Báo Mỹ thừa nhận phương Tây nếm trái đắng
Trừng phạt của phương Tây không làm kinh tế Nga sụp đổ, trong khi chính các nước EU lại lao đao trong cơn khủng hoảng năng lượng
Theo nhà báo Carlos Roa viết trên The National Interest (NI), sở dĩ có sự đánh giá sai về kinh tế Nga là do những định hướng lệch lạc của các chính khách không mấy am hiểu về kinh tế.
Nhà quan sát kêu gọi ngừng so sánh các nền kinh tế Nga và Italia về GDP, bởi theo ông, bằng cách này, phương Tây chỉ lừa dối chính mình.
Ông nhắc lại vào năm 2014, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindy Graham, sử dụng ví dụ so sánh các chỉ số GDP, cố gắng chứng minh tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Nga đối với phương Tây và kể từ đó, nó đã trở thành một so sánh khuôn mẫu cho các khóa học kinh tế và chính trị phương Tây.
Nhà báo Carlos Roa khẳng định, phương Tây đã nhầm lẫn về tình trạng của nền kinh tế Nga và đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Liệu Nga có thể đối phó với khối lượng lệnh trừng phạt như vậy nếu nền kinh tế Nga quá tồi tệ như những gì phương Tây vẫn tự huyễn hoặc mình?”.
Tác giả cho rằng, không thể so sánh các nền kinh tế chỉ theo tiêu chí GDP. Xét về sức mua tương đương (PPP), Nga ngang bằng với Đức và về sản xuất hàng hóa, nước này dẫn trước cả Đức và Pháp.
Được biết, kể từ sau chính biến Maidan 2014 ở Kiev dẫn đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng ngàn lệnh trừng phạt lớn nhỏ đối với Moscow, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, đối với cả các cá nhân và chủ thể pháp nhân của Nga.
Đặc biệt là sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, thế giới phương Tây đã tiếp tục tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow.
Các nước thuộc Liên minh Châu Âu xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nhiều quốc gia tuyên bố đóng băng tài sản và kêu gọi từ bỏ năng lượng của Moscow.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, tác dụng ngược của các lệnh trừng phạt đã trở thành “nỗi đau” đối với Mỹ và đồng minh, khi giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh, khiến các nước châu Âu lao đao trong cơn khủng hoảng năng lượng.
Ngược lại, các biện pháp trừng phạt không thực sự mang tính toàn cầu và có nhiều nước đã không tuân theo nó. Vì vậy, Moscow dễ dàng vượt qua chúng, trong khi còn Nga lại kiếm được nguồn lợi lớn nhờ bán dầu mỏ và khí đốt cho các nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tuần trước đã tuyên bố rằng, kinh tế Nga tiếp tục phát triển nhanh chóng, GDP sẽ tăng trưởng vào cuối năm nay.
Trong quý đầu năm 2023, doanh thu cho ngân sách Nga lên tới 13 nghìn tỷ rúp (tương đương với gần 160 tỷ USD).
Dự kiến nguồn thu trong Quý II sẽ tăng cao hơn do nhiều khoản thu ngoài dầu khí sẽ được đưa vào ngân sách.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-my-thua-nhan-phuong-tay-nem-trai-dang-post635216.html