Xe tăng T-54/T-55 của Liên Xô trở thành dòng xe tăng phổ biến nhất trong lịch sử. Xét về số lượng, dòng xe này đã vượt xe tăng M60 Patton của Mỹ, loại xe phổ biến nhất của phương Tây vẫn còn trong biên chế của quân đội Israel và Ai Cập.
"Từ năm 1946 đến năm 1983, Liên Xô đã sản xuất hơn 100.000 chiếc xe tăng chủ lực T-54/T-55, đây là dòng xe tăng được sản xuất rộng rãi nhất trong lịch sử", ấn phẩm National Interest cho biết.
Trong Chiến tranh Lạnh, những chiếc xe tăng T-54 và T-55 sản xuất ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã được Syria sử dụng trong Chiến tranh 6 ngày chống lại Israel, đối đầu với xe tăng M48 Patton của Mỹ và xe tăng Centurion của Anh.
T-54 xuất hiện lần đầu năm 1949 như một mẫu thay thế cho T-34 thời thế chiến II. Nguyên mẫu T-54 đầu tiên được hoàn thành năm 1946 và được chế tạo lần đầu năm 1947.
T-54 liên tục được sản xuất và cải tiến và sau khi đã được sửa chữa, nó được đổi tên thành T-55. T-55 ra mắt vào năm 1958 và có đầy đủ mọi sự cải tiến của xe tăng T-54 mà không có khác biệt căn bản trong thiết kế và vẻ ngoài. T-55A xuất hiện vào đầu thập kỷ 1960.
T-54 được trang bị pháo rãnh xoắn D-10T 100mm nặng 1.950 kg. Pháo có thể đạt góc nâng lên cao 16,5° hoặc hạ xuống 5°. Nó mạnh hơn so với khẩu pháo M3A1 90mm của xe tăng M48 Patton và pháo 20 pdr (84mm) của xe tăng Centurion.
Pháo D-10T của T-54 có 2 hạn chế: không có bầu hút khói, có chức năng ngăn khói thuốc phóng bay ngược lại khoang lái và để thay thế nòng thì cần phải nhấc tháp pháo khỏi vòng tháp pháo và kéo toàn bộ cụm pháo ra phía sau. Dù sao thì những hạn chế đó cũng là điểm chung của hầu hết các loại pháo tăng thập niên 1950.
Tất cả các biến thể T-54 được sản xuất giữa năm 1947 và 1958 chỉ có thể mang theo 34 viên đạn pháo. Đến phiên bản T-55, cơ số đạn cho pháo chính được nâng lên 43 viên. Tốc độ bắn khi xe đứng yên là 7 phát/phút và tốc độ bắn khi xe di chuyển là 4 phát/phút.
Ngoài pháo chính, bản gốc xe tăng T-54-1 có một súng máy đồng trục 7,62mm, cùng 1 đại liên DShK 12,7mm gắn trên nóc xe để phòng không hoặc bắn bộ binh địch, thuộc quyền sử dụng của pháo thủ.
Tuy nhiên, một số phiên bản T-54/55 đã loại bỏ khẩu 12,7mm. Trong một số phiên bản T-54/55 cải tiến từ thập niên 1990, đại liên 12,7mm có thể được gắn hệ thống điều khiển từ xa ở trong xe, nhờ vậy xạ thủ có thể ngắm bắn khi đang ngồi phía trong xe tăng mà không cần phải nhô người ra ngoài tháp pháo, giúp giảm nguy cơ thương vong cho xạ thủ.
T-54 và T-55 đã chứng tỏ sức mạnh khi chiến đấu ở Ấn Độ, Campuchia và Uganda. Ở nước ta, nếu chiếc trực thăng Bell UH-1 bị ném xuống biển từ các tàu sân bay trở thành biểu tượng cho thất bại của Mỹ ở Việt Nam, thì chiếc xe tăng T-54 húc sập cổng Dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Xe tăng T-54/T-55 có tính cơ động, hỏa lực mạnh với một khẩu pháo 100 mm, một súng máy 7,62 mm, được đặt trong một tháp pháo hình bán nguyệt độc đáo, không gây ảnh hưởng đến không gian bên trong. Xe tăng T-55, ngoài lớp giáp thép dày 100-200 mm còn được lắp đặt hệ thống bảo vệ hạt nhân, hóa học và sinh học.
Xe được trang bị động cơ mạnh mẽ 580 mã lực, có thể tăng tốc lên đến 50 km/h. Phạm vi hoạt động lên tới 500 km. Khả năng cơ động cao của xe tăng là do sự kết hợp của sức mạnh động cơ và trọng lượng thấp. Áp lực của xe đè lên mặt đất được dàn đều, mang lại khả năng di chuyển tốt ngay cả trong bùn dính và đường địa hình.
Xe tăng T-54 và T-55 đã được xuất khẩu rộng rãi và vẫn được sử dụng trong quân đội của 50 quốc gia. Tại Ấn Độ, T-55 đã được dựng thành một tượng đài vào tháng 11/2020 ở thành phố Alibag. Nguồn ảnh: Pinterest.
Xe tăng T-54B do Việt Nam tự nâng cấp được chúng ta dùng trong huấn luyện đua tăng. Nguồn: QPVN.
Thái Hòa