Báo Nga viết về thảm trạng của tên lửa Ukraine 'có thể đánh sập cầu Crimea'
Nga là nước hiểu rõ nhất năng lực, sức mạnh và tiềm năng chế tạo hàng loạt tên lửa của Ukraine hiện nay.
Ông Alexandr Trupchinov, Cựu Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine và tên lửa chống hạm được Kiev kỳ vọng - ảnh Kính Vạn Hoa Chính Trị.
Báo Kính Vạn Hoa Chính Trị của Nga ngày 26/4 có bài biết đánh giá toàn diện về khả năng, triển vọng của tên lửa chống hạm Ukraine có khả năng đánh sập cầu Crimea.
Theo trang báo của Nga, trong một thời gian dài, cả giới chuyên môn và công chúng đều có quan điểm nhất trí: Người Ukraine không có khả năng thực hiện các dự án đột phá. Mức độ công nghiệp của Ukraine đã và đang gặp phải quá nhiều rào cản và thách thức.
Báo Kính Vạn Hoa Chính Trị cho rằng, và điều này là khá thất vọng đối với quân đội của Ukraine. Vào năm 2020, các số liệu từ tổ hợp công nghiệp-quân sự Ukraine cho biết nước này sẽ có một hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển trong biên chế.
Tổ hợp huấn luyện vận hành tên lửa chống hạm Neptune R-360 đầu tiên của Ukraine.
Loại vũ khí cực kỳ hiện đại này – tên lửa Neptune (Hải Vương) được ca tụng là có khả năng “không để lại một mẩu sắt nào khỏi hạm đội Nga” ngay cả khi các chiến hạm Nga xuất hiện trên biển cả hay đang neo đậu ở các căn cứ quê hương.
Ông Alexandr Trupchinov, Cựu Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, từng ám chỉ rõ ràng về mối đe dọa thực sự của tên lửa Neptune đối với cây cầu Crimea Nga đã xây dựng.
Tờ Kính Vạn Hoa Chính Trị của Nga cho rằng, thực tình, các nhà chức trách Ukraine có cơ sở để lạc quan: ít nhất là vào lúc đầu, công việc liên quan đến dự án chế tạo tên lửa chống hạm, vệ bờ Neptune R-360 được tiến hành nhanh chóng.
Tên lửa R-360 đang được Ukraine kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng, theo Kính Vạn Hoa Chính Trị , được kế thừa từ Liên Xô. Trong trường hợp này, các nhà thiết kế Ukraine đã rất may mắn.
Xe chở đài chỉ huy tên lửa R-360 nguyên mẫu.
Trước đây, hoạt động hợp tác với Cục thiết kế Zvezda của Nga vẫn được duy trì, và vào năm 2002, khi nhận được tài liệu từ các nhà phát triển cho phiên bản tên lửa chống hạm X-35, người Ukraine đã tạo ra thiết bị tương tự của riêng họ - tên lửa Neptune R-360.
Năm 2018, một tổ hợp Neptune R-360 mẫu đã được đưa đến triển lãm ở Abu Dhabi, sau đó các cuộc thử nghiệm cũng đã đạt được thành công. Vào năm 2020, tên lửa Neptune R-360 đã được thử nghiệm.
Bộ Quốc phòng Ukraine tự hào thông báo về việc sẽ đưa các tổ hợp Neptune R-360 vào phục vụ nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu.
Xe chở và phóng đạn tên lửa Neptune R-360 nguyên mẫu.
Sản xuất nối tiếp đã được lên kế hoạch cho năm 2021. Việc chế tạo tên lửa Neptune R-360 đã được Ukraine chia làm ba bộ phận cấu thành sản xuất chính, được cho là đặt ở các nhà máy tại khu vực miền nam của đất nước.
Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu. Chưa đầy vài tháng sau, “tiếng chuông đầu tiên vang lên”.
Nhà máy ô tô Kremenchug bị phá sản. Các vấn đề của công ty Kremenchug kéo dài hơn một năm, chuyến thăm của Tổng thống trẻ Zelensky cũng không thay đổi được gì, mặc dù nhà lãnh đạo này đã hứa sẽ tài trợ và hỗ trợ kinh phí để công ty Kremenchug có được một đơn đặt hàng của nhà nước.
Xe tải quân sự hạng nặng KrAZ-6322.
Kremenchug phần lớn được gắn với các sản phẩm xe tải hạng nặng KrAZ. Các bộ phận cấu thành của tổ hợp tên lửa gồm đài chỉ huy di động, cũng như xe tải, được tạo ra trên cơ sở của các loại khung gầm xe tải KrAZ-6322 và KrAZ-7634.
Tác giả bài báo trên trang Kính Vạn Hoa Chính Trị viết rằng: “Nếu ai đó nghĩ rằng vì mục đích thực hiện một dự án quân sự quan trọng như vậy mà có người sẵn sàng lao vào cứu nhà máy thì họ đã nhầm.
Chúng ta (Nga) sẽ tư vấn cho họ một giải pháp tốt hơn: Sử dụng khung gầm của xe tải Tatra của Séc để thay thế khung gầm KrAZ.
Đúng, những để làm được điều này sẽ yêu cầu sửa đổi thiết kế, sẽ gia tăng chi phí bổ sung đáng kể, nhưng không có gì - điều chính là khiến “người ta” phải xấu hổ!”.
Xe tải bọc thép Tatra của Séc.
Một vấn đề nghiêm trọng không kém nữa nổi lên, báo Kính Vạn Hoa Chính Trị nói, đồng thời chỉ ra rằng:
“Cuộc khủng hoảng bao trùm nhà máy máy bay Kharkov, nơi chịu trách nhiệm lắp ráp tên lửa. Tình trạng này đã diễn ra ít nhất kể từ năm 2014, khi trái phiếu bị vỡ nợ.
Từ đó đến nay, doanh nghiệp này vẫn hoạt động bằng chi phí bảo dưỡng... máy bay. Và bây giờ thực tế là công ty này đã phá sản với khoản nợ 70 triệu USD.
Và với động cơ tên lửa cũng vậy, lại thêm một tình huống khó khăn. Công ty cổ phần sản xuất động cơ máy bay phản lực và máy bay truwch thăng Motor Sich xấu số được cho là sẽ tham gia vào quá trình sản xuất tên lửa Neptune R-360 của quân đội Ukraine.
Nếu ai không biết, Motor Sich đã trở thành một màn phản quảng cáo cho ngành công nghiệp Ukraine. Sau khi người Trung Quốc liều lĩnh đầu tư rất nhiều tiền vào nhà máy của Motor Sich, chính quyền Ukraine đã khống chế cổ phần kiểm soát, và kết quả là bây giờ không còn khung kế hoạch thời gian cho cho việc chế tạo động cơ tên lửa cho hệ thống vũ khí chống hạm Neptune R-360 nữa vì nhà máy của Motor Sich còn đang chờ... thử nghiệm.
Động cơ máy bay của công ty Motor Sich.
Tóm lại, theo báo Kính Vạn Hoa Chính Trị của Nga, các khó khăn đang dồn dập, như một sự trùng hợp bi đát của hoàn cảnh: Đầu tiên là Nhà máy ô tô Kremenchug, tiếp theo là Nhà máy Hàng không Kharkov, và bây giờ là công ty cổ phần Motor Sich.
Trang báo của Nga cho rằng, điều này đã được dự báo, bởi vì đây là tình trạng của ngành công nghiệp Ukraine. Những xưởng đóng tàu không còn đóng được tàu, và suy cho cùng, họ đã từng là niềm tự hào của đất nước.
“Tại Nhà máy xe tăng Kharkov, họ đã không nói về xe tăng mới trong một thời gian dài - họ hầu như không sửa chữa những chiếc chiến xã cũ ở đó nữa. Cỏ dại mọc um tùm trên lãnh thổ Yuzhmash.
Họ quên mất kế hoạch chế tạo máy bay chở khách Antonov huyền thoại. Nhà máy thép Kremenchug cũng mới chỉ hoạt động được vài năm. Ngay cả ở công ty Lvovselmash, nơi đã sản xuất một số loại máy móc nông nghiệp, cũng bị tuyên bố phá sản và chỉ tồn tại được nhờ trợ cấp của nhà nước.
Vì vậy, dự án hoành tráng (chế tạo hàng loạt tên lửa Neptune R-360) đã thất bại. Điều này đã được bộ phận quân sự Ukraine gián tiếp thừa nhận. Chương trình ngân sách, đã được Kiev ban hành, cho biết các loại thiết bị quân sự dự kiến sẽ được chuyển giao cho quân đội vào năm 2021.
Chỉ có "Neptune" là không có trong danh sách. Cho đến nay, các nhà chức trách đang trấn an họ bằng cách nói rằng việc triển khai chỉ bị hoãn lại - nhưng mọi thứ cho thấy dự án không còn khả năng trở thành hiện thực. Tình hình ngày nay quá đáng báo động” – trang báo ở Nga kết luận.