều cảnh báo, sự biến đổi khí hậu khiến các cơn bão mạnh cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác xuất hiện ngày càng thường xuyên, người dân ở bất kỳ nước nào cũng cần nâng cao kiến thức phòng tránh, và khi có hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương thì cần nhanh chóng làm theo để giữ an toàn, giảm thiểu thiệt hại.

Thục Hân

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/bao-manh-nhu-bao-yagi-o-bien-dong-la-mot-ngoai-le-hay-se-ngay-cang-nhieu-hon-post1671115.tpo