Arktika - chiếc đầu tiên trong số các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Nga thuộc Dự án 22220 - con tàu lớn nhất và mạnh nhất thuộc loại này trên thế giới đã khởi hành đến cảng quê hương tương lai ở Murmansk.
Tuy nhiên hiện tại chỉ có hai trong số ba động cơ của con tàu đang hoạt động, điều này đặt ra nhiều câu hỏi về sự sẵn sàng của chiếc Arktika khi vận hành, tạp chí The Drive bình luận.
Con tàu phá băng nói trên đã rời nhà máy đóng tàu Baltic ở St.Petersburg vào ngày 22/9/2020, sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên ở Biển Baltic và Vịnh Phần Lan vào đầu tháng này.
Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom nói rằng trước khi đến Murmansk, tàu phá băng Arktika sẽ vượt qua các cánh đồng băng ở phía Bắc Bắc Cực thuộc Franz Josef Land, quần đảo của Nga ở Bắc Băng Dương, toàn bộ chuyến đi sẽ mất khoảng hai tuần.
Lượng choán nước của chiếc Arktika là khoảng 33 nghìn tấn, chiều dài 171 m và chiều cao gần 55 m ở điểm cao nhất của con tàu.
Như vậy, chiếc tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân này lớn hơn các tàu trước đó của Dự án 10520, khi "người tiền nhiệm" có lượng choán nước khoảng 25 nghìn tấn.
Nga là quốc gia duy nhất có tàu phá băng hạt nhân được vận hành. Những tàu thuộc Dự án 22220 được trang bị hai lò phản ứng nước điều áp RITM-200.
Trong đó mỗi lò phản ứng có công suất 175 MW và cung cấp năng lượng cho ba động cơ điện, mỗi động cơ dẫn động một chân vịt. Theo thiết kế, tàu phá băng này có thể xuyên thủng lớp băng dày tới 2 m.
Thiết kế của tàu Arktika được hoàn thành vào năm 2009, và quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2012. Một trong những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng là thiết kế ban đầu của hệ thống động lực trên tàu bao gồm các máy phát của công ty Turboatom, Ukraine.
Nhưng sau năm 2014, hợp tác với các đối tác từ Ukraine đã bị ngừng lại. Những biện pháp trừng phạt sau đó của Mỹ đã chặn nguồn cung cấp nhiều linh kiện từ General Electric cần thiết cho hệ thống động lực điện của con tàu.
Tất cả những khó khăn này đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc chế tạo và bắt đầu hoạt động của tàu phá băng Arktika. Do vấn đề với hệ thống đẩy, con tàu chỉ bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 12/2019 bằng cách sử dụng động cơ diesel phụ trợ.
Vào tháng 2/2020, một trong ba động cơ điện chính của con tàu bị hỏng, khiến tàu phá băng chỉ còn hai chân vịt hoạt động. Động cơ này vẫn chưa được thay thế, điều đó làm hạn chế khả năng của nó. Việc sửa chữa cần thiết sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên bất chấp mọi khó khăn, tàu phá băng lớn nhất thế giới đang tiến về phía Bắc của Bắc Cực. Con tàu này và các tàu phá băng khác ở Nga thể hiện tham vọng chinh phục Bắc Cực của Moskva và nhấn mạnh vị thế của Nga là nhà vận hành tàu phá băng lớn nhất trên thế giới.
Trước sức ép từ phía Nga, không loại trừ khả năng thời gian tới sẽ nổ ra "cuộc chạy đua" tàu phá băng hạt nhân khi Mỹ sẽ tham dự để ngăn cản bước tiến của Moskva ở khu vực có ý nghĩa chiến lược này.
Bạch Dương