Báo Mỹ tiết lộ cách vũ khí Nga diệt vệ tinh
Trang National Interest vừa tiết lộ về loại vũ khí đặc biệt Nga đang thử nghiệm và cách thức vũ khí này diệt vệ tinh khiến Mỹ lo lắng.
Báo Mỹ dẫn lời chuyên gia phân tích về các dự án không gian của Liên Xô và Nga, Bert Hendrix cho rằng, Moskva đang đạt được những bước tiến đáng kể với chương trình vũ khí không gian Bedevetnik.
Loại vũ khí này là một thiết bị bay không gian cỡ nhỏ, được thiết kế đủ để đặt trong tên lửa hàng không. Thiết bị diệt vệ tinh này có thể được ngụy trang như một tên lửa phóng từ máy bay thông thường.
Vị chuyên gia này cho biết, bệ phóng của tên lửa là tiêm kích MiG-31BM để đưa tên lửa lên độ cao lớn. Khi đủ sơ tốc và cao độ, máy bay sẽ phóng tên lửa mang thiết bị diệt vệ tinh lên quỹ đạo. Sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, thiết bị sẽ tự kích hoạt đầu dò tự dẫn để lao vào tiêu diệt vệ tinh đối phương.
Không chỉ là lời nói suông, chuyên gia Bert Hendrix đã công bố một số bức ảnh về máy bay MiG-31BM mang các tên lửa có kích thước đặc biệt dưới thân. Tên lửa có kích thước quá khổ so với các dòng tên lửa phóng từ máy bay thông thường của Nga và nhiều khả năng đây chính là vũ khí chống vệ tinh mới.
Kể từ năm 2013 đến nay, Nga đã nhiều lần thử nghiệm loại vũ khí này nhưng không rõ kết quả và mức độ hoàn thiện của Nga với chương trình vũ khí này thế nào.
Giới chuyên gia cho rằng, thông tin và hình ảnh được Bert Hendrix nói đến chính là dòng tên lửa diệt vệ tinh 97M6 có chiều dài gần 10 mét, đường kính 740mm, trọng lượng phóng 4,5 tấn. Tên lửa có thể tiêu diệt vệ tinh ở độ cao từ 120-600km, giai đoạn 2 của chương trình sẽ tiêu diệt vệ tinh ở độ cao tới 1.500km.
Để kích hoạt, tiêm kích MiG-31D sẽ đưa tên lửa 79M6 lên độ cao từ 15-18km, sau đó MiG-31 sẽ thực hiện một động tác cơ động và phóng tên lửa. Tên lửa có thời gian bay đến mục tiêu từ 100-380 giây.
Theo bản thuyết minh thiết kế, MiG-31D cùng tên lửa 79M6 có thể tiêu diệt 24 vệ tinh trong vòng 36 giờ đồng hồ. Nếu thành công, Nga sẽ sở hữu khả năng tiêu diệt vệ tinh hàng đầu thế giới.
Biến thể MiG-31D chống vệ tinh mang số hiệu 071 và 072 đã tiến hành các chuyến bay thử nghiệm vào năm 1987. Tuy nhiên không có thử nghiệm với tên lửa được tiến hành. Chương trình bị đình chỉ vào năm 1989 trước khi phát triển đạt đến thử nghiệm ban đầu.
Chương trình bị hủy bỏ là do sự khó khăn về kinh tế khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, năm 2009, Tư lệnh không quân Nga tướng Alexander Nikolayevich Zelin xác nhận Nga đang hồi sinh chương trình vũ khí không gian với biến thể mới của 79M6 trên tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Trong khi giới quân sự Mỹ cáo buộc Nga đang âm thầm phát triển vũ khí trong không gian để chống vệ tinh thì Nga cũng có cáo buộc tương tự.
Trang Russia Today dẫn tuyên bố của Vụ trưởng Vụ Kiểm soát vũ khí và Hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Ermakov đã cảnh báo Mỹ không nên đưa vũ khí vào không gian.
"Trong học thuyết quân sự của Mỹ quy định rất rõ ràng rằng, nước này sẽ huy động toàn bộ lực lượng có thể huy động được để giành quyền chủ đạo trong không gian.
Điều này nhằm mục đích gì, không nói mọi người cũng thấy rất rõ. Trong trường hợp tất yếu, Mỹ sẽ bố trí vũ khí tấn công và các thiết có thể hủy diệt bất cứ quốc gia khác mà Mỹ không thích", ông Vladimir Ermakov nói.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ dừng tất cả các bước củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa trong không gian vũ trụ vì cho rằng hành động này phá hoại sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Mọi công tác chuẩn bị cho việc thành lập nhóm phòng thủ tên lửa đạn đạo trên vũ trụ rõ ràng là những bước đi tiếp theo để hiện thực hóa nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu "người Mỹ thống trị vũ trụ".
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Quốc phòng Quốc gia cho tài khóa 2019, trong đó quy định "việc phát triển và triển khai cấu trúc cảm biến bền vững trong vũ trụ" được thực hiện trước cuối năm 2022 nhằm đảm bảo tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.