Bão Mặt Trời khổng lồ di chuyển đến Trái Đất
Sau nhiều tháng không nhiều hoạt động, Mặt Trời đã 'thức tỉnh' với một đợt phun trào nhật hoa, hay còn gọi là bão Mặt Trời, vào ngày 7/12 với một phần hướng đến Trái Đất.
Theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Vũ trụ (SWPC) thuộc Cơ quan Biển và Khí hậu Quốc gia Mỹ (NOAA), hiện tượng phun trào nhật hoa (CME) xảy ra vào ngày 7/12 trên Khu vực 2790 của Mặt Trời. Một phần đợt sóng vật chất ở dạng plasma cùng từ trường được dự kiến đến bầu khí quyển Trái Đất vào các đêm 9/12 và 10/12 ở Bán cầu Bắc.
Các nhà phân tích dự báo CME ban đầu chỉ tạo ra bão cấp độ nhỏ. Nếu tác động của CME kéo dài, và từ trường trong đợt bão Mặt Trời liên kết tốt với từ quyển của Trái Đất, ảnh hưởng có thể gia tăng.
Các nhà quan sát cảnh báo cấp độ cơn bão có thể cao hơn, chuyển từ phân loại G1 (nhẹ) đến G3 (nặng), trong ngày 10/12. Các tác động liên quan đến bão Mặt Trời có thể kéo dài đến ngày 11/12 và mức ảnh hưởng bão sẽ giảm xuống phân loại G2 (vừa) theo thang đo của SWPC.
Theo CNN, đợt bão Mặt Trời có thể gây trục trặc về công nghệ xác định vị trí toàn cầu GPS, sóng vô tuyến và mạng lưới điện ở một số nơi trên Trái Đất.
Đợt bão này còn tạo ra hiện tượng cực quang, vốn tưởng chỉ được nhìn thấy trong khu vực Vòng Cực Bắc, xa hơn về phía nam. Hệ quả là người ngắm sao tại nhiều thành phố Mỹ như Chicago, Detroit, Boston và Seattle sẽ có cơ hội nhìn thấy hiện tượng kỳ ảo trên bầu trời đêm.
Màu sắc thường thấy nhất của hiện tượng quang học này là xanh dương dạ quang. Tuy nhiên, vùng khí quyển khu vực cũng có thể kết hợp với vật chất từ bão Mặt Trời và tạo ra nhiều màu sắc khác như đỏ, hồng, xanh dương và tím.
Hiện tượng quang học sẽ quan sát được rõ nhất trong vòng 3 tiếng sau 22h ngày 9/12 tại Bắc Mỹ. Hiện tượng này cũng có thể tiếp diễn trong đêm 10/12.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-mat-troi-khong-lo-di-chuyen-den-trai-dat-post1161787.html