Từ khi ra đời cách đây gần nửa thế kỷ, MiG-31 là loại máy bay có số phận đặc biệt. Là một tiêm kích đánh chặn tầm cao siêu thanh, nó được tạo ra để bảo vệ biên giới phía Bắc của Liên Xô trước nguy cơ từ tên lửa hành trình.
Địa bàn MiG-31 phải bảo vệ là hàng nghìn km không gian hoang vắng, không có radar và hệ thống phòng không, vì vậy chiếc tiêm kích này đòi hỏi phải có tốc độ khủng khiếp, radar mạnh và tên lửa tầm xa. MiG-31 đã có mọi thứ nó cần và thậm chí còn hơn thế nữa.
MiG-31 có radar mảng pha sớm hơn 20 năm so với các tiêm kích khác. Khí tài này có kích thước rất lớn - lớn hơn nhiều lần so với radar của F-16 và các máy bay chiến đấu khác, mang lại khả năng nhìn thấy mục tiêu cách xa 400 km.
Tên lửa R-37 hạng nặng được treo dưới thân chiếc MiG-31. Chúng là vũ khí siêu thanh khi bản thân thuật ngữ này chưa tồn tại bởi đạt được tốc độ lên tới Mach 4,5. Chỉ có thiên thạch và đầu đạn tên lửa đạn đạo mới đạt tới con số này, trong khi vận tốc máy bay chỉ là Mach 2,5.
Nhiệm vụ đặt ra đã hoàn thành khi 4 chiếc MiG-31 có thể kiểm soát chiều dài không phận lên tới 1.000 km. Ngoài ra nó còn có khả năng trao đổi dữ liệu tự động với radar bay A-50 - mang lại khả năng nhìn xa hơn để đánh chặn từ sớm mọi loại mục tiêu.
Nhưng MiG-31 không phải là một máy bay chiến đấu thông thường. Không chiến quần vòng cự ly ngắn chẳng phải sở trường nó. Đuổi kịp mục tiêu ở tầng bình lưu hay hạ gục từ khoảng cách vài trăm km thì có thể, nhưng thao diễn linh hoạt thì lại là chuyện khác.
Trong thế kỷ XXI, MiG-31 có một vai trò mới - mang tên lửa siêu thanh cho các cuộc tấn công mặt đất. Tốc độ cao, khả năng thực hiện vụ phóng từ tầng bình lưu và mang vũ khí hạng nặng khiến máy bay trở thành ứng cử viên lý tưởng cho vai trò này.
Ngoài ra vào cuối Chiến tranh Lạnh, nhiều chiếc MiG-31 đã được đưa vào diện bảo quản, điều này cho phép Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga nhanh chóng mở rộng phi đội hiện có mà không cần khởi động lại sản xuất, tạp chí Military Watch cho biết.
Hiệu quả của phiên bản đặc biệt MiG-31K mang tên lửa siêu thanh có thể được đánh giá qua nhận xét của đối thủ. Mỗi khi chiến đấu cơ mang Kinzhal cất cánh, còi báo động không kích lại vang lên khắp Ukraine.
"Chúng tôi không thể bắn hạ Kinzhal", ông Yuriy Ignat - người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine thành thật thừa nhận và nói thêm rằng kể cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 tối tân do Mỹ cung cấp cũng phải bất lực.
Sao Đỏ