Bão Mặt trời hướng thẳng tới Trái đất với tốc độ hơn 3 triệu km/h
Các nhà khoa học đã phát hiện ra 17 đợt phun trào vật chất ở vành nhật hoa nổ ra từ một vết đen Mặt trời. Hai trong số đó đã hợp nhất và hướng thẳng tới Trái đất với tốc độ hơn 3 triệu km/h.
Một cơn phun trào vật chất từ Mặt trời - Ảnh: NASA
Hai đợt phun trào vật chất ở vành nhật hoa đã hợp nhất và đang lao về phía Trái đất với tốc độ 3.027.599 km/h. Theo Trung tâm Dự báo thời tiết không gian (SWPC) của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), khi chúng đâm vào từ trường của Trái đất từ đêm 30.3 đến ngày 1.4, kết quả sẽ tạo ra một cơn bão địa từ mạnh mẽ cấp G3. Bão G3 được phân loại là bão địa từ mạnh, có thể tạo ra cực quang ở các bang phía nam như Pennsylvania, Iowa và Oregon.
Theo các nhà khoa học, vết đen Mặt trời có số hiệu AR2975, đã bắn ra những dòng hạt tích điện từ một vụ nổ phun trào tia lửa Mặt trời diễn ra vào ngày 28.3. Vết đen là những khu vực trên bề mặt Mặt trời, nơi có từ trường mạnh tạo bởi dòng hạt tích điện vặn xoắn thành hình nút thắt trước khi đứt gãy. Kết quả là sự giải phóng năng lượng từ trường đột ngột sẽ gây ra các vụ nổ bức xạ được gọi là vụ phun trào nhật hoa hay phóng khối lượng đăng quang (CME).
Hiện tượng hợp nhất xảy ra khi các vụ phun trào nhật hoa sau di chuyển nhanh vượt qua các vụ phun trào trước đó trong cùng một vùng không gian, cuốn theo các hạt tích điện để tạo thành một mặt sóng kết hợp khổng lồ gây ra một cơn bão địa từ mạnh mẽ.
Theo SpaceWeather.com, ít nhất hai CME toàn quầng sáng xuất hiện từ sự hỗn loạn. CME thứ hai dự kiến sẽ vượt qua và sáp nhập với CME thứ nhất trước khi va vào từ trường của Trái đất vào khoảng 10 giờ ngày 31.3 (giờ Việt Nam). CME thường mất khoảng 15 đến 18 giờ để đến Trái đất.
Khi va chạm với chúng, từ trường của Trái đất bị nén nhẹ bởi các sóng của các hạt mang điện tích cao, tác động tới đường sức từ và kích thích phân tử trong không khí, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng và tạo ra các cực quang nhiều màu sắc trên bầu trời đêm.
Năng lượng từ cơn bão được cho là sẽ bị từ trường của Trái đất hấp thụ, nhưng những cơn bão Mặt trời lớn vẫn có khả năng tàn phá và gây thiệt hại cho chúng ta. Bão G3 có thể gây ra “các vấn đề về định vị vệ tinh và điều hướng vô tuyến tần số thấp bị gián đoạn”, theo SWPC. Trước đó, một cơn bão vào tháng 2 đã khiến 40 vệ tinh Starlink rơi trở lại Trái đất. Các nhà khoa học khi đó đã cảnh báo rằng một cơn bão lớn hơn có thể làm tê liệt internet trên toàn cầu.
Các nhà khoa học cho rằng cơn bão Mặt trời lớn nhất từng chứng kiến trong lịch sử là sự kiện Carrington vào tháng 8.1859, mang năng lượng gần tương đương với 10 tỷ quả bom nguyên tử 1 megaton. Sau khi ập xuống Trái đất, cơn bão đã đốt cháy các hệ thống điện tín xuyên suốt châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và phóng ra cực quang đến tận phía nam Cuba.
Trong khi đó, xã hội hiện đại ngày càng phụ thuộc hơn vào các thiết bị điện tử, vốn là mục tiêu dễ dàng bị hủy hoại bởi các CME dạng này. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ, ảnh hưởng kinh tế có thể vượt hơn 2.000 tỉ USD nếu một cơn bão như sự kiện Carrington tấn công Trái đất vào thời điểm hiện nay, và gây ra khủng hoảng khắp toàn cầu vì lưới điện sập hàng loạt.