Báo Mỹ ca ngợi thành công của Việt Nam trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19
Trang tin Business Insider có trụ sở tại Mỹ đã ca ngợi những thành tựu ứng phó đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Trang tin viết, với dân số 97 triệu người, đến nay, Việt Nam mới chỉ ghi nhận chưa đến 2.500 ca Covid-19, 35 ca tử vong.
Business Insider dẫn bảng đánh giá ngày 28-1 của Viện nghiên cứu Lowy (Australia) cho thấy, Việt Nam xếp thứ hai sau New Zealand về hiệu quả chống dịch, trong số 98 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Lowy đã thu thập dữ liệu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau nhằm đánh giá hiệu suất tương đối tại các quốc gia khác nhau trong quá trình đối phó với đại dịch Covid-19. Các số liệu được tính toán qua chỉ số ca nhiễm, tỷ lệ tử vong và xét nghiệm.
Chủ động sớm nhằm nhanh chóng truy vết nguồn lây
Ngay từ tháng 1 năm 2020, Việt Nam tiến hành đánh giá rủi ro ngay sau khi xuất hiện chùm ca bệnh "viêm phổi lạ" ở Vũ Hán, Trung Quốc.
"Việt Nam cho các trường tạm nghỉ học, hạn chế các chuyến bay quốc tế. Chính phủ đã quyết định mọi thứ rất nhanh chóng", ông Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP Hồ Chí Minh nhận định.
Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết thành công của quốc gia này trong việc xử lý virus có được nhờ 3 yếu tố: Truy vết tiếp xúc, xét nghiệm có chiến lược và thông điệp tuyên truyền rõ ràng.
“Thay vì xét nghiệm tất cả người dân, Việt Nam khoanh vùng những người có tiền sử tiếp xúc với nguồn bệnh trước. Họ đóng cửa biên giới và tất cả những người đặt chân đến quốc gia này đều được cách ly trong các cơ sở của chính phủ, theo hình thức hoàn toàn miễn phí”, Malhotra cho biết.
Phóng viên Kate Taylor của Insider đã có mặt tại Việt Nam vào tháng 2 năm ngoái cho biết, Chính phủ Việt Nam rất chú trọng đến các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, tuyên truyền về các triệu chứng của virus tới người dân và kiểm tra nhiệt độ công dân khi ra vào các nơi công cộng.
Đánh giá của Viện nghiên cứu Lowy cũng chỉ ra rằng, ngay khi phát hiện ca bệnh chưa rõ nguồn lây tại Hải Dương sau gần hai tháng không ghi nhận ca bệnh nào, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm truy vết và khoanh vùng nguồn lây. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cam kết sẽ ngăn chặn các đợt bùng phát mới nhất trong vòng 10 ngày trước thềm Tết cổ truyền để người dân an tâm đón Tết.
Việt Nam không cần phải phong tỏa toàn quốc
Trong một bài báo viết cho Liên hợp quốc, Malhotra chỉ ra, thay vì phải phong tỏa toàn quốc để ngăn dịch Covid-19 như nhiều quốc gia phương Tây, Việt Nam chỉ phong tỏa với từng vùng nhất định. Việt Nam chỉ thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc trong vòng 2 tuần hồi tháng 4 năm ngoái và đến đầu tháng 5, người dân gần như đã có thể trở lại cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, chính phủ nhanh chóng quyết định đóng cửa biên giới và hạn chế các chuyến bay từ Trung Quốc, Anh, châu Âu.
Hiện giờ, người dân Việt Nam đã quay lại với nhịp sống bình thường, nhưng vẫn được khuyến cáo thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
"Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp ứng phó dịch quyết liệt, thực hiện các biện pháp cơ bản nhưng không hề đơn giản. Khi người dân tin tưởng chính phủ, họ sẽ làm theo những điều mà chính phủ nói", chuyên gia Thwaites bình luận.
Sự quyết liệt của Việt Nam trong việc phòng, chống virus xứng đáng được tôn vinh
Rõ ràng khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, Việt Nam có nguy cơ trở thành điểm nóng Covid-19 do có chung đường biên giới với Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng các mô hình ứng phó dịch chi phí thấp, Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát dịch chỉ trong vòng vài tháng. Không quốc gia nào với quy mô dân số tương tự có hiệu quả chống dịch như của Việt Nam. Với 102 triệu dân, Ai Cập đã ghi nhận hơn 76.000 ca mắc Covid-19, trong khi đó Cộng hòa Congo với 89 triệu dân cũng ghi nhận hơn 24.000 ca nhiễm.
Theo Malhotra, Việt Nam triển khai các biện pháp phòng, chống virus tốt hơn New Zealand. "Thật vô lý khi so sánh Việt Nam với New Zealand, rõ ràng nước này phải đối mặt với thách thức lớn hơn New Zealand rất nhiều", ông nói.
Malhotra cho rằng thật không công bằng khi đánh giá thấp thành công của Việt Nam.
"Nhiều người cho rằng chính phủ nước này không minh bạch dữ liệu chuẩn. Điều đó hoàn toàn bịa đặt. Mọi số liệu đều được cập nhật từng ngày, từng giờ và hoàn toàn không có bất cứ sự cưỡng chế hay ép buộc nào", Malhotra cho hay.
Các chuyên gia y tế cộng đồng chia sẻ với trang tin Insider rằng, những quốc gia ngăn chặn thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đều tuân thủ theo một công thức rất rõ ràng: Thông điệp tuyên truyền nhất quán, vận động người dân đeo khẩu trang và triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm truy vết nguồn lây. Và Việt Nam đã trở thành ví dụ điển hình cho sự hiệu quả đó.