Tờ báo Mỹ đã đánh giá cơ hội của Washington trong việc thuyết phục Ấn Độ từ bỏ hệ thống phòng không S-400 Nga bằng cách lựa chọn tổ hợp THAAD do nước này sản xuất.
Theo Military Watch, việc so sánh độ tin cậy của hai nền tảng không có lợi cho Washington. Chính vì lý do này mà New Delhi sẽ không đổi S-400 để lấy một vũ khí đắt tiền hơn nhưng kém hiệu quả hơn nhiều.
Các nhà quan sát của Military Watch lưu ý rằng một trong những lý do chính thúc đẩy Ấn Độ mua S-400 là khả năng của hệ thống phòng không Nga trong việc chống lại máy bay sử dụng công nghệ tàng hình.
Đối thủ chính của New Delhi - Bắc Kinh, đang xây dựng đội máy bay như vậy. Chúng ta đang nói về tiêm kích J-20 hiện tại của Trung Quốc cũng như oanh tạc cơ H-20 đầy hứa hẹn và những phi cơ không người lái tàng hình mới nhất.
“Khác với S-400, THAAD không chỉ thiếu khả năng chống lại máy bay tàng hình. Hệ thống của Mỹ hoàn toàn không có khả năng chống lại máy bay đối phương và chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo”, tờ Military Watch viết.
Một ưu điểm khác của vũ khí Nga là chúng có thể tạo ra một hệ thống đa cấp để bảo vệ không phận Ấn Độ. S-400, khi được trang bị nhiều loại tên lửa với các tầm bắn khác nhau - từ 40 đến 400 km. Hệ thống THAAD của Mỹ chỉ sử dụng một loại đạn duy nhất.
“Tổ hợp THAAD chỉ có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200 km. Điều này có nghĩa là một hệ thống THAAD duy nhất có thể bao phủ ít hơn một phần tư khu vực chịu ảnh hưởng của S-400".
“Vì vậy sẽ là quá đắt đối với Ấn Độ nếu mua hệ thống phòng không của Mỹ. Không chỉ vì bản thân giá thành của tổ hợp này cao hơn so với vũ khí Nga. Sẽ cần nhiều khẩu đội THAAD hơn đáng kể để bao phủ hoàn toàn biên giới Ấn Độ”, Military Watch nhấn mạnh.
Ngoài ra hệ thống THAAD cũng không phù hợp với nhu cầu phòng thủ của New Delhi. Trước hết, tổ hợp này được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở độ cao lớn. Tuy nhiên, chúng thực tế vô dụng trước các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trong khi đó Ấn Độ lại lo ngại đặc biệt việc Trung Quốc và Pakistan sẽ sử dụng vũ khí trên để tấn công mình. Đây là một điểm khác biệt có lợi dành cho hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Cuối cùng, THAAD của Mỹ nhìn chung kém hơn về hiệu quả và độ tin cậy so với S-400 của Nga: điều này đã được chứng minh cả trong thử nghiệm và thực chiến.
“Ngược lại với THAAD, S-400 đã chứng minh khả năng đánh chặn cả tên lửa siêu thanh”, các nhà phân tích của tờ báo Mỹ lưu ý.
Trước thực tế trên, Ấn Độ tỏ ra rất cần hệ thống phòng không Nga và sẽ không thay đổi chúng bằng vũ khí do Mỹ sản xuất.
Tờ Military Watch giải thích: “Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây của họ không có khả năng cung cấp hệ thống phòng không có độ tin cậy tương đương với Nga do phần lớn là kết quả của việc đầu tư rất hạn chế vào lĩnh vực này”.
“Vấn đề là các nước NATO từ lâu đã chú trọng vào việc vô hiệu hóa các mục tiêu ngay từ trên không, họ rất ít sử dụng các loại đạn đất đối không”.
Theo Bạch Dương/ANTĐ