Mới đây, một bài báo trên trang tin điện tử Rg.ru của Nga đã đăng bài tin và hình ảnh về một khẩu đội pháo Việt Nam sử dụng pháo ZiS-3 76 mm, sản xuất dưới thời Liên Xô cũ để phòng thủ bờ biển. Nguồn ảnh: TL.
Pháo chống tăng 76 mm ZiS-3 là vũ khí huyền thoại của Hồng quân Liên Xô. Những khẩu pháo này, đã chiến đấu rất hiệu quả trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Nguồn ảnh: TL.
ZiS-3 hay M1942 76 mm là loại pháo dã chiến cấp sư đoàn, có cỡ nòng 76,2 mm do nhà máy ZiS của Liên Xô chế tạo. Sau chiến tranh, Liên Xô dừng sản xuất loại pháo này, dần thay thế nó bằng pháo D-44 cỡ nòng 85 mm và chuyển giao cho nhiều nước đồng minh. Nguồn ảnh: TL.
Pháo dã chiến 76 mm ZiS-3 vẫn được sử dụng trong hàng loạt các cuộc chiến tranh thời chiến tranh lạnh, như chiến tranh Triều Tiên, nội chiến Li-Băng, chiến tranh biên giới Nam Phi,... Hiện khẩu pháo này vẫn tiếp tục được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Việt Nam. Nguồn ảnh: TL.
Mặc dù có tuổi đời đã cao, tuy nhiên về cơ bản pháo ZiS-3 vẫn đáp ứng cơ bản nhu cầu của tác chiến hiện đại. Hỏa lực của khẩu pháo này, dù khó có thể đánh bại được xe tăng của đối phương, nhưng lại vẫn có thể yểm trợ bộ binh, tấn công các loại thiết giáp chở quân của thế kỷ 21. Nguồn ảnh: TL.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam số lượng lớn pháo ZiS-3. Kết thúc chiến tranh, rất nhiều khẩu pháo ZiS-3 được đưa vào niêm cất để bảo quản lâu dài. Sau đó tại nhà máy Z133 Bộ Quốc phòng, những khẩu ZiS-3 được bảo dưỡng và được biên chế cho lực lượng hải quân đánh bộ Việt Nam. Nguồn ảnh: TL.
Đây là khẩu pháo rất phù hợp với lực lượng hải quân đánh bộ, do nó có trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển chỉ bằng sức người, có thể vận chuyển tốt bằng các loại tàu, xuồng đổ bộ của lực lượng ta hiện nay. Nguồn ảnh: QPVN.
Trong biên chế của lực lượng hải quân đánh bộ, mục tiêu của pháo ZiS-3 sẽ chỉ là tàu, xuồng của đối phương hoặc các mục tiêu kiên cố trên mặt đất như boong-ke, hầm ngầm địch. Có thể khẳng định, khẩu pháo ZiS-3 dù đã bước qua tuổi "thất thập", vẫn hoàn toàn đủ sức đối đầu với các loại mục tiêu đặc thù kể trên. Nguồn ảnh: QPVN.
Các chuyên gia quân sự Nga và Liên Xô trước đây đều tỏ ra thán phục và đánh giá rất cao khả năng bảo quản và sử dụng vũ khí, trang bị của bộ đội Việt Nam. Những vũ khí từ thời thế chiến 2 như ZiS-3 trong biên chế quân đội Việt Nam, vẫn được sử dụng rất tốt. Nguồn ảnh: TL.
Pháo ZiS-3 được thiết kế bởi kỹ sư tài năng Vasily Grabin vào năm 1942, trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh Vệ quốc. Có hàng chục nghìn khẩu pháo ZiS-3 được sản xuất trong suốt cuộc chiến, là loại hỏa lực mạnh yểm trợ cho bộ binh Liên Xô. Nguồn ảnh: TL.
Như đa phần những vũ khí huyền thoại khác của Liên Xô, ZiS-3 là khẩu pháo chống tăng có thiết kế rất đơn giản, tiện dụng và rất chắc chắn. Pháo có chiều dài nòng gấp 40 lần đường kính nòng. Nguồn ảnh: TL.
Pháo có thể sử dụng được tất cả các loại đạn 76 mm, từ đạn chống tăng nổ cao, đạn cháy xuyên giáp, đạn lửa, đạn khói, đạn cháy phá. Tầm bắn tối đa của ZIS-3 là 13 km khi sử dụng đạn nổ phân mảnh, nhưng thường được sử dụng để bắn đạn xuyên giáp ở cự ly hiệu quả 4.000m. Nguồn ảnh: TL.
Khẩu pháo sẽ được cố định vào mặt đất bởi những pháo thủ và gần như không rung xóc khi bắn, 6 người có thể tương đối dễ dàng di chuyển khẩu pháo từ vị trí này sang vị trí khác. Trọng lượng của ZiS-3 rất nhẹ, chỉ dưới 2 tấn nên mọi phương tiện đều có thể kéo pháo theo, kể cả vật nuôi như trâu, bò cũng có thể kéo được khẩu pháo này. Nguồn ảnh: QPVN.
Pháo ZiS-3 vốn được thiết kế làm pháo kéo. Tuy nhiên, nó cũng được quân đội Liên Xô biến đổi thành pháo tự hành Su-76. Và Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đã đưa ZiS-3 lên khung gầm xe tải M548 của Mỹ, để biến nó thành pháo tự hành. Nguồn ảnh: TTXVN.
Sức mạnh của khẩu pháo dã chiến ZiS-3 76mm khi đồng loạt khai hỏa ở cấp sư đoàn. Nguồn: WA.
Thái Hòa