Báo Mỹ: Nga đạt vị thế tốt sau 4 tháng xung đột, Ukraine đối mặt kịch bản xấu
CNN nhận định rằng các lực lượng Nga đang có sức chiến đấu mạnh mẽ nhất kể từ khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cách đây 4 tháng.
Nga đạt bước tiến ở phía Đông Ukraine
Nga đã loại bỏ hầu hết các hệ thống phòng thủ của Ukraine ở khu vực Lugansk, củng cố quyền kiểm soát một vành đai lãnh thổ ở phía Nam Ukraine, cải thiện khả năng hậu cần và vị trí chỉ huy cũng như đối phó hiệu quả các máy bay không người lái của Ukraine.
Sau nhiều tuần giao tranh, Nga đã phá vỡ tuyến phòng thủ tại thành phố Severodonetsk ở tỉnh Lugansk, khiến các lực lượng Ukraine quyết định rút khỏi khu vực này.
“Thành phố hiện đã hoàn toàn do lực lượng Nga kiểm soát. Quân đội Nga đang cố gắng thiết lập trật tự và theo tôi được biết, họ đã bổ nhiệm một sĩ quan quân quản”, Thị trưởng Severodonetsk Oleksandr Stryuk thông báo hôm 25/6.
Sau khi giành được quyền kiểm soát Severodonetsk, Nga đã huy động lực lượng để tiến đánh ở Lysychansk - thành trì cuối cùng của Ukraine tại khu vực Lugansk.
Leonid Pasechnik, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, hôm 24/6 dự đoán rằng Nga sẽ kiểm soát hoàn toàn Lysychansk trong vòng 2-3 ngày. Cho đến nay, lực lượng Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu, nhưng thành phố này đang trong tình trạng nguy hiểm.
Các lực lượng Nga cũng đã tăng cường các cuộc tấn công ở khu vực Donetsk, tiến gần hơn đến các thị trấn công nghiệp trong khu vực từ Sloviansk qua Kramatorsk đến Kostiantynivka.
Vấn đề khó khăn hiện tại đối với quân đội Ukraine là liệu họ có thể tiếp tục bảo vệ Lysychansk hay không, trước nguy cơ thành phố bị bao vây và liệu giới chức Ukraine có ra lệnh rút quân về các tuyến phòng thủ mới hay không.
Dường như Nga hiện không đạt được nhiều tiến bộ ở Izium tới Sloviansk, bất chấp những nỗ lực liên tục nhằm phá vỡ các tuyến phòng thủ của Ukraine. Mặc dù vậy, các quan chức Ukraine cảnh báo rằng các lực lượng Nga đang dồn sức ở phía Bắc Sloviansk. Quân đội Nga có thể nhanh chóng huy động một số nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn bên kia biên giới để hỗ trợ cho cuộc tấn công Sloviansk.
Tuy nhiên, nhà quan sát quân sự Nga Yuri Kotyenok cho rằng các lực lượng Nga không có đủ nhân lực để bao vây hoàn toàn hai thành phố kiên cố như Sloviansk và Kramatorsk.
Về lâu dài, hy vọng lớn nhất của Ukraine là triển khai thêm vũ khí do phương Tây cung cấp, có khả năng tiêu diệt pháo binh, hệ thống tên lửa và sở chỉ huy của Nga ở xa chiến tuyến, gây tổn thất cho lực lượng Moscow.
Nhưng các vũ khí như hệ thống tên lửa HIMARS, có tầm bắn 70km, do phương Tây cung cấp cho Ukraine, cần phải được huấn luyện sử dụng trong vài tuần. Với thế trận hiện tại ở Donbass, vài tuần là một khoảng thời gian dài và áp lực đối với các lực lượng Ukraine.
Sức ép này ngày càng tăng khi nhiều đơn vị được triển khai tới khu vực Donbass là những đơn vị nhiều kinh nghiệm nhất của Ukraine. Lực lượng này đã bị suy yếu bởi cường độ tấn công ác liệt của Nga.
Quân đội Ukraine chịu nhiều tổn thất khi Nga tiến công mạnh mẽ hơn. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng các cuộc tấn công của Nga đã phá hủy một số lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp cho Ukraine.
Nga đã rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Nga đã triển khai hệ thống phòng không, chủ yếu là S-300, để tấn công phạm vi rộng hơn thay vì tấn công từng khu vực. Điều này khiến các đợt tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine giảm hiệu quả.
Kịch bản xấu đối với Ukraine
Hệ thống chỉ huy của Nga cũng đã được tổ chức lại, với các chỉ huy mới cho các lực lượng Nga ở miền Nam và miền Trung Ukraine, dưới sự lãnh đạo chung của Thứ trưởng Quốc phòng Gennady Zhidko.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết, “Bộ tư lệnh cấp cao Nga đang cải tổ và tái cơ cấu bộ chỉ huy quân sự để tổ chức tốt hơn các hoạt động chiến đấu ở Ukraine”.
Trong trường hợp Nga thành công trong việc tấn công các tuyến phòng thủ của Ukraine ở Donetsk, điều này có thể thúc đẩy Moscow mở rộng cuộc chiến hơn nữa với mục tiêu ngoài chiến dịch quân sự đặc biệt. CNN cho rằng, Nga có thể đưa quân vượt ra khỏi ranh giới khu vực Donbass, tiến tới sông Dnipro, nghĩa là chia cắt Ukraine thành hai phần.
Đây được coi là tình huống xấu nhất đối với Ukraine và hiện tại đây vẫn chỉ là một khả năng chứ chưa phải nguy cơ cận kề. Lực lượng Ukraine vẫn đang bảo vệ khoảng 12.000km2 khu vực Donetsk.
Khi Ukraine tăng cường phản công trong những tuần gần đây, có nhiều bằng chứng cho thấy thiết giáp của Nga đã chịu tổn thất nặng nề. Giới chức phương Tây cho rằng một số tiểu đoàn tác chiến của Nga đã được tổ chức lại.
Ukraine có thể giành lợi thế trên chiến trường vào thời điểm này nếu được phương Tây cấp tốc cung cấp vũ khí có khả năng làm suy giảm lợi thế của Nga về hệ thống pháo và tên lửa hạng nặng.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận thấy sự suy giảm sức mạnh chiến đấu của Ukraine khi Nga giành được lợi thế trên chiến trường.
“Giai đoạn đầu của cuộc chiến ở Ukraine thể hiện sự đoàn kết toàn cầu và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Ukraine. Điều cần thiết là việc này phải được duy trì trong thời gian dài”, ông Johnson nói tại hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. “Chúng ta phải sát cánh cùng nhau. Tổng thống Putin cho rằng bằng cách nào đó NATO và G7 sẽ tách rời nhau, nhưng chúng ta đã không làm như vậy”, ông Biden nói.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng Điện Kremlin “có ý định tiến hành một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và đang tìm cách thúc đẩy các nỗ lực để hỗ trợ các mục tiêu quân sự và chính trị lâu dài tại các khu vực bị kiểm soát của Ukraine”./.