Bao nhiêu loại vắc xin và cách điều trị corona đang được nghiên cứu?

Hàng loạt thông báo từ các trung tâm nghiên cứu trên thế giới cho biết nhà khoa học đang tìm cách chữa trị bệnh liên quan virus corona.

Australia tái tạo thành công virus corona: Tiến sĩ Mike Catton, Phó giám đốc Viện Peter Doherty thuộc Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne (Australia), cho biết nhóm nghiên cứu của mình đã tái tạo thành công virus nCoV-2019. Đây được xem là bước đột phá trong cuộc chạy đua chế tạo vắc xin, ACB đưa tin ngày 29/1. Kết quả này là cơ sở để phát triển phương pháp xác định một người có mang virus hay không trước khi họ có triệu chứng.

Vắc xin ngừa corona của Hong Kong (Trung Quốc): Ngày 28/1, Giáo sư Yuen Kwok-yung tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã chế tạo thành công vắc xin cho virus corona, SCMP đưa tin. Loại vắc xin này được tách ra từ virus trong ca nhiễm đầu tiên tại Hong Kong. Tuy nhiên, ông Yuen chia sẻ phải mất vài tháng để thử nghiệm vắc xin trên động vật và mất ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người. Như vậy, theo lời ông Yuen, cần ít nhất 1 năm nữa mới có thể đưa vắc xin ngừa chủng viêm phổi lạ vào sử dụng.

Bệnh viện Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ sản xuất vắc xin trong không quá 40 ngày: Ngày 27/1, Bệnh viện Đông Thượng Hải (thuộc Đại học Đồng Tế, Thượng Hải) đã phê chuẩn dự án phát triển vắc xin mới chống virus corona, China Daily cho biết. Vắc xin này do trường phối hợp với công ty công nghệ sinh học Stemirna Therapeutics (Thượng Hải) phát triển. Đại diện công ty này cho biết vắc xin sẽ được sản xuất trong không quá 40 ngày, sau đó trải qua quá trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng.

Thuốc xịt diệt khuẩn ngăn lây nhiễm virus corona của Bệnh viện Thượng Hải: Theo China Daily, Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng thành phố Thượng Hải đang sử dụng thuốc xịt chống virus corona trước khi vào khu vực cách ly. Loại thuốc này đã được chứng minh hiệu quả trên động vật và đạt tiêu chuẩn lâm sàng. Đặc biệt, thuốc được chứng minh có hiệu quả chống lại virus corona. Thành phần của thuốc xịt gồm 2 hoạt chất: Một chất kiềm chế sự nhân đôi của virus, chất còn lại kiểm soát quá trình gây bệnh của virus. Ông Xu Jianqing, người đứng đầu viện nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đã dành hơn 6 năm để phát triển các loại thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp. Tuy nhiên, loại thuốc này vẫn chưa được phê duyệt lưu hành và sản xuất trên thị trường nên mới chỉ sử dụng tại Trung tâm y tế lâm sàng công cộng thành phố Thượng Hải.

Lô thuốc phát hiện virus corona đầu tiên được gửi tới Vũ Hán: Lô thuốc này được gửi từ một công ty sản xuất tại Thiên Tân (Trung Quốc), China Daily đưa tin ngày 27/1. Đây là lô thuốc phát hiện 2019-nCoV đầu tiên, dù mới là thuốc thử nghiệm. Số thuốc này được gửi miễn phí, dự kiến sử dụng được cho 10.000 người. Hiện, thành phần của thuốc, cơ chế hoạt động vẫn chưa được tiết lộ.

Điều trị bằng thuốc HIV tại Bắc Kinh: Ngày 26/1, SCMP đưa tin một số bệnh viện tại Bắc Kinh sử dụng thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Loại thuốc được nhắc đến là Lopinavir/Ritonavir. Ba bệnh viện sử dụng phương pháp này, bao gồm: Bệnh viện Ditan Bắc Kinh, Bệnh viện Youan Bắc Kinh và Trung tâm y tế số 5 của bệnh viện đa khoa PLA. Hiện, chưa có thông tin thêm về hiệu quả của phương pháp này.

Thuốc điều trị corona đã có sẵn nhưng chưa kiểm nghiệm được hiệu quả: Zhong Nanshan, chuyên gia đứng đầu nhóm nghiên cứu ứng phó với virus mới tại Trung Quốc, cho biết ngày 25/1, nhóm của ông đã có sẵn thuốc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Thành phần của thuốc không được tiết lộ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho biết loại thuốc này an toàn về mặt lâm sàng nhưng chưa đo được tính hiệu quả. Vì vậy, họ cần thời gian quan sát để đưa ra kết luận, SCMP đưa tin.

Kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO): Ngày 24/1, The Paper (Trung Quốc) đưa tin bệnh viện Zhongnan (Vũ Hán) đã sử dụng kỹ thuật ECMO điều trị cho một bệnh nhân nhiễm virus corona trong tình trạng nguy kịch. ECMO là kỹ thuật tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể, từ đó hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân suy hô hấp hoặc suy tuần hoàn nặng. Theo giáo sư David Hui Shu-cheong tại Đại học Trung Quốc (Hong Kong, Trung Quốc), kỹ thuật này còn hạn chế là không thể áp dụng cho mọi bệnh nhân và không thể coi là cách chữa trị.

Mỹ nghiên cứu vắc xin sẵn sàng thử nghiệm trên người trong 3 tháng tới: Tạp chí y khoa Mỹ JAMA cho biết ngày 23/1, các nhà khoa học tại Mỹ đang nghiên cứu thành công một vắc xin ngừa corona. Vắc xin này đã sẵn sàng đưa vào thử nghiệm trên người trong vòng 3 tháng nữa. Nhóm nghiên cứu dựa trên sự tương đồng axit amin và có thể sử dụng ACE2 của SARS và 2019-nCoV. Họ hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình phát triển vắc xin hơn nữa với công nghệ vắc xin RNA (mRNA).

Bác sĩ Vũ Hán mệt mỏi, sợ hãi khi dịch virus corona bùng phát Mệt mỏi vì làm việc quá tải, các nhân viên y tế tại Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán chiến đấu với nỗi sợ hãi của chính mình để chống lại sự bùng phát của dịch virus corona.

Thiên Nhan
Ảnh: Getty, China Daily, AFP.

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nhieu-loai-vac-xin-va-cach-dieu-tri-corona-dang-duoc-nghien-cuu-post1040542.html