Bão Mawar liệu có đi vào Biển Đông nước ta?
Cơn bão Mawar với cường độ cấp 17 đang hướng tới khu vực phía Bắc đảo Lu-dông (Philippines). Dự báo Mawar sẽ còn tiếp tục mạnh thêm và có khả năng trở thành siêu bão.
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT), hôm nay (26/5), một cơn bão có tên quốc tế là Mawar đã vượt qua đảo Guam, đây là cơn bão thứ 2 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão năm 2023.
Hiện nay, cơn bão mạnh tên Mawar đang di chuyển theo hướng tây và tây tây bắc tại phía đông của Philippines. Cường độ hiện tại của bão Mawar ở cấp 17, cấp siêu bão, với sức gió hiện 250 km/h.
Ban đầu, các cơ quan khí tượng của Nhật Bản và Mỹ đều dự báo bão có khả năng thành siêu bão và vào Biển Đông của Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 26/5, các dự báo cho biết, bão sẽ tiệm cận đến khu vực đảo Luzon (Philippines) rồi chuyển hướng tây tây bắc vào khu vực đảo Đài Loan (Trung Quốc) với sức gió duy trì ở mức 175 km/h, gần trung tâm với gió giật 215 km/h.
Trước đó, Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) ngày 25/5 cảnh báo, bão Mawar đang trên đường di chuyển khỏi đảo Guam (vùng lãnh thổ thuộc Mỹ), hướng đến Philippines và Đài Loan (Trung Quốc), với sức gió lên tới 240 km/h. Hòn đảo 17.000 dân này đã vượt qua cơn bão, song vẫn khuyến cáo người dân nên ở nhà cho đến khi chính phủ khẳng định tình hình an toàn.
Trong bản tin bão mới nhất vào lúc 23h ngày 25/5, Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PASAGAR) cho biết, tâm bão Mawar ước tính cách đảo Luzon 1.840 km về phía đông đông nam. Bão Mawar đang di chuyển về phía tây, mỗi giờ đi được 20 km, sức gió duy trì tối đa 205 km/h gần tâm bão, gió giật lên tới 250 km/h và áp suất trung tâm là 910 hPa.
Theo PASAGAR, gió mạnh đến cấp bão cũng mở rộng từ tâm bão ra ngoài tới 550 km. Dựa trên lộ trình dự báo, cơn bão mạnh dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển về phía tây trong ngày 26/5, tăng tốc trước khi chuyển hướng tây tây bắc nhiều hơn vào ngày 27/5.
Dự báo siêu bão Mawar sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng tới khu vực phía Bắc đảo Lu-dông (Philippines). Dự báo nó sẽ còn tiếp tục mạnh thêm có thể lên tới 300km/h khi tới gần đảo Đài Loan (Trung Quốc). Cơ quan khí tượng Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến siêu bão này.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, siêu bão Mawar sẽ gây ảnh hưởng gián tiếp khiến miền Nam nước ta mưa dông kéo dài. Dự báo đêm nay bão tiệm cận sức gió 300km/h.
Do ảnh hưởng của cơn bão này, gió mùa tây nam sẽ hoạt động mạnh hơn, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 28 đến 29/5. Thời tiết nam biển Đông sẽ diễn biến xấu trong 7 ngày tới. Khu vực từ đảo Phú Quốc tới Khánh Hòa-Phú Yên có gió cấp 5-6, sóng biển cao từ 2-3m.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, trong ngày 26/5, khu vực TP.HCM có mưa rào và dông diện rộng, có nơi mưa vừa, mưa to. Khả năng đợt mưa lớn này kéo dài đến hết 29/5. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, cần đề phòng khả năng mưa lớn kết hợp gây ngập cục bộ ở các vùng trũng thấp. Bên cạnh đó, trên vùng biển Nam bộ, gió mùa tây nam duy trì cường độ cấp 4-5, biển động nhẹ, độ cao sóng biển từ 1-2,5m.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2023 có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Từ tháng 9-11/2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông dự báo khoảng 4-5 cơn, ở mức xấp xỉ đến thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN từ 5-6 cơn) và tác động chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Trung tâm khí tượng cũng nhận định, trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung chủ yếu vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhận định, Mawar có thể là siêu bão mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm này. Hiện mắt bão đã được hình thành với đường kính lên đến 45km và khoét sâu xuống bề mặt biển, chúng ta có thể thấy rõ màu xanh của biển khi quan sát ảnh mây vệ tinh kênh thị phổ (VIS) với độ phân giải rõ nhất.