Báo ngoại tiết lộ điểm ngắm động vật hoang dã đẹp nhất Việt Nam

Côn Đảo, Cát Bà, Vườn Quốc gia Yok Đôn,... là một số địa điểm nổi bật trong danh sách địa điểm ngắm động vật hoang dã ở Việt Nam do tạp chí du lịch Wanderlust (Anh) giới thiệu.

 Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng rùa mẹ đẻ trứng vào ban đêm và thả rùa con ở Côn Đảo. Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng rùa mẹ đẻ trứng vào ban đêm và thả rùa con ở Côn Đảo. Ảnh: Linh Huỳnh.

Với đường bờ biển dài hình chữ S, Việt Nam sở hữu hệ sinh thái đa dạng với rừng nhiệt đới, núi non, các dãy núi đá vôi hùng vĩ, vùng đất ngập nước và bờ biển hoang sơ. Nhờ đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thế giới, là một kỳ quan của sự đa dạng sinh học, Wanderlust nhận xét.

Dù chưa được biết đến rộng rãi như một địa điểm lý tưởng để trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, Việt Nam vẫn có nhiều khu vực tự nhiên được bảo tồn tốt, nơi các nhà hoạt động vì môi trường đang nỗ lực để phục hồi sự cân bằng sinh thái và bảo vệ các điểm nóng đa dạng sinh học.

Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Nằm ngoài khơi bờ biển Nam bộ, Côn Đảo là quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, được bao bọc bởi những bãi biển hoang sơ và núi non hùng vĩ. Đây là khu vực bảo tồn rùa quan trọng nhất ở Việt Nam, đồng thời sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng với những rạn san hô rực rỡ, cá cúi (hay còn gọi là dugong, bò biển), cá heo,... Một phần của quần đảo còn được công nhận là vùng đất ngập nước Ramsar - khu vực biển duy nhất ở Việt Nam nhận danh hiệu này.

Mỗi năm, hàng nghìn cá thể rùa xanh và đồi mồi tìm về các bãi biển hoang sơ của Côn Đảo để đẻ trứng. Du khách có thể tham gia tour xem rùa đẻ trứng cùng hướng dẫn viên (HDV) của Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo vào ban đêm và thả những chú rùa con về đại dương vào ban ngày.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Từ tháng 4 đến tháng 11 để có cơ hội chứng kiến rùa con nở và bò về biển.

 Cụm 16 hòn đảo được bao quanh bởi những bãi biển là khu vực quan trọng để rùa làm tổ đẻ trứng. Ảnh: Shutterstock.

Cụm 16 hòn đảo được bao quanh bởi những bãi biển là khu vực quan trọng để rùa làm tổ đẻ trứng. Ảnh: Shutterstock.

Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đăk Lăk)

Số lượng voi hoang dã ở Việt Nam đang ở mức báo động. Chính phủ đã triển khai Kế hoạch hành động Bảo tồn Voi vào tháng 11/2024 nhằm bảo vệ loài động vật này. Từ khoảng 2.000 cá thể voi vào những năm 1980, hiện số lượng voi châu Á chỉ còn khoảng 200 con.

Nơi tốt nhất để quan sát loài voi là rừng khô của VQG Yok Đôn, nằm gần biên giới Campuchia. Du khách có thể cùng HDV đi bộ xuyên rừng, tìm hiểu về tập tính, câu chuyện của những cá thể voi từng bị nuôi nhốt và chứng kiến chúng kiếm ăn trong môi trường tự nhiên nếu may mắn.

Ngoài ra, Yok Đôn còn là thiên đường cho những ai yêu thích chim chóc. Bạn có thể lên thuyền xuôi dòng sông Sêrêpôk, quan sát hơn 300 loài chim, bao gồm bói cá, sáo đen và đặc biệt là sếu đầu đỏ quý hiếm.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 3.

 Nơi tốt nhất để quan sát voi châu Á là ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Shutterstock.

Nơi tốt nhất để quan sát voi châu Á là ở Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Shutterstock.

Đảo Cát Bà (Hải Phòng)

Đảo Cát Bà sở hữu những dãy núi đá vôi hiểm trở và rừng xanh bạt ngàn, nằm ở rìa vịnh Hạ Long - khu di sản được UNESCO bảo vệ. Đây là nơi sinh sống của một trong những loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới - voọc Cát Bà, còn được gọi là voọc đầu vàng do bộ lông vàng quanh khuôn mặt đen. Đặc biệt, voọc con khi mới sinh có bộ lông cam rực rỡ, đáng yêu.

Hiện có khoảng 80 cá thể loài này sinh sống trên đảo, chủ yếu trong VQG Cát Bà. Nhờ nỗ lực bảo tồn, số lượng voọc đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua, nhưng vẫn đối mặt nguy cơ tuyệt chủng do săn bắt và mất môi trường sống do phát triển du lịch không bền vững.

Đặc biệt, chúng có thể uống nước biển để sinh tồn. Du khách có thể tham gia các tour trekking do VQG Cát Bà tổ chức để có cơ hội hiếm hoi được tận mắt chứng kiến loài linh trưởng đặc biệt này.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Từ tháng 4 đến tháng 11.

 Voọc Cát Bà, còn được gọi là voọc đầu vàng, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock.

Voọc Cát Bà, còn được gọi là voọc đầu vàng, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock.

Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình)

Việt Nam là quê hương của 25 loài linh trưởng, trong đó có 5 loài đặc hữu không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, bao gồm voọc mũi hếch và voọc Delacour. Để tận mắt thấy chúng, du khách có thể đến VQG Cúc Phương, cách Hà Nội khoảng 2,5 giờ đi xe.

Nơi đây có Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp và Trung tâm Giáo dục Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê. Du khách có thể tham gia hành trình trekking kéo dài vài ngày trong rừng để có cơ hội ngắm báo gấm, gấu ngựa châu Á, voọc Delacour và chim hồng hoàng. Dựng trại qua đêm dưới sự hướng dẫn của HDV VQG sẽ giúp tăng khả năng bắt gặp những loài động vật quý hiếm này.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Từ tháng 11 đến tháng 4.

 Voọc chà vá chân đỏ có thể được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Shutterstock.

Voọc chà vá chân đỏ có thể được tìm thấy ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Shutterstock.

Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Tọa lạc ở phía Bắc Đà Nẵng - bán đảo Sơn Trà là nơi sinh sống của hơn 1.000 cá thể voọc chà vá chân đỏ. Nhờ nỗ lực bảo tồn của tổ chức GreenViet, loài linh trưởng quý hiếm này ngày càng được chú ý.

Du khách có thể tham gia tour từ Đà Nẵng hoặc xuất phát từ khách sạn InterContinental để quan sát chúng trên những tán cây.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Từ tháng 4 đến tháng 9.

 Hơn 1.000 con voọc chà vá chân đỏ sống trên những ngọn đồi có rừng ở Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Shutterstock.

Hơn 1.000 con voọc chà vá chân đỏ sống trên những ngọn đồi có rừng ở Bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Shutterstock.

Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn)

Hồ Ba Bể, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp mà còn là nơi cư trú của hơn 80 loài động vật hoang dã và 322 loài chim.

Du khách có thể tham gia tour trekking khám phá VQG Ba Bể để tìm cơ hội bắt gặp cu li nhỏ, cầy vòi mốc Owston, gấu ngựa hay voọc đen má trắng. Ngoài ra, chèo thuyền trên hồ cũng là trải nghiệm tuyệt vời để ngắm chim.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Từ tháng 10 đến tháng 4.

 Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Hồ Ba Bể là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Dãy Trường Sơn

Dãy Trường Sơn là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào. Với địa hình hiểm trở được bao phủ bởi rừng rậm, đây là nơi cư trú của 134 loài thú và hơn 500 loài chim.

Đây cũng là quê hương của loài sao la - "kỳ lân châu Á" - được phát hiện năm 1992, cùng nhiều loài quý hiếm khác như thỏ sọc Trường Sơn, gà lôi lam mào trắng, hay gà tiền mặt đỏ.

VQG Bạch Mã (Huế) là điểm đến thích hợp cho du khách tìm kiếm những chuyến trekking ngắn. Nếu muốn trải nghiệm sâu hơn trong dãy Trường Sơn, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ lựa chọn lý tưởng với hành trình khám phá rừng sâu Hang Ba của Oxalis Adventure, nơi du khách có thể xem lại hình ảnh động vật hoang dã qua bẫy ảnh.

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Từ tháng 4 đến tháng 8.

 Du khách trên đường khám phá hang động thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách trên đường khám phá hang động thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: Linh Huỳnh.

Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi dòng sông Mekong dài 3.000 dặm chia thành chín nhánh trước khi đổ ra biển Đông. Hệ sinh thái ngập nước nơi đây là môi trường sinh sống của cá tra dầu khổng lồ, rái cá mũi lông và sếu đầu đỏ quý hiếm.

Với những ai yêu thích quan sát chim, VQG Tràm Chim sẽ là điểm đến lý tưởng. Đây là nơi bảo tồn khoảng 230 loài chim, trong đó có loài sếu đầu đỏ đặc trưng. Thời điểm lý tưởng để ghé thăm: Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

 Bạn có thể nhìn thấy sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Shutterstock.

Bạn có thể nhìn thấy sếu đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Shutterstock.

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bao-ngoai-tiet-lo-diem-ngam-dong-vat-hoang-da-dep-nhat-viet-nam-post1542250.html