Bảo mật dữ liệu nhìn từ vụ lộ 10.000 CMND và clip diễn viên 'Về nhà đi con'
Người Việt chưa có ý thức bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ việc xâm phạm vào quyền riêng tư, trong khi chính nạn nhân cũng không nhận thức rõ ràng về điều đó.
Trong buổi tọa đàm về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được tổ chức chiều 15/6, ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, việc lộ lọt dữ liệu cá nhân, từ đó ảnh hưởng đến quyền riêng tư đang xảy ra phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những báo cáo mới đây của IPS cho thấy, hai xu hướng vi phạm quyền riêng tư phổ biến tại Việt Nam là mua bán dữ liệu cá nhân và thông tin cá nhân bị thu thập tràn lan trên các mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, trong Luật An toàn thông tin có quy định, bên thu thập muốn chuyển giao dữ liệu cho một bên khác thì phải có sự đồng ý của người chủ thông tin. Đa phần các trường hợp thông tin bị mua bán đều không có sự đồng ý của người chủ thông tin, ở những vụ việc như vậy, dấu hiệu vi phạm pháp luật khá rõ ràng.
Ở một khía cạnh khác, nhận thức về quyền của người sử dụng thông tin tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này có thể nhìn từ vụ việc lộ clip nhạy cảm của V.T.A.T – nữ diễn viên từng đóng một vai nhỏ trong bộ phim truyền hình Về nhà đi con.
Đã có những thông tin cho rằng, đoạn clip nhạy cảm của chị T bị phát tán sau khi công an phường thu giữ điện thoại của chị kèm mật khẩu điện thoại. Lãnh đạo Công an Hà Nội sau đó khẳng định thông tin cán bộ công an có liên quan đến vụ việc phát tán clip nhạy cảm là tin đồn thất thiệt.
Bình luận về sự việc này, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, việc V.T.A.T giao nộp mật khẩu điện thoại như lời cô này chia sẻ cho thấy nữ diễn viên này chưa có nhận thức về quyền tự bảo vệ thông tin của mình.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên Hội đồng Khoa học IPS, vấn đề về quyền riêng tư và bí mật cá nhân được ghi nhận bắt đầu tại Anh từ thế kỷ 13. Khi đó, người ta nhận thấy con người có thể bị tấn công, điều khiển và mất đi bản ngã của mình nếu mất quyền riêng tư.
Đó là lý do các khuôn khổ pháp lý về vấn đề quyền riêng tư đã được hình thành từ rất lâu trên thế giới. Tại Việt Nam, bộ Luật Dân sự cũng chỉ rõ, đời sống cá nhân, bí mật riêng tư và bí mật gia đình được bảo vệ và là những quyền dân sự căn bản.
Vị chuyên gia này cho rằng, hàng nghìn năm qua chúng ta sống trong môi trường thực, thao tác thực. Với thế giới mạng, chúng ta mới chỉ có kinh nghiệm trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Trên môi trường mới này, các vi phạm liên quan đến việc bảo mật quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân phức tạp hơn rất nhiều.
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, vấn đề trong những vụ việc này không phải tại công nghệ, bởi đó chỉ là công cụ giúp người ta tương tác. Điều này đặt ra những vấn đề đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp ứng phó nhằm bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân.
Đó là việc thức tỉnh mỗi cá nhân về kiến thức và quyền đối với dữ liệu cá nhân của họ. Điều này cần phải được cụ thể hóa bằng giáo dục qua việc tổ chức, hướng dẫn về hành vi, cách ứng xử trên không gian mạng. Đây là khía cạnh mà trong hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn còn thiếu.
Ở những vụ việc như thông tin tài khoản của nghệ sĩ Hoài Linh bị tiết lộ, vụ rao báo 10.000 chứng minh nhân dân hay vụ lộ clip nóng nữ diễn viên Về nhà đi con, các chủ thể trong cuộc cũng là những người có lỗi chứ không chỉ những người thu thập và phát tán các dữ liệu đó.
“Anh là Facebooker nhưng anh ứng xử thế nào, đưa thông tin gì? Trao đổi với người khác thế nào, để người khác truy cập bình luận trên Facebook mình ra sao? Làm sao để người khác không chiếm đoạt tài sản?... Đó là những kiến thức căn bản mà xã hội cần phải được giáo dục”, luật sư Nguyễn Tiến Lập chia sẻ.