Báo Mỹ điểm danh những nền quân sự mạnh nhất thế giới trong năm 2030
Tạp chí National Interest mới đây đưa ra những dự đoán về cán cân sức mạnh quân sự vào năm 2030 và điểm tên các nước có thể sẽ lọt vào danh sách những quân sự mạnh nhất thế giới trong hơn một thập kỷ tới.
Nga
National Interest nhận định, quân đội Nga đã phải trải quan một giai đoạn chuyển mình khó khăn sau thời kỳ chiến tranh lạnh. Trong tương lai, lục quân nước này nhiều khả năng vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với hàng loạt những vấn đề nảy sinh từ quá trình đổi mới ngành công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, theo chuyên san của Mỹ, về lâu dài, quân đội Nga sẽ vẫn giữ vững lợi thế của mình về quy mô và sức mạnh tâm lý của quân nhân.
Mỹ
Theo NI, quân đội Mỹ trong hơn một thập kỷ tới vẫn sẽ giữ vững vị trí là nên quân sự mạnh nhất thế giới. Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp về vị trí này là khả năng chiến đấu cao các binh sĩ dựa trên nền tảng của ngành công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều nền quân sự khác, Mỹ cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực đến từ những mối đe dọa và hậu quả các các cuộc chiến dai dẳng kéo dài, ví dụ như chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Trung Quốc
Trung Quốc hiện nay đang nổi lên là nền quân sự mới trên thế giới nhờ cuộc cách mạng trong lực lượng vũ trang với nền tảng là nguồn cung tài chính dồi dào của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Giống như trước đây, ưu điểm của Quân đội giải phóng Trung quốc vẫn là quy mô lực lượng. Tuy nhiên, nền quân sự nước này cũng đang phải đau đầu khắc phục nhược điểm là kinh nghiệm chiến đấu còn non kém.
Ấn Độ
Tờ NI chỉ ra nhược điểm của quân đội Ấn Độ là lạc hậu về công nghệ. Nhưng nhiều khả năng, trong tương lai, tồn tại này sẽ nhanh chóng được New Delhi khắc phục bằng các nhập khẩu hàng loạt những công nghệ mới, tiên tiến và có tính chiến đấu cao.
Ấn Độ hiện này vẫn đang là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Pháp
Theo NI, quân đội Pháp trong tương lai gần sẽ trở thành đội quân chủ chốt ở châu Âu. Lực lượng vũ trang của Pháp khá khiêm tốn nhưng được huấn luyện ở cường độ cao và hết sức chuyên nghiệp.
Lực lượng quân đội nước này thường xuyên tham gia triển khai quân sự khắp châu Phi để giúp ổn định chính trị, chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Dù không sở hữu những con số ấn tượng về số lượng khí tài chiến đấu như Mỹ hay Trung Quốc, nhưng bù lại quân đội Pháp luôn khiến đối thủ phải dè chừng nhờ những trang thiết bị hiện đại có khả năng tác chiến cực cao có thể kế đến như tàu sân bay the Charles de Gaulle, xe tăng chiến đấu LeClerc, phi đội máy bay ném bom Mirage 2000N hay trực thăng Tiger.