Báo Nga: Có cuộc tấn công thông tin vào Faceapp
Báo Nga cho rằng có một cuộc tấn công thông tin vào Faceapp do người Nga sáng tạo ra.
Mục Quan điểm-ý kiến của báo Sputnik cho hay, ông Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Mỹ kêu gọi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra và kiêm tra ứng dụng chỉnh sửa ảnh FaceApp được phát triển ở Nga.
Ông Chuck Schumer lo ngại rằng FaceApp có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ, nhưng thực sự có cần cảnh giác ứng dụng này hay đây là một trò chơi chính trị đơn giản?
Báo Nga cho rằng có một cuộc tấn công thông tin vào Faceapp.
Cách đây 2 ngày, một bài viết của một lập trình viên Joshua Nozzi, cho rằng ứng dụng FaceApp đánh cắp ảnh từ bộ nhớ của điện thoại thông minh, gây ra sự cộng hưởng rộng rãi trong các mạng xã hội.
Tác giả Nozzi tuyên bố rằng ngoài ảnh được người dùng chọn tải lên, ứng dụng sẽ tải thêm một số hình ảnh về máy chủ.
Ông gọi việc ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào tất cả các ảnh trên thiết bị trong lúc tải xuống trở thành là lý do cho cáo buộc này.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhắc nhở rằng một yêu cầu tương tự được thực hiện bởi hầu hết các ứng dụng di động hoạt động với hình ảnh.
Trang Sputnik dẫn báo cáo của trang The Daily Beast của Mỹ dẫn lời của chuyên gia người Pháp Robert Baptista, người đã nghiên cứu tình hình với FaceApp, nhưng không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy ứng dụng này thực sự tải tất cả các bức ảnh từ thiết bị.
“Họ có một chính sách bảo mật tồi tệ, nhưng đây là điều phổ biến (ám chỉ hầu như tất cả các ứng dụng trên điện thoại thông minh-PV”, ông nói.
Cuối cùng, Joshua Nozzi đã phải thừa nhận sai lầm của mình. Ông viết về điều này trên blog cá nhân của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi thừa nhận sai lầm mình, ông vẫn kêu gọi người dùng cẩn thận khi tải xuống FaceApp.
Đổi lại, nhà phát triển ứng dụng này đã bác bỏ các cáo buộc rằng FaceApp thu thập dữ liệu bất hợp pháp từ bộ nhớ của điện thoại thông minh và chuyển chúng cho bên thứ ba.
Người sáng lập ra dịch vụ, ông Yaroslav Goncharov, giải thích, những bức ảnh do người dùng lựa chọn được xử lý trong dịch vụ đám mây.
“Chúng tôi không bán hay chuyển bất kỳ dữ liệu người dùng nào cho bên thứ ba”, - ông Goncharov nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, đảng Dân chủ Hoa Kỳ không thể vượt qua những tin đồn về sự nguy hiểm tiềm tàng của ứng dụng giải trí Nga trong bối cảnh của chiến dịch gần đây dành riêng cho việc Moskva dùng công nghệ thông tin để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.
Lời kêu gọi của Chuck Schumer với FBI vì ứng dụng FaceApp nhằm thu hút sự quan tâm đến hai chủ đề "tin tặc Nga" và "sự can thiệp của Moscow".
“Thông thường hành động như vậy của thượng nghị sĩ được kết nối với những quảng cáo chính trị. Nhu cầu của thượng nghị sĩ trông như mong muốn thể hiện lại những người Nga xấu xa, nhưng điều này thật buồn cười”, - nhà chuyên gia nói.
FaceApp là một ứng dụng di động cho iOS và Android được phát triển bởi công ty Wireless Lab của Nga, sử dụng công nghệ mạng thần kinh để tự động tạo ra các biến đổi khuôn mặt rất thực tế trong ảnh. Ứng dụng có thể biến đổi khuôn mặt để khiến nó cười, trông trẻ hơn, trông già đi hoặc thậm chí thay đổi giới tính.