Bảo mẫu làm bé 7 tháng tuổi tử vong bị tuyên phạt 15 tháng tù
Trả lời xét hỏi, bị cáo Chu Uyển Vân cho biết, không có chứng chỉ hành nghề trông giữ trẻ, cũng không biết mở cơ sở phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Không biết nhận trông trẻ phải được cấp phép
Sau một ngày xét xử, cuối chiều 28/11, TAND huyện Gia Lâm, Hà Nội, tuyên phạt bị cáo Chu Uyển Vân (27 tuổi, trú ở quận Hoàng Mai) mức án 15 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”.
Cáo trạng xác định, bị cáo Vân dù không được đào tạo về trông trẻ, không được cơ quan chức năng cấp phép mở cơ sở tại nhà, song Vân tự tin thấy bản thân có khả năng, đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh nên nhận trông giữ trẻ thuê.
Đầu tháng 1/2023, Vân nhận một bé trai mới 3 tháng tuổi với giá 370.000/ngày và bé N. B. K. (khi đó mới 7 tháng tuổi) giá 250.000 đồng/đêm.
Theo cáo buộc, khi người thân đưa con cho Vân trông giữ, tình trạng sức khỏe các bé hoàn toàn bình thường.
Khoảng 1h sáng 10/1, cháu K. khóc, Vân cho uống khoảng 100ml sữa từ bình mẹ bé pha sẵn. Đến 7h cùng ngày, bé K. dậy uống khoảng 100ml sữa còn lại. Tuy nhiên sau khi uống bé có biểu hiện khó chịu, ho nhiều, Vân dù nghe thấy tiếng ho nhưng không kiểm tra mà đi dọn phòng.
15 phút sau, Vân vào phòng ngủ thì thấy bé K. nôn, có dịch ở mũi, bị cáo nghĩ bé sặc sữa nên lấy khăn lau, vỗ lưng và cho nằm nghiêng thì thấy bé có biểu hiện gồng người, đập chân.
Lúc bế bé ra phòng khách, Vân thấy tình trạng nguy hiểm đã gọi điện cho trung tâm cấp cứu và được y sĩ trực cấp cứu hướng dẫn sơ cứu cháu K. trong lúc chờ xe cứu thương đến.
Do hoảng loạn, Vân không tra cứu theo hướng dẫn của bác sĩ và tiếp tục bịt mũi, thổi miệng, lấy 2 tay ép ngực cháu bé. Thời điểm cấp cứu đến xác định cháu K. đã tử vong.
Kết quả giám định kết luận cháu K. tử vong do suy hô hấp - tuần hoàn định hướng đến ngạt do bít tắc đường hô hấp gây nên, không phát hiện bệnh lý bất thường.
Tại tòa, Vân thừa nhận không có chứng chỉ trông trẻ, cũng không biết việc mở cơ sở nhận trông giữ theo giờ phải xin cấp phép của cơ quan Nhà nước. “Tôi thấy các bà, các mẹ trong tòa nhà nhận trông trẻ như thế, nên nghĩ nếu không có lớp thì sẽ không cần xin phép”, Vân nói.
Nữ bảo mẫu khai thêm, sau khi cho bé K. uống sữa, nhận thấy dấu hiệu bất thường như mũi chảy dịch trắng, bị cáo hoảng loạn tìm cách sơ cứu, gọi y tế.
Theo Vân, thời điểm bắt đầu gọi cho 115, bé K. đã có triệu chứng ho, nôn, khó thở được hơn15 phút.
“Bị cáo có biết 15 phút mới gọi xe cấp cứu là nguy hiểm tới tính mạng của em bé không?”, Chủ tọa đặt câu hỏi. Vân trả lời “bị cáo không biết”.
Tim bé ngừng đập trước khi nhân viên y tế đến
Có mặt với tư cách là người làm chứng, anh Nguyễn Đình Hoàng (nhân viên cấp cứu 115) cho hay, lúc 7h50 ngày 10/1, anh nhận được điện thoại từ trung tâm cho biết tại khu đô thị trên địa bàn huyện Gia Lâm có cháu bé bị sặc sữa.
Trên đường đi, thấy quãng đường xa, việc cứu cháu bé bị sặc sữa chỉ khoảng 5 - 6 phút, nếu quá 'thời gian vàng' này sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy anh Hoàng đã gọi đến số điện thoại của người gọi cấp cứu để hướng dẫn sơ cứu trẻ.
Theo anh Hoàng, lúc 8h10 anh đến nơi, thấy một phụ nữ bế một cháu bé xuống trong tình trạng tim ngừng đập, mặt mũi tím tái nên anh cùng kíp thông báo trẻ ngừng tuần hoàn.
HĐXX khi tuyên án nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo Vân gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác, gây mất trật tự trị an, gây ra nỗi mất mát lớn đối với gia đình bé K.
Tuy nhiên, xét hoàn cảnh của bị cáo không có công việc và thu nhập ổn định, lại nuôi 4 con nhỏ, bị cáo cũng nỗ lực khắc phục một phần hậu quả vụ án, phạm tội lần đầu, nên cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài mức án tù đã tuyên, HĐXX buộc bị cáo Vân phải đền bù cho phía bị hại là chị Nguyễn Bích Hằng (mẹ bé K.) tổng số tiền hơn 154 triệu đồng (đối trừ 20 triệu đã nộp vào thi hành án) nên bị cáo nộp hơn 134 triệu đồng.