Báo Mỹ: người Công giáo giữ vai trò hạt nhân trong phản đối bạo lực tại Myanmar

Các cuộc biểu tình đòi khôi phục dân chủ đã bùng lên trên khắp Myanmar sau cuộc đảo chính, với một số người Công giáo đứng ở vai trò hạt nhân, để phản đối bạo lực của quân đội.

Vào Chủ nhật ngày mai (16.5), Giáo hoàng Francis sẽ cử hành thánh lễ tại Rome cho người Công giáo Myanmar vào Lễ Thăng thiên. Đây được coi là động thái nhấn mạnh các nỗ lực ngoại giao và tôn giáo của Vatican nhằm thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở Myanmar.

Myanmar đã rơi vào vòng xoáy bạo lực khi các lực lượng quân sự thực hiện cuộc đảo chính vào đầu tháng 2, làm gián đoạn tiến trình dân chủ do cố vấn nhà nước trước đây, người đoạt giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, khởi xướng.

Các cuộc biểu tình đòi khôi phục dân chủ đã bùng lên trên khắp đất nước, với một số người Công giáo đứng ở vai trò hạt nhân, để phản đối bạo lực của quân đội. Gần 1.000 người được cho là đã thiệt mạng ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự và nhiều người khác đã phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc xung đột.

Linh mục Maurice Moe Aung của Hội Truyền giáo Đức tin, phát biểu trực tuyến từ Myanmar gửi về Vatican cho hay: “Nếu tình hình khó khăn này tiếp tục và như nó đã xảy ra ở các cơ sở Phật giáo, có lẽ lực lượng quân đội cũng sẽ tiến vào các nhà thờ Công giáo để kiểm soát tình hình”.

Linh mục Aung cho biết các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước, với nhiều vụ bắt giữ gây thêm áp lực lên một người dân vốn đang gặp khó khăn do đại dịch và nền kinh tế suy thoái. Theo vị linh mục này, thời gian không còn nhiều để cộng đồng quốc tế can thiệp và ngăn chặn đổ máu thêm ở Myanmar.

“Cộng đồng quốc tế phải có tiếng nói của mình. Cần phải mạnh mẽ hơn và quyết tâm hơn. Chúng tôi không thể đợi hơn nữa!". Ông Aung nói thêm rằng Đông Nam Á đã trải qua hỗn loạn cục bộ kể từ thời Khmer Đỏ ở Campuchia, cuộc chiến Đông Dương và các cuộc xâm lược của Nhật Bản.

“Bây giờ đến lượt Myanmar. Do vậy, chúng ta phải hành động nhanh chóng nếu không sẽ còn rất nhiều người chết nữa”.

Liên hợp quốc đã can thiệp bằng cách yêu cầu ngừng ngay lập tức bạo lực và khôi phục tiến trình dân chủ. Giáo hoàng Francis và các giám mục Công giáo địa phương cũng đã thẳng thắn trong việc thúc đẩy hòa giải ở Myanmar.

Giáo hoàng đưa ra lời kêu gọi đầu tiên ngay sau cuộc đảo chính, đưa ra lời khẩn cầu tới các nhà lãnh đạo Myanmar để họ có thể nỗ lực hướng tới "lợi ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia, vì một sự chung sống hòa hợp, dân chủ".

Kể từ đó, Giáo hoàng thường đề cập đến sự gần gũi của ông với người dân Myanmar, đặc biệt là giới trẻ và giới tu hành. Người theo đạo Thiên chúa chiếm khoảng 5% dân số của Myanmar, 89% theo đạo Phật, tiếp theo là dân tộc thiểu số theo đạo Hồi. Dân số Công giáo tại Myanmar trải rộng trên 16 giáo phận và Giáo hoàng đã bổ nhiệm Đức Hồng y đầu tiên ở Myanmar cho giám mục Charles Maung Bo (năm 2015).

Người Công giáo đã ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa và kêu gọi quân đội áp dụng các biện pháp bất bạo động và đối thoại. Trong một tuyên bố công khai vào ngày 21.2, Hội đồng giám mục ở Myanmar đã cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo khác “cầu nguyện kiềm chế trên đường phố và quay trở lại đối thoại”.

Họ viết: “Những người trẻ chết trên đường phố là cảnh đau lòng đã làm tổn thương lương tâm của một quốc gia. Đừng để vùng đất thiêng thấm đẫm máu anh em. Nỗi buồn của cha mẹ chôn cất con cái phải dừng lại. Nước mắt của những người mẹ không bao giờ là điều may mắn đối với bất kỳ quốc gia nào”.

Sơ Ann Rose Nu Tawng ở Myitkyina, thủ phủ của khu vực cực bắc của Myanmar, đã gây xôn xao vào cuối tháng 2 khi bà quỳ gối trước lực lượng vũ trang để bảo vệ những người biểu tình, một cử chỉ được cả Hồng y Charles Maung Bo và Giáo hoàng Francis ca ngợi.

“Tôi cũng quỳ trên đường phố Myanmar và nói: Hãy dừng bạo lực lại! Tôi cũng giang tay ra và nói: Cầu mong cuộc đối thoại thành công!”, Giáo hoàng phát biểu hôm 17.3.

Giáo hoàng Francis đã đến thăm Myanmar trong 3 ngày vào năm 2017, nơi ông đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình và đối thoại liên tôn giáo. Linh mục Aung cho biết, chuyến thăm đã để lại dấu ấn lâu dài trong xã hội đất nước và là “một nguồn khích lệ cho đối thoại giữa các tôn giáo trong nước và là chìa khóa cho sự khoan dung về tôn giáo và xã hội”.

“Sự hiện diện của Giáo hoàng rất quan trọng vì chúng tôi bị coi là tôn giáo của người nước ngoài và chúng tôi không được chào đón bởi các Phật tử (Myanmar)”, Linh mục Aung nói thêm.

Ông nói, mọi thứ đã thay đổi sau chuyến viếng thăm của Giáo hoàng, nhưng rồi cuộc đảo chính quân sự đã ngăn chặn tiến trình phát triển của đất nước và hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo. Việc cử hành Thánh lễ vào Chủ nhật của Giáo hoàng Francis là nỗ lực mới nhất của Vatican nhằm thu hút sự chú ý của toàn cầu về tình hình căng thẳng đang gia tăng ở Myanmar.

Từ cuối năm 2016, quân đội Myanmar đã bắt đầu một cuộc đàn áp bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya, một dân tộc thiểu số ở nước này. Theo Liên hợp quốc, hơn 25.000 người Rohingya đã chết tính đến năm 2018 trong điều mà tổ chức này mô tả là “một ví dụ đáng ghi vào sách giáo khoa về thanh lọc sắc tộc”.

Khi Giáo hoàng Francis đến thăm Myanmar thì ông được Hồng y Charles Maung Bo nhắc là đừng nhắc đến từ “Rohingya”. Linh mục Aung kể: “do tình hình tế nhị có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng Công giáo”, Giáo hoàng đã hạn chế sử dụng từ này ở Myanmar nhưng đã đề cập trực tiếp vấn đề liền sau đó.

“Nhân danh tất cả mọi người, những ai đã áp bức bạn, những ai đã làm hại bạn, trên hết là vì sự thờ ơ của thế giới, tôi cầu xin sự tha thứ”, Giáo hoàng phát biểu trong một cuộc gặp với những người tị nạn Rohingya ở Dhaka, Bangladesh, vào ngày 1.12.2017.

“Tình hình của người Rohingya vẫn vậy. Họ đang cố gắng rời khỏi Myanmar”, Linh mục Aung còn lưu ý rằng xung đột bắt nguồn từ sự thù địch giữa các cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo địa phương.

Thấp thoáng về tình hình ở Myanmar là Trung Quốc, quốc gia đã bị cáo buộc ủng hộ chính quyền quân sự và có các lợi ích kinh tế tại Myanmar. Trung Quốc cũng bị Phương Tây cáo buộc ngược đãi người Hồi giáo thiểu số bằng việc giam ít nhất 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung. Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này.

Giáo hoàng Francis và Vatican vẫn giữ thái độ thận trọng trong những bình luận công khai với Trung Quốc, nơi có khoảng 12 triệu người Công giáo. Tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh và Vatican đã gia hạn 2 năm một thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục mà các nhà phê bình cho rằng đã làm được rất ít để cải thiện quan hệ giữa hai bên.

Anh Tú (theo W.P)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bao-my-nguoi-cong-giao-giu-vai-tro-hat-nhan-trong-phan-doi-bao-luc-tai-myanmar-165439.html