'Bão người'
'Bão người' của Nguyễn Văn Học có lối viết truyện đan xen truyện, một truyện là nhóm nhà văn sống trong thực tại, với những bi kịch gia đình, nhức nhối của xã hội, truyện kia chính là các nhà văn kể về một cuốn tiểu thuyết đang viết dở của nhà văn Vừu, với sự xáo trộn, đảo lộn của các thang giá trị gia đình. Nguyễn Văn Học đã cho người đọc một cách tiếp cận khác, tạo cảm giác tươi mới.
Nhóm nhà văn Gáo, Vừu, nhân vật tôi trong “Bão người” là những hình ảnh của các nhà văn trong hiện thực, được lấy từ thực tế cuộc sống của những nhà văn hiện nay. Họ nhiều trăn trở, khát vọng để hướng tới việc sáng tác chuyên nghiệp, sáng tạo nên những tác phẩm lớn, nhưng nhiều cản trở của cuộc sống mưu sinh, của các vấn đề về một hiện trạng văn học không mấy sáng sủa. Riêng nhà văn Vừu, ngoài khát vọng văn chương, anh còn khao khát cháy bỏng có một mụn con trai khi đã có cả đàn con gái. Đây là căn tính tiểu nông, nặng về hình thức, khó mà sửa chữa của một bộ phận người. Nhà văn Vừu chán vợ, chán con, đi săn tìm những hình bóng khác, niềm hạnh phúc khác mà không được. Cuối cùng, anh định kết liễu đời mình bằng một tai nạn, nhưng tai nạn không giết được anh. Vừu bị thương nặng và nằm viện, chỉ có bạn văn đến chăm sóc. Và cũng từ chuyện nằm viện, anh đã kể cho bạn nghe một tiểu thuyết mới dự định trong đầu mình.
Nguyễn Văn Học đã đẩy những bi kịch của nhóm các nhà văn lên đỉnh điểm, để họ khóc, họ cười, họ đau khổ dằn vặt. Niềm đam mê văn chương không bị mất đi, nhưng những khúc mắc trong chuyện sáng tác, những suy tư đổi mới, cách tân cũng khiến họ mệt đầu. Họ cũng dám ước ao giải Nobel cho văn học Việt Nam. Họ muốn văn chương Việt Nam được khẳng định trên văn đàn thế giới.
Nhưng ước mơ làm nên giá trị tinh thần là những tác phẩm có thành hiện thực, họ phải chờ đợi và dấn thân, cần những bứt phá ngoạn mục và hơn thế nữa. Cuối cùng, khát vọng không thực của Vừu đã không thực hiện được, đó là anh đi tìm kiếm những người đàn bà khác để cho có mụn con trai. Nhưng anh bị lừa. Người ta đã biết anh bị lợi dụng và anh đã ê chề trong đau đớn bằng một cuộc chơi xỏ thông minh, cũng là cuộc thử nghiệm của một người đàn bà mất chồng. Nhà văn Vừu trống rỗng trở lại đời thực bằng những suy nghĩ khác, những dự định khác nhưng vô cùng cảm thấy có lỗi với vợ con.
Lớp truyện thứ hai là tiểu thuyết được kể dưới sự dẫn dắt của nhà văn Vừu, mà người nghe là người dẫn truyện - nhân vật tôi. Truyện kể một gia đình tha hóa, đạo đức suy đồi, vợ phản bội chồng, chồng phản bội vợ, con cái không vâng lời cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái. Với những tình tiết hấp dẫn đan cài nhau, làm cho người đọc hồi hộp, đôi phút ngộp thở và phải cố đọc tiếp để xem diễn biến thế nào. Mỗi người trong gia đình Thái - Hồng, một gia đình trung tâm của tiểu thuyết “Bão người” là một mảnh rời nhau, dường như chỉ có sự liên kết lỏng lẻo bằng đồng tiền, những tính toán vặt vãnh và sự cẩu thả trong lối sống.
Có thể nói, gia đình Thái - Hồng được cây dựng bởi những viên gạch vụn, bằng thứ đạo đức “vô đạo đức”, bằng sự nhẫn tâm và vô trách nhiệm, cho nên mọi tôn ti trật tự bị đảo lộn, phá vỡ. Một gia đình có ngôi biệt thự rộng nhưng luôn ngột ngạt và nó phải chứng kiến những cơn bội phản, những cuộc ngã giá tình - tiền và cuối cùng nó sụp đổ. Nhiều người đọc đến đoạn, người mẹ tên Hồng đã gán cô gái do mình đẻ ra cho gã Việt kiều hãm hiếp, để đổi lấy sự thuận lợi trong công việc, cho thấy sự suy đồi đạo đức đã lên đến đỉnh điểm.
Nguyễn Văn Học trình bày các sự kiện ngổn ngang, dữ dội… của sự tha hóa, suy đồi hơn là quá trình tha hóa suy đồi. Kiểu trình bày này gần với kỹ thuật phóng sự phơi bày sự kiện. Người viết văn có thể viết thêm nhiều sự kiện, chi tiết suy đồi, tha hóa một cách dễ dàng, nhưng viết về quá trình tha hóa với những diễn biến tinh thần, tâm lý thường rất khó. Có lẽ chính vì điều này mà nhân vật Thái - Hồng chưa thực sự rõ nét. Chính xác hơn, diễn biến tâm lý của Thái, Hồng, Bát… là chưa sâu sắc. Người đọc nhận ra bề nổi, bề ngoài của các nhân vật này hơn là nội tâm với những chiều sâu tâm lý.
Nếu dùng thủ pháp đối lập thể hiện thì hình ảnh thế giới nội tâm của nhân vật Minh phải đẹp rực rỡ, lung linh hơn nữa. Làm được điều đó, người đọc sẽ trăn trở, day dứt với câu hỏi: “Tại sao cùng sống trong một môi trường gia đình bát nháo, suy đồi, lộn tùng phèo… mà Bát - đứa con trai thì mất dạy, hư đốn; còn đứa con gái tên Minh lại trong sáng, đẹp lạ lùng như thế?”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/165742/bao-nguoi