Báo Mỹ: Chuyên gia 'tưởng Nga sẽ chiếm Kiev trong vài ngày', điều bất ngờ gì đã xảy ra?
Vài ngày sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga phải vật lộn với nguồn cung cấp nhiên liệu, hậu cần trong khi nhiều hình ảnh xe tăng bị phá hủy được đăng lên mạng liên tục.
Dự báo của chuyên gia
Theo ABC News, các chuyên gia tình báo ban đầu dự đoán Nga sẽ chiếm Kiev trong vòng vài ngày nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Hơn một tháng sau chiến dịch quân sự của Nga, quân đội Ukraine đã hoạt động tốt hơn nhiều người mong đợi dù quy mô, ngân sách và số lượng vũ khí nhỏ hơn so với quân đối thủ.
Tuần này, các lực lượng Ukraine đã giành lại một thị trấn ở phía đông bắc của đất nước, trong khi lực lượng bộ binh Nga vẫn "dậm chân tại chỗ" xung quanh thủ đô, với một số binh sĩ di chuyển khỏi Kiev và Chernihiv gần đó, các quan chức Mỹ cho biết.
Theo tướng về hưu Robert Abrams, trong số các yếu tố định hình nên cuộc xung đột kiểu "David và Goliath" cho đến thời điểm này là việc Ukraine "sử dụng chiến thuật chiến tranh thông minh".
"Nga có ưu thế về số lượng, đó là một sự thật. ... Moscow cũng có kho tên lửa khổng lồ hơn rất nhiều so với Ukraine", ông nói. "Điều đó đang được nói đến , mặc dù chúng tôi đã đánh giá quá cao... năng lực chiến đấu của họ".
Trong vòng vài ngày sau khi mở chiến dịch quân sự, Nga đã phải vật lộn với nguồn cung cấp nhiên liệu và hậu cần, và các hình ảnh và video đã được xác minh về các phương tiện quân sự và xe tăng của Nga bị phá hủy đã được đăng tải trên mạng.
Trong con số thương vong mới nhất, Bộ tổng tham mưu của Nga vào cuối tuần trước cho biết, tính đến nay đã có 1.351 binh sĩ Nga thiệt mạng, mặc dù NATO tuần trước ước tính khoảng 7.000 - 15.000 người thương vong.
Phương Tây đã nỗ lực nhanh chóng để gửi vũ khí hỗ trợ đến Ukraine. Mỹ và NATO đã cung cấp cho Ukraine hơn 17.000 vũ khí chống tăng, bao gồm cả tên lửa Javelin, trong vòng chưa đầy một tuần, tờ New York Times đưa tin vào đầu tháng 3.
Hiệu quả của hệ thống vũ khí
Mỹ đã gửi hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí chống tăng và phòng không như hệ thống Javelin và Stinger. Các quốc gia khác, bao gồm cả Đức và Anh, đã cung cấp vũ khí tương tự.
Đặc biệt, tên lửa vác vai Javelin đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến của người Ukraine.
Được biết đến như một vũ khí "bắn và quên", Javelin sử dụng hệ thống dẫn đường bằng tia hồng ngoại để di chuyển về phía mục tiêu, cho phép xạ thủ khai hỏa và sau đó ngay lập tức ẩn nấp.
Hệ thống tên lửa có thể tiêu diệt xe tăng và các loại xe bọc thép khác. Tên lửa Stinger vác vai nhắm vào máy bay ở tầng thấp.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội hôm 27/3, tướng Tod Wolters, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, đã ca ngợi quân đội Ukraine và năng lực ngăn chặn các hoạt động quân sự của Nga trên khắp đất nước, đặc biệt là thông qua các hệ thống vũ khí do quân đội Mỹ cung cấp.
Ông nói: "Các lực lượng vũ trang Ukraine cho thấy một lộ trình học tập rất, rất tích cực, và vì vậy tôi lạc quan về việc phía Nga sẽ vấp phải nhiều khó khăn".
Theo ông, tên lửa Javelin và Stinger, đã được quân đội Mỹ sử dụng trong hơn 30 năm qua, "rất, rất hiệu quả với những gì họ định làm".
"Thảm họa chiến thuật"
Tướng Abrams cho biết, vũ khí chống tăng không phải lúc nào cũng đảm bảo thành công, đồng thời lưu ý rằng lực lượng tấn công có thể sử dụng một chiến lược được gọi là điều động vũ khí kết hợp để đánh bại chúng.
Theo tướng Abrams, trước lợi thế của Ukraine, người Nga không sử dụng chiến lược này.
"Thành thật mà nói, Nga đã khiến cho hệ thống phòng thủ Ukraine dễ dàng đánh trả hơn rất nhiều khi sử dụng những hệ thống vũ khí không mấy hiệu quả", tướng Abrams nói.
Đồng thời, Ukraine đã cẩn thận lựa chọn nơi sử dụng các hệ thống vũ khí này để "tạo lợi thế tối đa" trên sân nhà của họ.
"Những gì chúng ta đang thấy là chiến thuật kém cỏi của quân Nga, nó đã giúp các hệ thống vũ khí chống tăng của Ukraine hoạt động hiệu quả".
Người Ukraine đang "dẫn trước trong cuộc chiến", ông nói thêm. "Họ đang sử dụng các chiến thuật xuất sắc, nơi họ đang tối đa hóa mọi tác dụng của hệ thống vũ khí của mình với địa hình. Trong khi đó, quân đội Nga cũng kém cỏi và 'lạ nước lạ cái", đó là một thảm họa chiến thuật".
Quân đội Nga vào tuần trước cho biết nhìn chung đã hoàn thành "giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự" và giảm đáng kể lực lượng ở Ukraine", đồng thời "và sẽ tập trung vào "mục tiêu hàng đầu" - giải phóng khu vực Donbas.
Đây là khu vực mà Nga tuyên bố đã phá hủy hàng nghìn phương tiện quân sự của Ukraine, bao gồm cả xe tăng và hàng trăm máy bay.
Trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cầu viện thêm vũ khí, một mối quan tâm lớn đặt ra là nguồn cung. Tướng Abrams cũng nói rằng, không có nguồn cung cấp vô hạn các tên lửa chống tăng và phòng không.
"Tôi không nghĩ là ngành công nghiệp quốc phòng có thể nhanh chóng tăng cường sản xuất, sẽ có một số vấn đề về chuỗi cung ứng", ông cảnh báo.
"Đặc biệt, đối với Ukraine, họ sẽ gặp phải thách thức về quản lý nguồn cung, theo đó họ sẽ phải rất thông minh trong cách phân phối những loại bom, đạn chủ chốt này".
Đào tạo binh sĩ - "yếu tố quyết định"
Một "yếu tố quyết định" khác đối với năng lực chiến đấu của Ukraine là đào tạo, tướng Abrams nói.
Sau khi Nga hành động quân sự ở Ukraine và sáp nhập Crimea vào năm 2014, phương Tây không chỉ tăng cường viện trợ vũ khí cho Kiev mà còn hỗ trợ đào tạo cho các binh sĩ Ukraine nhằm cải thiện năng lực chiến đấu chiến thuật.
"Nga rõ ràng có quân số lớn mạnh hơn, họ có lợi thế về công nghệ, nhưng chúng tôi thấy giá trị của đào tạo chất lượng cao, đào tạo thực tế khắc nghiệt" kết hợp với "khả năng rất chính xác và hiệu quả của các hệ thống vũ khí chống tăng và phòng không" là quan trọng nhất, tướng Abrams nói.
Ukraine cũng đã bắt đầu phát triển một quân đoàn hạ sĩ quan, được coi là xương sống của quân đội, những người có trình độ học vấn sâu rộng và được trao quyền chỉ huy các binh sĩ, vị tướng về hưu này nói thêm.
Abrams nói: "Chúng tôi đang thấy những lợi ích của việc đào tạo này khi được thực nghiệm trên chiến trường".