Báo Mỹ nói gì về tên lửa 'sát thủ trên không' K-77 của Nga
Kích thước nhỏ gọn, tầm bắn xa, tên lửa không đối không K-77 được trang bị công nghệ APAA chưa từng có, trường nhìn 360 độ. Với độ chính xác cao và khả năng linh hoạt, Tạp chí quân sự Mỹ Militarywatch gọi tên lửa K-77 mới của Nga là 'kẻ thay đổi cuộc chơi'.
Tên lửa không đối không K-77 mới của Nga, một thiết kế dựa trên cơ sở R-77, lần đầu tiên được công bố. K-77 nhỏ gọn hơn, được phát triển đặc biệt để trang bị cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo Su-57 của Nga, Militarywatch viết.
K-77 được cắt bớt vây để có thể mang bên trong khoang chứa vũ khí của máy bay, giúp Su-57 có khả năng mang 8 tên lửa không đối không tầm xa và 2 tên lửa tầm ngắn. Các đối thủ của nó là F-22 Raptor của Mỹ và J-20 của Trung Quốc chỉ có thể mang 6 tên lửa tầm xa và 2 tên lửa tầm ngắn.
K-77 được các nguồn tin Nga cho biết có tầm bắn 193 km, so với tên lửa hàng đầu của Mỹ là AIM-120D đạt 180 km, nhưng kém PL-15 của Trung Quốc có tầm bắn khoảng 250-300 km.
Với tầm bắn 193 km, K-77 không phải là tên lửa không đối không tầm xa nhất mà Nga đã phát triển (R-33 tầm bắn 300 km và R-37 tầm bắn 400km). Tuy nhiên, đây là nền tảng tầm xa tinh vi nhất từng được phát triển cho một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không.
Ngoài kích thước nhỏ gọn hơn và phạm vi hoạt động xa hơn, công nghệ dẫn đường ăng ten mảng hoạt động theo giai đoạn Active Phased Array Antenna (APAA) khiến K-77 cực kỳ chính xác ngay cả khi chống lại các mục tiêu nhỏ và siêu nhanh, ở phạm cực rộng.
Một hệ thống radar tinh vi trong phần mũi tên lửa có thể khắc phục vấn đề “trường nhìn” của radar, cho phép tên lửa quan sát mục tiêu 360 độ.
Militarywatch dẫn thông tin từ Hãng truyền thông nhà nước Nga RT, nói, công nghệ APAA mà K-77 sử dụng cho phép tên lửa K-77M phản ứng ngay lập tức khi mục tiêu chuyển hướng, biến nó trở thành một sát thủ tuyệt đối.
Điều làm cho K-77 trở nên đặc biệt ở chỗ, hiện chưa có cường quốc đối thủ nào cho thấy có dấu hiệu phát triển các công nghệ tương tự cho tên lửa của họ. AIM-120D của Mỹ hiện đang được phát triển, mặc dù ấn tượng về khả năng và tầm bắn 180 km, nhưng vẫn giữ nguyên những điểm yếu của các tên lửa cũ và thiếu độ chính xác mà công nghệ APAA cung cấp cho K-77.
PL-15 của Trung Quốc, mặc dù có tầm bắn đáng kể nhưng cũng thiếu độ chính xác. Trong khi đó, các nhà sản xuất châu Âu và Israel đã thất bại trong việc phát triển bất kỳ tên lửa không đối không tầm xa nào có khả năng tấn công kẻ thù cách xa hơn 100 km. Kết quả là, K-77 có thể là chìa khóa để đảm bảo lợi thế đáng kể cho Su-57 trong không chiến.
Ngoài Su-57, máy bay phản lực tàng hình PAK FA T-50, K-77M có thể được tích hợp trên các máy bay chiến đấu tiên tiến Su-30 và Su-35 hiện có.